Năm 1979, đang học lớp 11 THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn), anh trai tôi tình nguyện lên đường ra mặt trận biên giới, cùng hàng vạn thanh niên đất Quảng qua Campuchia. Chuyện anh thuật lại, đất nước chùa Tháp khi ấy chỉ cung cấp “nước lã và khí trời” cho bộ đội Việt Nam, nên đói khát, sốt rét cùng với tiếng súng không ngớt của tàn quân Pôn Pốt - Khơ Me Đỏ khiến tổn thất của bộ đội Việt Nam nhiều vô cùng. Vùng giáp biên ngày qua đất bạn còn hoang sơ, chỉ vài năm sau anh về phép đã thấy mọc lên những nghĩa trang chi chít mộ lính.
Câu chuyện còn được tiếp tục với các nhân vật mà tôi có may mắn làm trợ bút hoặc biên tập những dòng ghi chép về cuộc chiến tranh không kém phần khốc liệt ấy. Đó là Đại tá Quách Tử Hấp, quê Đại Lộc, từng giữ cương vị Phó Tư lệnh Mặt trận 579. Hay Thiếu tướng Trần Minh Hùng, quê Điện Bàn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, qua Campuchia năm 1979 khi đang chỉ huy Trung đoàn 95. Hai người ấy cũng đã kể, viết lại những câu chuyện bi tráng về người lính trên chiến trường Tây Nam và ở nước bạn. Đơn cử như trong chiến dịch đánh vào cao điểm 547 trên dãy Đăng-rếch, có trận đến cả trăm bộ đội bị chết khát. Vết thương chiến tranh còn rỉ máu trong nhiều năm sau đó bởi rất nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị mìn lá, mìn cóc của Tàu cung cấp cho quân Pôn Pốt cài đặt hủy hoại một phần thân thể...
Hy sinh vô cùng to lớn của quân tình nguyện Việt Nam, đáng tiếc thay, phải mấy chục năm sau mới được xác tín rõ ràng trong dư luận quốc tế. Khi thăm chính thức Việt Nam cuối năm 2013 vừa rồi, Thủ tướng Hun Sen đã gặp gỡ, nói chuyện thân mật với 700 cựu quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam giúp đỡ Campuchia trong giai đoạn 1979-1988, nhắc lại rằng, phải đến lúc Tòa án Quốc tế xử tội diệt chủng của Pôn Pốt, thì công lao của Việt Nam với dân tộc Campuchia được tôn vinh xứng đáng. Nhưng ở tư cách là người từng gắn bó sâu sắc với các “thủ trưởng” trong quân đội Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen cũng đã luôn gửi thông điệp đến quốc tế với lời tri ân cựu chiến binh và thân nhân những người Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến đó. Ông cũng nhấn mạnh rằng, nếu không có quân đội và nhân dân Việt Nam giúp đỡ, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia phải mất rất nhiều năm nữa để tự giải phóng mình, và khi đó, có thể Pôn Pốt - Khơ Me Đỏ đã tàn sát hết người dân, sau khi đã giết chóc tàn bạo hơn 2 triệu người.
Giờ đây, câu chuyện đã lùi xa 35 năm kể từ ngày 7.1.1979, bộ đội Việt Nam tiến quân vào giải phóng Phnôm Pênh, giúp dân tộc Campuchia thoát nạn diệt chủng. Những lễ mít tinh kỷ niệm ngày chiến thắng, những cuộc giao lưu với các cựu binh, đã chính thức được tuyên truyền rộng rãi. Cũng đỡ buồn cho anh trai tôi cùng đồng đội vì bao năm rồi họp mặt hội những người lính qua Campuchia song chưa được thấy trọn vẹn nghĩa cử tôn vinh như vào dịp 35 năm này.
Không ai có thể hình dung nổi những mất mát đau thương của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia, nếu chưa đến thăm các di tích về những vụ thảm sát của bọn diệt chủng. Người viết bài này từng đến thăm nhà tù Toul Sleng, nơi từng giam giữ 17 ngàn người nhiều quốc tịch mà chỉ có 14 người sống sót. Bảo tàng diệt chủng này khiến khách đến tham quan còn rùng mình kinh hãi trước tội ác của Pôn Pốt khi thấy chồng chồng lớp sọ người… Lạ thay ở một đất nước coi đạo Phật là quốc đạo, lại có những di tích về tội ác với con người khủng khiếp đến vậy. May mắn thay, đất nước ấy, dân tộc ấy đã được hồi sinh nhờ “bộ đội nhà Phật” như cách mà nhiều người dân Campuchia sống sót sau nạn diệt chủng đã nói về quân tình nguyện Việt Nam.
Nghe vọng tiếng chuông chùa từ xứ sở chùa Tháp…
Vọng tiếng chuông nguyện hồn ai, cầu cho câu chuyện đau thương đừng bao giờ tái diễn.
NGUYỄN ĐIỆN NAM