Vòng xoáy mới của tiền tệ

NAM VIỆT (Voice of Russia) 15/11/2013 14:22

Trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2013 và 2014, nhiều ngân hàng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về vòng xoáy mới của chiến tranh tiền tệ.

Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2013 và 3,6% trong năm 2014, cả hai đều giảm 0,2% so với mức dự báo trước đó của IMF, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để cải thiện tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục sau nhiều năm rơi vào khủng hoảng nợ công, Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải tuyên bố khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nâng mức lạm phát, đồng thời hạn chế tỷ giá đồng euro tăng quá cao. Ngay lập tức, các nhà hoạch định chính sách của Cộng hòa Czech công bố sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ lần đầu tiên trong 11 năm để hạ giá đồng koruna. New Zealand nói có thể sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất để giảm nóng cho đồng tiền của họ, còn Australia cảnh báo đồng AUD đang cao một cách đáng lo. Cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng được đưa ra hồi tháng 4 năm nay với mục đích “chế ngự” tình trạng thiểu phát kinh niên tại nước này và hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát lên 2% trong khoảng 2 năm, đồng nghĩa với việc ngân hàng tiếp tục bơm 60.000 - 70.000 tỷ yen/năm vào thị trường.

Tại Mỹ, trong tháng 9 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định đầy bất ngờ và gây sốc khi tiếp tục chương trình bơm 85 tỷ USD/tháng vào nền kinh tế với tên gọi “Chương trình nới lỏng định lượng 3 (QE3)”. Bên cạnh đó là việc duy trì mức lãi suất siêu thấp, ở mức gần bằng 0. Lý do dẫn đến quyết định của FED chủ yếu do thị trường việc làm của Mỹ chưa được phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khá cao 7,3%, tỷ lệ tham gia lao động hiện rơi xuống mức thấp nhất trong 35 năm qua. Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ bị tổn thương do Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ khi đó vẫn đang tranh cãi về mức trần nợ công và kế hoạch chi tiêu ngân sách tài chính khóa 2014. Song các nhà phân tích cũng cho rằng, những dòng tiền tiếp tục được bơm vào thị trường có thể tạo ra những bất ổn cho hệ thống tài chính thế giới. Cụ thể là nguy cơ khủng hoảng thanh khoản tại những nền kinh tế mới nổi một khi FED ngừng chương trình bơm tiền. Bởi vậy, sự ứng phó của các nền kinh tế mới nổi nhằm giảm dần sự lệ thuộc chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại châu Âu và Mỹ, cũng như sự thích ứng của các quốc gia đang phát triển trước sự thay đổi chính sách tiền tệ của các nước lớn là rất cần thiết.

Mark Rubinstein - chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng những động thái như vậy có thể dẫn đến những mạo hiểm rủi ro mới: “Chúng ta thường xuyên nhìn thấy phát sinh chiến tranh tiền tệ. Cuộc chiến này bùng ra ở những phần khác nhau của quả địa cầu, và điều đó gắn trước hết với sự mất cân bằng nội bộ đa dạng, diễn ra ở những khu vực kinh tế khác nhau. Biện pháp này đã, đang và sẽ còn được áp dụng. Nhưng ở đây có mặt tiêu cực. Nếu đồng tiền mạnh và suy yếu nhanh thì điều đó có thể dẫn đến lạm phát cao, gây hệ quả tiêu cực đến nền kinh tế”. Sự suy yếu của một bản tệ có nghĩa là cùng lúc đó củng cố đồng tiền quốc gia khác. Quá trình này có thể thành phản ứng dây chuyền: hành động của một nước về hạ thấp tỷ giá đồng tiền quốc gia sẽ dẫn đến bước đi đáp lại của nước khác. Tiếp theo là sự suy giảm trong tổng khối lượng giao thương quốc tế. Hoặc thậm chí dẫn tới sụp đổ hệ thống tiền tệ thế giới!

NAM VIỆT (Voice of Russia)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vòng xoáy mới của tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO