Vọng về phía núi

ĐINH VĂN MÃNH 18/02/2015 12:04

Hòn Tàu - Mặt Rạng, một nhánh rẽ của Trường Sơn tiếp giáp đồng bằng Quảng Nam, là ranh giới giữa hai huyện Duy Xuyên - Quế Sơn; căn cứ bàn đạp của Đặc khu ủy Quảng Đà những năm kháng chiến chống Mỹ. Và, nhà in báo - một bộ phận trực thuộc Ban Tuyên huấn Quảng Đà, luôn phải ở tương đối gần các cơ quan lãnh đạo.

Tại vùng rừng núi giáp ranh này, bom đạn địch đánh phá ngày đêm, quân Mỹ tăng cường phục kích, lùng sục, nhất là sau chiến dịch xuân Mậu Thân - 1968;  chỉ 4 năm, nhà in báo đã có hơn 10 đồng chí hy sinh. Đó là chưa kể gần 10 đồng chí khác cũng ngã xuống trên những nẻo đường công tác ở vùng B Đại Lộc, biền bãi Vu Gia… Ngày ấy, chiều xuống, chập choạng tối, tổ chức thường phân công một số người luân phiên rời cơ quan mang gùi, vác súng xuống đồng bằng, vào vùng ven để mua giấy, mực in, dầu hỏa hay lương thực, thực phẩm cho đơn vị. Có người ra đi nhưng mãi mãi không về! Quên sao được, một đêm đầu năm Kỷ Dậu - 1969, tại nhà bà Hảo gần chợ Hà Nha, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, trong căn hầm tối, khét mùi thuốc nổ TNT trộn máu tanh, tôi bàng hoàng vuốt mắt vĩnh biệt Phạm Thanh, người bạn học cùng quê, thoát ly vào nhà in cùng lúc, sau khi nhận từ tay bạn 50 đồng (tiền chế độ cũ). Nghe những lời trăng trối bạn nhờ chuyển về thăm mẹ và em ở quê  nhà nếu ngày hòa bình còn sống sót và trong cơn đau vì vết thương mất nhiều máu, bạn còn gắng thì thầm “Hồ Chí Minh muôn năm!” trước khi trút hơi thở cuối cùng. Dưới tầm pháo giặc, chúng tôi đưa thi hài các anh chôn cất khi trời chưa sáng để còn kịp lánh vào núi, phòng quân địch đi càn.

Núi Hòn Tàu.
Núi Hòn Tàu.

Sau ngày 29.3.1975, từ Hòn Tàu - Mặt Rạng, nhà in báo theo đoàn quân  chiến thắng vào tiếp quản thành phố. Trong bộn bề khó khăn chung của đất nước sau chiến tranh, nhà in báo cũng trải qua những thăng trầm, khúc quanh lịch sử. Cùng với thời gian, một số đồng chí được phân công nhiệm vụ mới hoặc nghỉ hưu vì tuổi cao sức yếu. Những đồng chí còn ở lại giữ vị trí lãnh đạo, cùng lực lượng công nhân mới kế tục xây dựng phát triển xí nghiệp in báo Quảng Nam - Đà Nẵng vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chuyển thành Công ty In -Phát hành sách và Thiết bị trường học Quảng Nam hôm nay. Trong số những người “cũ” cùng “xuống núi” ngày ấy, đang gắn bó cùng ngành in duy nhất chỉ còn giám đốc Huỳnh Đây. Từ một người lính bị thương chuyển ngành về nhà in báo năm 1971, anh không ngừng học tập, phấn đấu. Qua nhiều năm tháng, anh đảm nhận vị trí lãnh đạo đơn vị phát triển sản xuất, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đời sống công nhân được cải thiện, là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh trong 2 năm liền. Và, năm 2014, công ty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Với phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, được rèn luyện thử thách qua chiến tranh gian khổ, giám đốc Huỳnh Đây luôn trách nhiệm, thủy chung với đồng đội bằng nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa như thăm viếng, tặng quà các dịp lễ, tết, 27.7, tặng sổ tiết kiệm cho mẹ Thiều Thị Pháp - mẹ của liệt sĩ Trần Luận - đang sống neo đơn… Đặc biệt trong 40 năm qua, Huỳnh Đây cùng chúng tôi luôn thao thức với nỗi nhớ những gương mặt đồng chí, những địa chỉ mà đồng đội thân thương đã ngã xuống ngày nào mà mãi đến nay hài cốt vẫn còn thất lạc nơi rừng sâu núi thẳm. Sau mỗi lần họp mặt đồng đội, có điều kiện xác định thêm nguồn tin, chúng tôi lại tổ chức các chuyến đi kiếm tìm, có khi thành đoàn, lúc phối hợp với gia đình thân nhân liệt sĩ. Và, thật cảm động, những lần đi ấy luôn có sự hỗ trợ của Công ty In – Phát hành sách & thiết bị trường học Quảng Nam về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều hài cốt của các liệt sĩ: Nguyễn Mạnh Cường, Trà Văn Đệ, Lâm Quang Châu, Nguyễn Thị Mười, Thiều Lợi, Phạm Thanh, Nguyễn Thị Hồng, Hồ Xuân Mai, Nguyễn Thị Nhân đã được tìm thấy và di dời về yên nghỉ ở các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Lễ gắn bia tưởng niệm 10 liệt sĩ đã ngã xuống nơi căn cứ của ngành tuyên huấn Quảng Đà cũ trên núi Hòn Tàu.            Ảnh tư liệu
Lễ gắn bia tưởng niệm 10 liệt sĩ đã ngã xuống nơi căn cứ của ngành tuyên huấn Quảng Đà cũ trên núi Hòn Tàu. Ảnh tư liệu


Trong những chuyến đi tìm đồng đội, có lúc chúng tôi gặp những câu chuyện thật kỳ lạ. Hồi đó là tháng 3.1995, đúng 20 năm sau ngày quê hương giải phóng; chúng tôi đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Thị Nhân (quê Điện Thọ, Điện Bàn) được đồng đội chôn cất năm 1973 tại ranh Trà Lý, chân núi Hòn Tàu. Dự định đi ngày Chủ nhật (ngày nghỉ việc ở cơ quan) nhưng sau quyết định phải đi sớm hơn vào ngày thứ Bảy, dự phòng có thêm một ngày nữa để kiếm tìm. Miên man lo nghĩ về chuyến đi; tối thứ Sáu, trong giấc ngủ mơ tôi nghe có người bảo “cứ đi đến nơi sẽ có một bà già chỉ mộ”. Trên ô tô từ Đà Nẵng vào, tôi kể chuyện về giấc chiêm bao, những bạn đồng hành bán tín bán nghi. Không ngờ, vừa đến nơi, Phạm Ngộ vác cuốc đi đầu hớn hở chỉ: “Khu vực này đây!”. Bỗng một bà già đang gặt lúa cùng hai người con gần đó đi đến hỏi: “Các chú đi tìm mộ phải không? Sau giải phóng, tôi về quê, lên đây cuốc cấy mấy đám ruộng này, thấy ngôi mộ ở đây. Nghĩ là mộ của anh em mình nên dặn các con đừng trồng cây lên đó, thỉnh thoảng vun đất, thắp hương”. Mừng khấp khởi, chúng tôi cùng thắp nhang khấn vái và vội vàng đào đất. Dưới lớp đất chừng 3 tấc, di vật nhìn thấy đầu tiên là đôi dép rọ ố vàng, tiếp đến là các vật dụng: lược, gương, bật lửa và hai chiếc khăn thêu lúc chị còn ở trong tù được mang lên căn cứ để dành tặng người yêu đang là bộ đội! Cuối cùng, trong lớp bọc vải dù pháo sáng của Mỹ, hài cốt chị hiện ra rõ ràng, không chút hoài nghi, nhầm lẫn. Thật may, nếu đi ngày Chủ nhật, chưa chắc gặp được bà già gặt lúa (bởi mảnh ruộng ở hóc núi hưởng nước trời đó chỉ rộng hơn khoảnh sân vườn, gặt một buổi sáng là xong) thì việc tìm ra mộ chị không dễ dàng vì vùng gò đồi đây đó rất nhiều mô đất giống nhau đầy cây hoang, cỏ dại… Thêm một may mắn nữa, hài cốt chị Nhân được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, an vị ở lô duy nhất còn trống nằm kề bên các liệt sĩ Hoàng Đức Thăng, Nguyễn Bá Tiệp, Nguyễn Vinh, Võ Công Thu - những đồng đội Ban Tuyên huấn Quảng Đà - hy sinh trong đêm 21.5.1972 bị bom B52 đánh trúng.

Năm tháng trôi qua, giờ trở lại chiến trường xưa, rừng núi đổi thay nhiều, nhân chứng không còn. Vì vậy, có nhiều chuyến đi sau đó nữa nhưng không đạt được ước mong. Nhiều anh chị sống sót sau chiến tranh cũng lần lượt qua đời vì tuổi già, bệnh tật.  

Bốn mươi năm trôi qua, khi xuân về tết đến, hồi tưởng về đồng đội hy sinh còn nằm ở núi rừng, lòng chúng tôi lại day dứt khi chưa tròn tâm nguyện. Nghĩ giá mà sau giải phóng trở lại tìm hài cốt liệt sĩ sớm hơn thì chắc chắn sẽ thuận lợi và kết quả tốt hơn nhiều. Giờ đây, nhớ những anh linh đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc, quê hương, chúng tôi xin thắp nén tâm nhang bái vọng về phía núi và nguyện cầu tạ lỗi!

ĐINH VĂN MÃNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vọng về phía núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO