Vụ bệnh nhân nguy kịch tại bệnh viện Vĩnh Đức: Bệnh viện điều trị đúng phác đồ

VĨNH LỘC 12/12/2016 09:13

Theo đơn khiếu nại của ông Trương Phú Hải (SN 1980), chồng bệnh nhân Võ Thị Thu (SN 1987), thường trú thôn xóm Bùng, xã Điện Hòa, Điện Bàn gửi đến Báo Quảng Nam, ngày 14.11.2016 chị Thu bị mệt và sốt nhẹ được gia đình đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Nam Trung, Điện Bàn). Qua chẩn đoán, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị sốt siêu vi - TP sốt xuất huyết và yêu cầu nhập viện để theo dõi. Qua 5 ngày điều trị, bệnh tình chị Thu chuyển biến theo chiều hướng xấu. Đến 11 giờ 30 ngày 19.11.2016, khi bệnh nhân bắt đầu chìm vào trạng thái hôn mê mới được Bệnh viện Vĩnh Đức chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tại đây, chị Thu được xét nghiệm chẩn đoán với kết luận máu nhiễm độc và được đưa vào phòng Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não (bác sĩ chẩn đoán tỷ lệ sống còn 20%), thở bằng máy và sau đó phải tiến hành lọc máu 2 lần.

Bệnh nhân Võ Thị Thu đã qua cơn nguy kịch, được cho về nhà và đang dần hồi phục. Ảnh: V.LỘC
Bệnh nhân Võ Thị Thu đã qua cơn nguy kịch, được cho về nhà và đang dần hồi phục. Ảnh: V.LỘC

Người nhà cho rằng bệnh viện thiếu trách nhiệm

Ông Hải cho biết, ngày 22.11.2016, có vào Bệnh viện Vĩnh Đức phản ánh tình trạng trên thì được bác sĩ Trần Bình giải thích do chị Thu bị sốt xuất huyết dengue nên phải để theo dõi. “Nếu bệnh viện không có hướng điều trị thì phải báo cho gia đình biết để chuyển tới nơi chữa trị tốt hơn chứ sao giữ bệnh nhân đến lúc nguy hiểm tính mạng mới chịu đưa ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Trong khi 5 ngày qua (thời gian nằm điều trị ở Vĩnh Đức - PV) mỗi khi vợ tôi sốt bác sĩ chẩn đoán đều nói bình thường, đồng thời giải thích là do bệnh đang phát ra nên sốt rồi chỉ định cho uống thuốc hạ sốt. Nếu như bệnh viện có trách nhiệm và trung thực báo trước thì vợ tôi đã không đến nỗi nguy kịch, làm tốn kém tiền của và gây hoang mang cho gia đình” - ông Hải bức xúc nói.

Do bệnh chứ không do cách điều trị

Qua xem xét hồ sơ bệnh án, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Quảng Nam nhận định, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đã tuân thủ đúng quy trình và phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Ông cho rằng, quá trình từ đón tiếp, theo dõi chăm sóc, đến sao vẽ biểu đồ, nhịp đập huyết áp, kể cả xét nghiệm hàng ngày cho bệnh nhân như Bệnh viện Vĩnh Đức đã làm cho chị Thu là khá nhiều và đầy đủ. Ngoài ra, qua kiểm tra theo dõi số lượng hồng cầu và tiểu cầu trên phiếu xét nghiệm đều thấy các thông số nằm trong giới hạn cho phép của bệnh sốt xuất huyết nên có thể nói Bệnh viện Vĩnh Đức làm tròn trách nhiệm. “Thực ra sốt xuất huyết không có thuốc đặc trị mà chỉ theo dõi bù dịch và hạ sốt, đồng thời nâng thể trạng của bệnh nhân lên để đủ sức chống lại độc tố vi rút gây ra. Trường hợp cơ thể bệnh nhân chuyển sốc thì bác sĩ phải có biện pháp chống sốc. Nhưng trong trường hợp này là do bệnh chứ không phải do cách điều trị” - bác sĩ Nguyễn Văn Sơn nói.

Cũng theo ông Hải, sau khi gia đình phản ứng vụ việc, đại diện Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đã mang 20 triệu đồng ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trao cho gia đình và bảo là hỗ trợ thuốc men. Ông Hải cho rằng, dù gia đình ghi nhận điều này nhưng so với chi phí hơn 150 triệu đồng phải vay mượn chạy chữa lọc máu cho chị Thu thì số tiền trên chẳng thấm vào đâu. “Dù bây giờ vợ tôi đã qua cơn nguy kịch và hồi phục về nhà nhưng vẫn còn lo vì với mức thu nhập làm công nhân của hai vợ chồng thì chưa biết bao giờ mới trả hết nợ. Tôi phản ánh điều này không phải đòi hỏi gì mà là để mong muốn Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cẩn thận và có trách nhiệm hơn trong việc điều trị bệnh nhân” - ông Hải nói.

Bệnh viện khẳng định tuân thủ đúng quy trình điều trị

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc trên, bác sĩ Trần Công Ân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức khẳng định, bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình về tiếp nhận bệnh nhân cũng như phác đồ điều trị. Theo quy trình và phác đồ điều trị của Bộ Y tế, quá trình theo dõi sốt xuất huyết là từ 3 đến 7 ngày, trong đó khoảng 90% bệnh nhân đến ngày thứ tư là hạ nhiệt, nổi ban sẽ đỡ. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp theo chiều hướng xấu, nghĩa là số lượng tiểu cầu giảm xuống, nên bệnh viện chủ yếu theo dõi xem xét qua xét nghiệm để có giải pháp kịp thời. Thông thường sau khi hạ sốt 1 - 3 ngày tiểu cầu phục hồi thì cho bệnh nhân xuất viện. Trường hợp tiểu cầu vẫn tiếp tục giảm nữa thì phải chuyển bệnh nhân tới nơi tốt hơn để truyền tiểu cầu; và chị Võ Thị Thu nằm trong trường hợp này.

“Vì bệnh nhân có cơ địa yếu trong khi động lực của con vi rút này mạnh dẫn đến suy đa ngũ tạng gọi là choáng xuất huyết. Do đó, chúng tôi phải chuyển gấp ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng vì ở đây có thiết bị lọc máu chứ không phải bác sĩ theo dõi không kỹ bệnh nhân như gia đình phản ánh. Quan điểm của chúng tôi là bệnh nhân nào mình chữa được sẽ chữa, không chữa được thì chuyển đến nơi tốt hơn chứ không có chuyện giữ bệnh” - ông Ân nói. Về số tiền 20 triệu đồng, bác sĩ Trần Công Ân cho biết đó là tiền hỗ trợ cho chị Thu và xuất phát từ quan điểm của bệnh viện “sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn”. Trong trường hợp này, bệnh viện chia sẻ khó khăn với gia đình chị Thu, bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế nên bệnh viện hỗ trợ chứ không phải vì e ngại điều gì.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vụ bệnh nhân nguy kịch tại bệnh viện Vĩnh Đức: Bệnh viện điều trị đúng phác đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO