Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên biển Cửa Đại (Hội An) cuối tuần qua không những gây mất mát lớn về người mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về các điều kiện đảm bảo an toàn hàng hải, nhất là trong phục vụ du lịch.
Chia sẻ cùng các nạn nhân
Chưa hết bàng hoàng dù bản thân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ông Trần Quý - lái phụ có mặt trên chiếc ca nô gặp nạn kể: “Lúc ca nô bị lật tôi ngồi cuối ca nô để quan sát hành khách. Thời điểm ca nô bị sóng đánh tràn vào đến lúc lật quá nhanh nên tất cả du khách hoảng loạn tột độ. Tôi đã cố trấn an và lấy hết sức để ngụp lặn cứu một số người xung quanh cho đến khi tàu cứu hộ đến”.
Theo lời một du khách may mắn thoát chết, thời điểm đó mọi người đều mặc áo phao, sau khoảng 30 phút trôi nổi thì được lực lượng cứu hộ tiếp cận ứng cứu.
Để sẻ chia phần nào mất mát của các nạn nhân, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP.Hội An đã hỗ trợ trực tiếp 10 triệu đồng với mỗi trường hợp tử vong, 4 triệu đồng với các trường hợp bị thương.
Hàng chục khách sạn trên địa bàn TP.Hội An cũng tình nguyện cung cấp phòng lưu trú miễn phí cho những người may mắn được cứu. Thông qua kênh vận động của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hơn 50 triệu đồng cũng được quyên góp để tiếp tục chia sẻ với các nạn nhân.
Khoảng đầu giờ chiều ngày 26.2, tại khu vực biển Cửa Đại (TP.Hội An), chiếc ca nô mang biển kiểm soát QNa-1152 do ông Lê Sen làm thuyền trưởng thuộc công ty du lịch Phương Đông đã bị lật. Trên ca nô có 39 người, trong đó có 36 du khách. Vụ việc đã khiến 15 du khách bị chết, 2 người khác mất tích. Lực lượng chức năng đã cứu hộ được 21 người.
Trong ngày 27.2, hai trực thăng, gần 40 ca nô, tàu cá với khoảng 400 người tiếp tục được huy động nhằm quyết tâm tìm kiếm 2 nạn nhân xấu số còn lại. Nguyên nhân vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này đang được các lực lượng của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam điều tra.
Với các nạn nhân tử vong, ngay trong tối 26.2 UBND TP.Hội An đã có công văn đề nghị đội xe tang lễ TP.Đà Nẵng hỗ trợ phương tiện đưa các thi thể về quê an táng, chi phí do UBND TP.Hội An hỗ trợ.
Ông Nguyễn Trí Minh - Giám đốc Công ty Du lịch Minh Travel cho biết, một số cá nhân, doanh nghiệp ở Hội An cũng tình nguyện hỗ trợ phương tiện đưa nạn nhân đi hỏa táng hoặc về quê an táng. Qua kêu gọi tại chỗ, đã có thêm khoảng 100 triệu đồng được mọi người đóng góp, chia sẻ để hỗ trợ gia đình các nạn nhân.
Tiếp tục công tác tìm kiếm những nạn nhân mất tích, sáng 27.2, các đơn vị tìm kiếm đã huy động 2 trực thăng cùng 37 tàu các loại khẩn trương khoanh vùng tìm kiếm các nạn nhân còn lại, ngoài ra có 10 tàu giã cào của người dân địa phương hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân, tổng cộng có khoảng 300 người tham gia.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải và Ban An toàn giao thông quốc gia cùng lãnh đạo tỉnh đã đến nhà tang lễ thành phố Hội An thắp hương tưởng niệm các nạn nhân.
Hồi chuông cảnh báo
Ông Võ Đức Phong - đại diện Công ty Du lịch Phương Đông (đơn vị tổ chức tour cho các du khách trên) cho hay, ca nô chở số người đúng sức chứa, các quy định khác cũng đều đáp ứng.
Nguyên nhân gặp nạn ban đầu là do sóng lớn, tại khu vực gặp nạn có đường giao thoa giữa luồng nước nông và sâu nên thường xuất hiện 2 luồng sóng mạnh.
Đúng vào thời điểm chiếc ca nô đi vào khu vực đó lại có cơn sóng ngang lớn ập đến đẩy lật ca nô. Còn có hai thuyền xuất phát vào bờ cùng lúc nhưng do cũng chở đầy khách nên không thể ứng cứu ngay được.
Dù hàng chục tàu, ca nô cứu hộ của cơ quan chức năng cùng ngư dân địa phương đã cố gắng tiếp cận ngay sau khi sự cố xảy ra nhưng do thời tiết xấu, du khách không có nhiều kinh nghiệm sinh tồn nên đã có đến 17 người chết, mất tích trong vụ việc này.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, một phần nguyên nhân gây ra số lượng du khách tử vong quá nhiều là bởi ca nô trên thuộc loại tàu SB. “Tàu SB mới bị (tử vong - PV) nhiều vậy. Nếu là tàu SI thì vì tàu trống, nếu lật sẽ văng người ra hết. Còn tàu SB là loại tàu bịt bùng nên nếu lật úp sẽ rất khó để thoát ra ngoài. Nếu gặp những người bình tĩnh, có kinh nghiệm người ta cởi áo phao ra cầm trên tay rồi lặn ra thì mới mong thoát được” - ông Sơn nói.
Có mặt tại hiện trường vụ việc, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng: “Vụ việc là một bài học quá đắt giá và buộc các bên liên quan phải ngồi lại đánh giá toàn bộ an toàn hàng hải trong phục vụ du lịch trên cả nước. Bởi, không chỉ có tuyến Hội An - Cù Lao Chàm mà trên cả nước còn rất nhiều tuyến bờ ra đảo khác.
Cơ quan chức năng địa phương cũng cần sớm quan trắc, đánh giá lại luồng tuyến tại khu vực biển Cửa Đại, bởi khu vực này thời gian qua đã tồn tại cồn cát - khá gần với khu vực ca nô gặp nạn”. Thực tế cho thấy, ở nhiều thời điểm lực lượng cứu hộ rất chật vật khi tìm cách tiếp cận các khu vực gần cồn cát nổi bởi nước nông, khả năng mắc cạn cao.
Vụ việc là hồi chuông cảnh báo về các vấn đề cần phải khắc phục trong phục vụ du lịch, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch địa phương (sau hai năm liên tiếp gần như thất thu) đang trong quá trình phục hồi và sắp mở cửa đón khách quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho hay: “Sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị 2 vấn đề, một là phải nạo vét lại luồng lạch ở khu vực Cửa Đại để tàu ra vô không bị mắc cạn. Thứ hai là phải nghiên cứu lại việc sử dụng loại tàu SB đi tuyến ngắn như Hội An - Cù Lao Chàm. Trước đây, khi sử dụng loại tàu SI thì không xảy ra vấn đề gì, khi xảy ra tai nạn lật cũng có chìm nhưng đều cứu được hết”.