Được mùa lại được giá, không xảy ra tai nạn trên biển là những thành công nổi bật của ngư dân Quảng Nam sản xuất trong vụ cá bắc (bắt đầu từ ngày 1.10.2016 đến hết ngày 31.3.2017).
Bội thu
Dù phải sản xuất trong mùa biển động nhưng cứ hễ nghe dự báo thời tiết trên biển tương đối ổn định là ngư dân trên địa bàn tỉnh lại vươn khơi. Ở 2 ngư trường truyền thống trên các vùng biển xa là Trường Sa và Hoàng Sa, các tàu công suất lớn của 2 nghề chủ lực là câu mực khơi, lưới vây bám biển quanh năm. Đặc thù của nghề câu mực khơi là mỗi chuyến biển kéo dài hàng tháng trời nên hầu hết ngư dân chỉ có thể sản xuất được 1 chuyến biển trong vụ cá bắc.
Dù điều kiện thời tiết thất thường nhưng có chủ tàu tổ chức được 2 chuyến biển trong vụ cá bắc này. Đó là ngư dân Phạm Quyến (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành). “Nghề câu mực khơi có thời gian sản xuất trung bình là 3 tháng/chuyến biển. Tùy vào sản lượng nhiều hay ít mà chúng tôi rút ngắn xuống 2 tháng. Ở các vụ cá bắc trước đây, chúng tôi chỉ thực hiện 1 chuyến do thời tiết biến động nhưng năm nay tăng lên 2 chuyến” - ông Quyến nói. Đây là ngư dân kỳ cựu của địa phương có nghề câu mực khơi lớn nhất tỉnh là xã Tam Giang (Núi Thành). Với 2 chuyến biển thu được tổng cộng 90 tấn mực xà, ông Quyến bán được 7,2 tỷ đồng. Mỗi “bạn” câu mực được chia 80 triệu đồng, chủ tàu thu được gần 3 tỷ đồng sau khi trừ chi phí sản xuất.
Ở nghề lưới vây, ngư dân Quảng Nam vẫn đều đặn ra khơi trong mùa biển động. Trong đó, đáng kể nhất là một số tàu đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa trong điều kiện thời tiết có nhiều biến động. “Tôi ra khơi sản xuất bằng tàu vỏ thép nên rất tự tin đánh bắt hải sản trong điều kiện có gió giật cấp 6, cấp 7. Trên tàu luôn túc trực máy liên lạc nên hễ nghe dự báo trong vài ngày tới biển động mạnh là điều tàu về đất liền, từ Hoàng Sa về bờ tốn tối đa là 3 ngày. Biển động nhẹ thì hải sản hay trồi lên tầng mặt nước hoạt động theo đàn lớn nên khai thác rất thuận lợi” - ngư dân Nguyễn Thanh Tiến (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu vỏ thép QNa- 91037 có công suất 822CV nói. Những chuyến biển của anh Tiến thường diễn ra trong vòng 15 ngày với sự tham gia của 15 lao động. Nhiều chuyến biển của tàu cá này đạt hơn 20 tấn cá ngừ, cá nục đem lại cho chủ tàu hơn trăm triệu đồng, các “bạn” được chia hàng chục triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Vụ cá bắc này đã chứng minh rất rõ lòng kiên tâm bám biển quanh năm của ngư dân Quảng Nam. Đơn khởi như tàu cá QNa - 91945 của 2 đồng chủ tàu Nguyễn Thanh Vương và Đỗ Thanh Cảnh (cùng thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) đã đón tết khi đang sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa. Ra khơi vào cuối tháng chạp, đến mùng 7 tết, tàu cá này về bờ trong niềm vui sướng vì được mùa lại được giá.
Vụ sản xuất đạt
Hỗ trợ ngư dân gần 27 tỷ đồng Thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 của Chính phủ, trong vụ cá bắc, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh thường xuyên hướng dẫn ngư dân hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định. Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã thường xuyên vận hành trạm bờ của hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp thiết bị định vị GPS để xác nhận tin nhắn ngư dân gửi về khi đang sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Trong quý IV năm 2016 và quý I năm 2017, ngành thủy sản đã thực hiện 2 đợt thẩm định, xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ của ngư dân. Các Sở NN&PTNT, Tài chính đã trình UBND tỉnh hỗ trợ ngư dân gần 27 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ chi phí nhiên liệu là hơn 25,9 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí mua máy thông tin liên lạc khoảng 600 triệu đồng. |
Theo ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, vụ cá bắc này ghi nhận thành công của ngư dân trên địa bàn. Toàn xã có tổng cộng 48 tàu cá vươn khơi đều thu được sản lượng hơn 40 tấn mực xà/tàu, có trường hợp đặc biệt thu được 50 tấn mực xà. Vụ cá bắc có đầu ra ổn định, giá mực tăng từ 50 nghìn đồng/kg lên 75 nghìn đồng/kg đã giúp cho ngư dân có nguồn thu nhập lớn. “Không có nghề nào vất vả như câu mực khơi giữa biển Trường Sa hàng tháng trời. Trong điều kiện biển động, thời tiết thất thường, mỗi ngư dân dong thuyền thúng ra giữa biển ngồi câu từ đêm đến sáng trong cái rét lạnh, tối trời và sóng dữ. Rất may là vụ cá khép lại rất đạt. Được mùa lại được giá, lại không xảy ra tai nạn quả là rất hy hữu trong vòng mấy năm trở lại đây” - ông Châu nói. Nghề câu mực khơi mỗi năm đem lại sản lượng chừng 15 nghìn tấn cho địa phương. Ở vụ cá bắc này, sản lượng khai thác của ngư dân xã Tam Giang đạt hơn 5 nghìn tấn, vượt trội so với các vụ trước đây.
Ông Nguyễn Hữu Định - cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Quang - địa phương có nghề cá lớn nhất tỉnh cho biết, vụ cá bắc hay được nhắc đến là thời điểm nghỉ đông của ngư dân do biển động, thời tiết rất phức tạp, hiểm nguy. Vậy nhưng, nghe dự báo thời tiết tương đối ổn định là ngư dân vượt khó vươn khơi sản xuất. Có nhiều tàu cá thu được hơn 20 tấn hải sản sau chuyến đánh bắt 10 - 15 ngày với chừng 15 lao động. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn trong vụ cá bắc đạt 22 nghìn tấn (tăng 10% so với vụ trước). “Thành công của vụ cá bắc là tín hiệu tích cực trong triển khai điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Kết quả thu được đã bước đầu cho thấy mục tiêu hiện đại hóa nghề cá rất khả quan. Các tàu vỏ thép và vỏ gỗ lần đầu tiên đi vào sản xuất trên biển sau khi được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Không có tai nạn nào xảy đến dù ngư dân bám biển trong điều kiện sản xuất rất bất lợi cũng là thành công lớn” - ông Ngô Tấn nói.
VIỆT QUANG