Vũ Hạnh và những khúc tự tình quê hương

HOÀNG DUNG 27/06/2015 09:31

Một lần, tôi nghe hai bạn trẻ hỏi cô nhân viên nhà sách: “Ở đây có cuốn Bút Máu của nhà văn Vũ Hạnh không chị?”. Chị nhân viên hào hứng: “Có, có! Nhưng sao cuốn này xuất bản lâu lắm rồi mà đến giờ vẫn nhiều người tìm đọc dữ! Có gì hay không em?”. Người tìm mua sách nhỏ nhẹ: “Không những hay mà còn rất thời sự chị ạ! Nhất là với những người đã và đang cầm bút để sống!”.

Tôi đem chuyện này kể lại với người đàn ông 90 tuổi đang ngồi trước mặt. Ông cười ha hả một cách sảng khoái rồi bảo: “Cô làm Vũ Hạnh này vui quá! Đời người viết văn, cái gì rồi cũng đi qua, buồn ít hơn vui hay vui ít hơn buồn thì cũng là cuộc đời. Nhưng, thật lòng, khi tôi viết một tác phẩm, đó không chỉ là viết để thỏa đam mê, nó còn là  khúc tự tình dành cho những thăng trầm của quê hương…”.

“Ngồi buồn nói chuyện sang đàng”

Cũng hơn 2 năm không thấy ông xuất hiện trong các ngày hội thơ của đồng hương xứ Quảng tại Sài Gòn. Rồi tôi nghe thấp thoáng mấy chú, mấy bác nói chuyện với nhau: “Dạo này ông Vũ Hạnh không biết có đau ốm chi không mà ít thấy xuất hiện? Chớ cái tính ổng thì tôi biết rõ! Gì thì gì chớ đồng hương đồng khói, anh em quê nhà là ổng quý lắm. Hay là ổng lại xách xe chạy đi chơi ở nơi nào đó rồi!”. Có chú chậc lưỡi bảo: “Ngó rứa mà ông Hạnh 90 tuổi rồi! Mà nhìn ổng, không ai tin ổng 90 tuổi đâu! Có cô bạn còn đoán ổng mới 60 tuổi, vì ổng chạy xe phân khối lớn nhìn còn ngon hơn trai tráng nhiều”.

Đúng như lời mọi người, nhà văn Vũ Hạnh đang ngồi trước mặt tôi lúc này vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát trong một cơ thể rắn chắc, chỉn chu với quần âu, áo sơ mi, nhìn như mới bước sang tuổi 60. “Tôi không thích nói về những chuyện văn trường, không thích nói về những tác phẩm của mình. Tôi thích nói về quá khứ ngọt ngào lẫn nhiều đắng cay. Nói như cái kiểu người quê mình nói: Ngồi buồn thì nói chuyện sang đàng. Rứa mà thấy đời nó còn vui và ý nghĩa lắm cô ạ!”. Giọng hào sảng, ông Hạnh từ tốn kể chuyện đời mình cho tôi nghe.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nho học.

Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình, từ tháng 3.1945 học ban tú tài phần II. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An.

Vũ Hạnh là cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Trong hoàn cảnh viết trên sách báo công khai dưới chế độ ở miền Nam, ông đã có cách viết khéo léo để vẫn đưa được những thông điệp tiến bộ đến quần chúng mà không bị kẻ thù đàn áp.

Sau năm 1975, ông làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh.

Tác phẩm chính:

Không chỉ có Bút máu, Người Việt cao quý (1965)... các tác phẩm trước đó như truyện dài Lửa rừng (1960), các tập truyện ngắn Vượt thác (1963), Chất ngọc (1964), rồi một loạt tác phẩm sau này như truyện vừa Ngôi trường đi xuống (1966), các truyện dài Cú đấm, Người chồng thời đại (1972), Con chó hào hùng (1973) và tiểu thuyết Cô gái xà niêng (1973)... đặc biệt là Bút máu (1958) và Đọc lại Truyện Kiều (1966), đều gây được sự chú ý trong cả giới văn nghệ, trí thức và công chúng.

Sinh ra ở vùng đất cát trắng Thăng Bình. Là cháu ngoại của tiến sĩ Phan Quang (một trong Ngũ phụng tề phi của đất Quảng Nam), thân sinh ông lại có đến 3 đời vợ, nên cuộc đời của ông cũng gắn liền trong mối quan hệ theo cái kiểu: sống ở rừng thì phải hiểu rừng, sống ở biển thì phải tường tận từng con sóng. Ông gia nhập Mặt trận Việt Minh sau đảo chính Nhật năm 1945 và hoạt động trong đội vũ trang tuyên truyền, tham gia Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình. Trong ký ức của mình, ông nói rằng ông thích nhất là những ngày cùng mọi người thành lập nên Đoàn kịch Thăng Bình, hàng đêm được diễn kịch cho bà con xem. Rồi quãng thời gian làm thầy giáo dạy văn ở trường trung học cũng là ký ức đẹp đẽ nhất. Sau Hiệp định Genève 1954, ông bắt đầu bước vào con đường sáng tác và hoạt động trong nội thành Sài Gòn dưới vỏ bọc là thầy giáo dạy văn. “Hoạt động đơn tuyến trong giai đoạn hết sức khốc liệt, viết mà lơ tơ mơ là không xong. Trách nhiệm của một người cầm bút đứng giữa chiến tuyến, có quan điểm chống lại chính sách của chế độ Mỹ ngụy thì phải hết sức khéo léo” - ông Vũ Hạnh nhớ lại.

Và  “Người Việt cao quý” xuất hiện giữa văn đàn vào năm 1965 gần như khẳng định được việc ông chọn hoạt động ẩn mình là đúng. Ngoài cái tên A.Pazzi mà ai cũng tưởng là một tác giả người Ý, ông còn muốn khẳng định lòng yêu quý dân tộc là bất di bất dịch. “Người Việt cao quý” gần như đánh trúng tâm lý của người dân Việt Nam lúc bấy giờ về tinh thần yêu nước với việc tái bản liên tiếp 10 lần và đến nay đã tái bản hơn 50 lần. “Lúc đó, cái tên A.Pazzi và cuốn sách nổi như cồn, nhưng chẳng ai biết tác giả thực sự của nó là ai? Và tôi thì vẫn đứng lặng lẽ để nghe những câu chuyện buồn vui sau đó. Thỉnh thoảng, tôi lại thích cái cách nghĩ mình đang ngồi giữa thời cuộc để nói những chuyện sang đàng mà thôi…” - ông Hạnh trầm ngâm.

“Bút máu” thời cuộc

Giới văn đàn từ trước đến nay luôn biết đến một Vũ Hạnh có sức viết “khỏe” như chính con người ông. Ở tuổi 90, ông vẫn là cây bút sắc sảo, có nhiều bài ký sự dài kỳ trên các mặt báo. Và, dĩ nhiên, chính ông chứ không ai khác hiểu được sự khắc nghiệt của nghề cầm bút. Hơn 50 năm trước ông đã nhận thấy: “...Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua vì mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi. Làm cho thiếu nữ băn khoăn sầu muộn, làm cho thanh niên khinh bạc hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên nhân ái, kêu cho người ta tiếc tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đạo nghĩa của tha nhân, hát trên bi cảnh của đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo. Tội ác văn chương xưa nay nếu đem phân tích biết đâu chẳng dồn thành ngàn dãy Thiên Sơn! Thần tạng của cháu kinh động thất thường, nhưng mà bản chất huyền diệu có thể cảm ứng với cõi vô hình, chắc cháu làm điều tổn đức khá nặng nên máu oan mới đuổi theo như vậy. Hãy xem có lỡ hứng bút đi lệch đường chăng? Soát lại cho mau, soát lại cho mau, chớ để chậm thêm ngày nào!...”.  (Trích “Bút máu”- Vũ Hạnh)

Hơn 50 năm qua, bao thế hệ cầm bút kiếm sống đều xem “Bút máu” của ông như một lời răn. Ông trăn trở: “Thì tôi cũng nhìn từ đời mình, từ đời bạn văn của mình mà ngẫm ra thôi. Con người ta khi đã cầm bút viết thì phải luôn đặt những số phận của người khác vào trong máu của mình. Viết văn thì có thể hư cấu, nhưng viết báo thì khác. Tôi thấy giữa xã hội hiện đại này, người cầm bút đã dễ dãi với chính mình quá thể. Người ta cứ nghĩ rằng viết làm sao đó cho thật hấp dẫn, thật giật gân thì sẽ có nhiều bạn đọc. Điều đó đúng chỉ với một bộ phận bạn đọc mà thôi.  Với bạn đọc chân chính thì họ luôn luôn cần những điều chân chính. Và để làm một người viết chân chính thì tâm bạn phải sáng và đừng bao giờ để chính cây bút của bạn đâm vào tim bạn”.

Chợt nhớ câu chuyện mấy người bạn hỏi ông dạo này ít xuất hiện với bạn bè văn chương, ông lại cười sảng khoái bảo ông đang đi kiếm tư liệu để viết bài. Hãy cứ nhìn ông chạy xe phân khối lớn vượt hàng trăm cây số đi Vũng Tàu, Đà Lạt để tìm vui với đời, để tìm chất liệu cho những tác phẩm tiếp theo của mình, mới thấy cuộc sống rõ thú vị. Ông bảo trước đây ông chưa nghĩ đến viết hồi ký, nhưng giờ thì cuốn sách ấy sắp sửa thành hình…

HOÀNG DUNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vũ Hạnh và những khúc tự tình quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO