Vụ cán bộ xã nhổ 3.000 cây keo của dân: Người dân không thống nhất phương án hỗ trợ

TUỆ LÂM 03/10/2019 10:46

Sáng 2.10, UBND xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) tổ chức buổi làm việc với người dân để giải quyết vụ tổ công tác của xã nhổ 3.000 cây keo lá tràm của người dân tại khu vực gò Núi Tre. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, người dân không đồng ý với phương án hỗ trợ mà chính quyền địa phương đưa ra.

Đại diện chính quyền địa phương, ông Trần Thanh Xuân – Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 chủ trì buổi làm việc với 4 hộ dân gồm ông Doãn Bá Ba, Nguyễn Đông, Nguyễn Văn Đại và Nguyễn Đức Long (cùng trú thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2). Theo UBND xã Tam Xuân 2, khu vực gò Núi Tre trước năm 2008 do Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam quản lý. Năm 2009, UBND tỉnh bàn giao 80ha đất cho xã. Ba năm sau, khu vực này được huyện Núi Thành phê duyệt quy hoạch thành nghĩa địa gò Núi Tre có diện tích 5ha. Việc người dân trồng cây trên đất của xã là không đúng về mặt pháp lý khi không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh đó là đất của dân.

Để xử lý vụ việc vừa qua, theo đại diện UBND xã Tam Xuân 2, quy định của UBND tỉnh về việc hỗ trợ cây trồng trên đất của người dân đối với cây dưới một năm là 4 nghìn đồng/cây keo. Mức hỗ trợ tối đa với 3.000 cây keo của người dân bị chặt hạ là 12 triệu đồng. Gia đình ông Doãn Bá Ba cùng hộ ông Nguyễn Văn Đại có thiệt hại nhiều nhất với hơn 2.000 gốc keo bị nhổ. Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình của 4 hộ dân. Người dân cho rằng việc hỗ trợ 4 nghìn đồng/cây keo là không thỏa đáng. “Chúng tôi bỏ hàng chục triệu đồng ra mua cây giống, rồi thuê nhân công lên trồng cây, chăm sóc, bón phân. Đến nay cây đã hơn 7 tháng, cao gần bằng đầu người mà hỗ trợ 4 nghìn đồng một cây là không được. Tôi muốn mức giá 35 nghìn đồng/cây” - ông Ba nói.

Lý giải về mức hỗ trợ thấp, ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho rằng trước khi nhổ cây, chính quyền đã tính toán và đó cũng là mức giá Nhà nước đưa ra. “Đây là mức quy định của Nhà nước, trước khi thực hiện dự án nghĩa trang thì chính quyền đã tính hỗ trợ cây trồng cho người dân hết rồi chứ không phải sau khi nhổ cây mới tính hỗ trợ” - ông Xuân nói. Ông Xuân cũng giải thích rằng đây là đất do Nhà nước quản lý thì không thể thu hồi đất của chính Nhà nước được. Việc quy hoạch nghĩa trang là phục vụ cho toàn dân nên mong người dân hiểu, chia sẻ.

Tại buổi làm việc, do không đồng ý với mức hỗ trợ trên nên người dân đã không ký biên bản, buổi làm việc kết thúc mà không tìm được tiếng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vụ cán bộ xã nhổ 3.000 cây keo của dân: Người dân không thống nhất phương án hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO