Vũ Giang những giấc mơ đua với hoàng hôn

NGUYỄN NHÃ TIÊN 22/02/2014 15:20

Tôi gặp nhà thơ Vũ Giang trong đêm thơ Nguyên tiêu Giáp Ngọ ở quê nhà. Dù đã 85 tuổi rồi mà trông ông khỏe khoắn hồng hào như thi thố sức thanh xuân của thơ trước từng cơn gió bấc…
Tôi đã đọc thơ Vũ Giang không phải một lần mà nhiều lần. Cũng có thể là nhiều lần gặp và trò chuyện cùng nhà thơ, khi thì bình thường một cuộc trà, lúc thì vào thăm ông bị bệnh nằm điều trị ở bệnh viện. Con người và thơ ấy tôi đều nghe thấy mùi bùn đất quê nhà, cho dù đôi khi gặp ông trong những lễ lạt quan trọng nào đó thấy ông cũng nghiêm chỉnh diện com lê cà vạt. Cho dù tuổi tác đã vào tháng ngày bạc ánh mây chiều, thơ Vũ Giang cũng gân cốt lên bứt phá chạy đua với hoàng hôn: Góc trời đầy ân tứ lạ/ Ngọn bút trôi/ Vẽ màu gió/ Quê làng hồn nhiên đơn côi/ Mây lại bồng bềnh xuôi đâu đó/ Vết thương bao giờ kín miệng/ Mẹ trắng tóc chờ/ Yếm thắm che trăng… Vâng, cho dù thế nào chăng nữa thì trong sâu thẳm làm nên hồn cốt thi sĩ kia, tôi vẫn nghe nhiệm mầu cái thanh âm ca dao nồng nàn mùi hương của đất: Chợ quê con tép cũng gầy/ Con cua, con ốc dính đầy bùn non.

Cách đây chừng hơn vài chục năm, lần đầu tôi gặp ông tại nhà một người cháu ngoại nhà thơ Trinh Đường. Đang lúc tôi và cụ Trinh Đường đang đàm luận bao nhiêu chuyện quê nhà thì nhà thơ Vũ Giang đi cùng người con trai  bước vào. Khi nghe cụ Trinh Đường giới thiệu tôi thì ông “à” lên một tiếng, rồi bước tới nắm chặt bàn tay tôi lắc mạnh: “Người cùng quê đây mà!”. Cái ánh mắt đầy ấm áp của ông đã gieo vào lòng tôi những thiện cảm, trước khi tôi đọc thơ ông chăm chút từng lời: Khát vọng bao giờ đạt/ Thao thức mãi đợi chờ/ Bao tạp âm trong đời/ Rơi ra ngoài trang sách…/ Ngắm mây chìm đáy cốc/ Thơ đọng bút đêm sầu/ Rượu cùng thơ khói bốc/ Non trắng, bến bờ đâu? Ôi chao, nuôi một khát vọng bao tạp âm trong đời, rơi ra ngoài trang sách, thì sách thơ kia hóa thành kinh thành kệ. Mà nói cho tuyệt đích hơn (Tôi đợi người đây tuyệt đích ơi - Phạm Hầu) thì đấy là một thứ Đức tin hướng tới cái đẹp vĩnh hằng như Dostoievsky từng nói đến: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Nói lên những ý niệm thẩm mỹ, hay là “kêu to” kiểu như thế, liệu có phải huyễn tưởng dẫn dắt tôi đi quá xa?

Làm sao có thể khuôn lại biên giới một giấc mơ, một ham hố khát vọng đến tột cùng cái đẹp. Cho dù đôi chân trần xương xẩu đạp lên gai góc đâu tự một thời xa xưa mở đất, thì những nghệ sĩ dân gian tiền bối vẫn hướng con mắt lãng mạn về phía chân trời mà cao vút những thanh âm: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đã say! kia mà. Bỗng dưng tôi liên tưởng đến thơ của cố thi sĩ Phạm Phú Hải: Có bàn chân dài hơn con đường/ Nên chân trời là những đốt xương. Thế đấy, bàn chân thi sĩ nó khổng lồ, nó siêu thực đến như vậy. Nhưng, người ta có thể hình dung ra bao tạp âm rơi ra ngoài trang sách, còn thi sĩ có bàn chân dài hơn con đường thì hình dung như thế nào đây? Suy cho cùng thì kinh kệ kia, hoặc giả bàn chân siêu thực kia đều hoài thai ấp ủ trong lòng nó những khao khát vươn tới siêu việt. Ta có thể hiểu, bằng nhiều cách thế khác nhau mà huyền thoại tạo dựng ra những giấc mơ trong cái khả năng tiên nghiệm của từng thị lực.

Nhà thơ Vũ Giang sinh năm 1930 tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Ông là hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Nam, đã xuất bản 5 tập thơ: NHỮNG GÌ CÒN LẠI, QUA MỘT THỜI, NẮNG ẤM, NHỮNG QUẦNG MẮT MUỘN, CÕI NGƯỜI NGẢ BÓNG và tập truyện CHUYỆN QUÊ GÓP NHẶT.

Thế giới thơ Vũ Giang dường như vuông vắn lại trong quê, trong làng, thậm chí trong từng ngõ xóm. Ấy thế mà cùng với thời gian, qua bao biến dịch, qua chiến tranh rồi hòa bình, qua lở bồi số phận…, tất cả giờ đây là những lối vô tận, bước chân đi như bước của phù du: Ta phù du, sương khói phù du/ Câu thơ đi hoang kéo cong bờ suối/ Sỏi đá trần truồng con nước lũ/ Phiêu dạt nơi nào/ Trời đất biết không… Cứ như vậy, ông bước đi trên mặt đất gập ghềnh với bàn chân suy tưởng, ưu du, ngóng con mắt về chân trời cũ càng xa ngái mà vọng tưởng: Vắng lặng quá/ Con chìa vôi têm trầu/ duyên nợ/ Còn anh bâng khuâng đợi đến bao giờ. Hóa ra, chân trời cũ càng mà bất tận, nó chả bao giờ là một hiện hữu tại thế. Nói cách khác, đấy là những giấc mơ không hồi kết, thể hiện nỗi ưu tư về định mệnh của mỗi thi sĩ. Mà điều đó, với Vũ Giang, chẳng có gì là không thể mở ra tiếp những cuộc phiêu lưu đi tìm cái mới, cái đẹp mang tên như ông nói: Chưng cất nỗi buồn thành ánh lửa.

Khác với nhiều người ở vào lớp tuổi bóng tà dương bầu bạn đường chiều, thơ Vũ Giang là thứ lửa đốt lên ửng sáng từng lối hoàng hôn, biểu thị sự triền miên thao thức: Hạt bụi/ Tư duy hình khối/ Khi tròn méo/ Chiếc xe không biển số/ Đi về phía hoàng hôn/ Sự minh triết/ Nỗi cô đơn/ Con đường thêm mờ mịt…

Mang cái nỗi cô đơn ấy, giấu bên trong một dáng người đã vượt ngưỡng cửa “bát thập” đến 5 năm, lại hồng hào khỏe khoắn như thi thố “thanh xuân” trước từng cơn gió bấc, ông “trai tráng” về dự đêm thơ Nguyên tiêu Giáp Ngọ. Gặp lại nhà thơ Vũ Giang, tôi nhắc về một thứ “thần dược” trong thơ  cụ Trinh Đường mà tôi thực chứng, và hình như bây giờ dường như tôi cũng gặp thứ dược liệu huyền diệu quý hóa đó ở Vũ Giang trong cuộc đua với hoàng hôn tuổi tác. Nói vui như cố giáo sư Hoàng Châu Ký lúc còn sinh thời, hóa ra thơ còn có chức năng dưỡng sinh nữa. Cầu chúc cho nhà thơ Vũ Giang đẹp như quầng ráng chiều ửng sáng lung linh thượng nguồn Vu Gia, nơi quả đồi ngọn núi quê hương ông ngày ngày bày biện ra nguồn thi tứ cùng ông ký gửi vào vô tận những giấc mơ!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vũ Giang những giấc mơ đua với hoàng hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO