Bắt đầu từ một diễn viên múa của đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn, Trần Như Hà (Biên đạo múa thuộc Trung tâm VHTT&TTTH Hội An) đã từng bước “ghi tên” mình trong làng biên đạo múa xứ Quảng nói riêng và các sân chơi nghệ thuật quần chúng khu vực, cả nước nói chung…
1. Khi Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa thế giới (1999) cũng là lúc chàng trai Trần Như Hà (sinh năm 1968, quê Nam Phước, Duy Xuyên) dấn thân vào nghệ thuật múa. Ngày ấy, niềm đam mê cháy bỏng trong sự uyển chuyển của đôi chân, mềm mại của cánh tay và cảm giác như trôi đi trong âm nhạc, trong phiêu diêu của hình thể trên sân khấu… đã “bứng” một người thanh niên mới ngoài 20 tuổi ra khỏi một công việc đang ăn nên làm ra - thợ make-up và tạo mẫu thời trang để chuyển hẳn sang nghệ thuật: đầu quân cho đội văn nghệ Chăm Mỹ Sơn.
Đầu quân cho đội nghệ thuật dân gian Chăm Mỹ Sơn, Trần Như Hà vừa làm một diễn viên múa, vừa được giao làm đội trưởng đội văn nghệ và năm 2003, anh được gửi đi học lớp biên đạo múa tại Trường Văn hóa - nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Bắt đầu từ đây, với vốn chuyên môn cộng với kinh nghiệm tích cóp, Trần Như Hà đã có những tác phẩm múa đầu tay khá ấn tượng, khai thác yếu tố dân gian Chăm với màu sắc tâm linh hòa quyện với nghệ thuật múa đương đại trên sân khấu…, trở thành những “đặc sản” của Mỹ Sơn để trình làng du khách tham quan và góp mặt vào những hội thi, hội diễn liên hoan cấp huyện.
Đó là “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” - chương trình thực cảnh đầu tiên Trần Như Hà dàn dựng, biểu diễn ngay chân tháp, để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Đó là “Vũ điệu ngàn năm” hài hòa trong ngôn ngữ hình thể bằng kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật múa Chăm và múa hiện đại cộng hưởng với âm nhạc, âm thanh và ánh sáng… làm toát lên một Mỹ Sơn trường tồn từ trong những vũ điệu của Apsara, của múa đội nước, những dâng hiến mang tính phồn thực... Đó còn là “Nguồn cội”, “Khúc hành hương Mỹ Sơn” hay “Mùa xuân bên tháp cổ”, đã thực sự làm lung linh một Mỹ Sơn trong giai điệu của các ca khúc cùng tên.
Trần Như Hà bắt đầu “lấn sân” sang múa đương đại và đạt nhiều thành công ở các sân chơi của tỉnh và khu vực với nhiều mảng đề tài khác nhau. Năm 2012 là Huy chương vàng Liên hoan văn nghệ khối học sinh PTTH toàn tỉnh với tiết mục múa “Khói trắng” nói về ma túy học đường, dàn dựng cho ngành giáo dục huyện Duy Xuyên. Năm 2013 là Huy chương vàng Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc với “Người mẹ Quảng Nam” dựng cho đơn vị Quảng Nam, khắc họa hình ảnh người mẹ xứ Quảng với những hy sinh cao cả.
Biên đạo Trần Như Hà đã thổi hồn mình vào những tác phẩm múa để lại ấn tượng đậm nét và mang về thành quả cao ở các liên hoan, hội thi cấp tỉnh và khu vực như “Đón anh về” - dựng cho huyện Quế Sơn, “Như ngọn hải đăng”, “Dáng lụa” rồi “Hoa của đất” - câu chuyện đẹp về làng gốm Thanh Hà được xây dựng trên những hình tượng đậm màu sắc dân gian xứ Quảng, thể hiện cái đẹp và sự tài hoa của người Hội An, Quảng Nam trong hành trình giữ nghề gốm. Trần Như Hà bảo: “Người biên đạo múa phải tìm tòi, nghiên cứu những yếu tố cuộc sống đời thường, những nguồn gốc văn hóa sâu xa để làm nên nội dung của tác phẩm và quan trọng hơn nữa là phải biết hòa quyện giữa cái hiện tại và quá khứ nếu như tác phẩm đó mang tính chất lịch sử, huyền thoại... Có như thế thì một tác phẩm mới có chiều sâu nghệ thuật”.
2. Sau 20 năm gắn bó với Mỹ Sơn, Trần Như Hà chuyển công tác về Trung tâm VHTT&TTTH Hội An, theo anh là “để tìm tòi và khám phá những điều mới lạ vì Hội An là nơi giao lưu và hội nhập của các nền văn hóa”. Cũng trong vai trò biên đạo và dàn dựng các chương trình nghệ thuật của Hội An, nhưng ở “sân khấu lớn” này, Trần Như Hà có điều kiện mở rộng phạm vi không gian và đề tài sáng tạo. Hội An luôn là hấp lực với các nghệ sĩ, đặc biệt, nguồn chất liệu cho múa quá tuyệt vời. “Phố xưa xe ngựa hồn thu thảo” và câu chuyện hội nhập hôm nay luôn mở ra cho người làm nghệ thuật như Trần Như Hà một bầu trời để thỏa sức vùng vẫy. Về Hội An anh lại tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm múa ở các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách, ghi dấu ấn của mình bằng việc dàn dựng các tiết mục thực cảnh về Hội An xưa đầy màu sắc.
Và mới đây, trong lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật lần thứ 17, Trần Như Hà đã khiến người xem và du khách mơ màng với chương trình tái dựng lễ cưới của Công nữ Ngọc Hoa với thương nhân người Nhật Araki Sotaro. Phần phục hiện theo nghi lễ rước tàu Châu Ấn, trên nền nhạc lễ Việt, múa Hoa chúc, mời rượu sắc bùa, cùng đoàn rước mang đậm phong cách văn hóa một thời Hội An xưa, thể hiện sinh động mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trên dòng sông Hoài thơ mộng với lung linh sóng nước và lấp lánh ánh đèn tỏa ra từ hai bên bờ cùng hoa đăng trôi miên man, hình ảnh một con thuyền buôn và hai hàng thuyền tiếp nối theo sau từ từ rời bến trôi trong đêm, tiễn đưa một người con gái đất Việt đi làm dâu xứ người… đã để lại ấn tượng đẹp cho người xem và du khách bốn phương.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Huân - nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Đà Nẵng trong một lần vào Quảng Nam tập huấn cho đội ngũ biên đạo múa xứ Quảng đã nhận xét: “Quảng Nam đang có một thế hệ trẻ biên đạo rất say mê với nghề và gặt hái được không ít thành công. Tôi mừng cho điều đó và mong các em cố gắng hơn nữa để cái đẹp trong cuộc sống được thăng hoa”. Có thể nói, Trần Như Hà chính là một biên đạo múa tiêu biểu như vậy, với những vũ điệu đầy đam mê.