Vũ Khắc Tĩnh và nỗi khắc khoải quê nhà

NHƯ HIỀN 04/12/2022 07:26

Mỗi nhà văn một vùng trời. Dù có viết bao nhiêu tác phẩm đi chăng nữa thì chung quy nỗi lòng của nhà văn chỉ hướng về một phía. Với Vũ Khắc Tĩnh, dù viết văn, làm thơ, hay viết truyện cho thiếu nhi thì nỗi lòng vẫn quay về quê nhà xứ Quảng.

Chân dung nhà văn Vũ Khắc Tĩnh. Ảnh: N.H
Chân dung nhà văn Vũ Khắc Tĩnh. Ảnh: N.H

Vũ Khắc Tĩnh quê quán ở Tam Dân, Phú Ninh. Ông là hội viên Hội VHNT Tam Kỳ, hội viên Hội nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Nhà văn Vũ Khắc Tĩnh đã xuất bản 14 tác phẩm. Trong đó có 6 tập thơ, 2 truyện dài, 5 tập truyện ngắn và tác phẩm mới nhất là tập truyện viết cho thiếu nhi “Sóc ngoan và những người bạn”.

Đời còn vui là còn viết được

Quê hương neo tâm hồn ông lại giữa bao nhiêu biến động, chông chênh của một người sống đời ly hương.

Vũ Khắc Tĩnh xa quê trước 1975. Mấy mươi năm tha hương, nhưng con người và cả hồn văn Vũ Khắc Tĩnh không thuộc về Sài Gòn. Gặp ông, chuyện trò, nghe chất giọng đặc sệt xứ Quảng ai cũng nghĩ ông chỉ mới dạo chơi Sài Gòn chứ không phải rời quê lâu đến như thế.

Nhiều người cũng thắc mắc, sao giọng nói chẳng thay đổi, ông cười bảo rằng giọng quê sao mà đổi được! Gặp ông lần đầu, không cần hỏi cũng biết ngay là người Quảng Nam.

Vũ Khắc Tĩnh tự nhận mình là người của thơ chứ không phải văn xuôi, nhưng những đứa con tinh thần trên địa hạt văn xuôi cứ lần lượt trình làng đã cho thấy bút lực dồi dào của Vũ Khắc Tĩnh.

Ngay cả những nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi cũng thừa nhận rằng sáng tác cho các em rất khó, vậy mà sau khi tác phẩm “Sóc ngoan và những người bạn” trình làng thì ông lại viết tiếp một truyện dài cho thiếu nhi và dự kiến sẽ xuất bản vào năm 2023.

Để giữ đam mê với văn chương không phải chuyện dễ khi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Thu nhập chính từ công việc buôn bán quần áo, cả ngày bận bịu, đêm về ông lại miệt mài ngồi viết. Tiền kiếm được lại đầu tư vào việc in tác phẩm mới.

Ông từng kể vui gia đình ông can rằng có tiền thì xài đi chứ đừng in thơ, in truyện nữa, nghèo lắm! Biết là nghèo nhưng văn chương như là duyên là phận, trót nặng lòng thì chẳng thể buông được.

Gia tài văn chương với 14 tác phẩm cả thơ lẫn văn xuôi, đã có chỗ đứng trong lòng người đọc, thế nhưng khi nói về mình Vũ Khắc Tĩnh có phần khiêm tốn. Văn chương với ông như một cái nợ, một mối nhân duyên mà buộc lòng mình phải trả.

Ông nói rằng mình viết nhiều, đã làm một cuộc dạo chơi rất dài với chữ nghĩa nhưng rồi chẳng tới đâu. Đời văn cũng lắm chuyện bi ai, có lúc gác bút để kiếm sống, lúc máy tính hư bị mất sạch bản thảo, tác phẩm viết ra có người khen cũng không ít người chê như lời ông tự sự trong bài thơ “hư vô”: “Sáng cà phê, chiều nhậu/ Say hồn xác mệt nhừ/ nghe thân tàn ma dại/ đời bạt quán xiêu cư/ Bỏ quê quán lưu lạc/ lấy buôn bán làm nghề/ làm thơ, văn khuây khỏa/ có người khen, người chê”.

Loay hoay áo cơm, đường văn chương có lúc thăng lúc trầm nhưng ông không thể ngừng viết. Sống để viết chứ không viết để sống. Hễ đời còn vui là còn viết được!

Bàng bạc sương khói quê nhà

Truyện ngắn Vũ Khắc Tĩnh luôn phảng phất màu quê. Dù đậm đặc, dù thoáng qua nhưng truyện ông tựu trung là nỗi nhớ quê xứ, nỗi buồn của người tha hương lang bạt mấy chục năm trời, những chiêm nghiệm của người đi qua bên kia dốc của cuộc đời ngoảnh nhìn lại nơi chốn mà mình đã cất bước ra đi…

Sinh ra và lớn lên ở Tam Dân, quê nhà có dấu ấn và ảnh hưởng rất lớn trong các sáng tác của Vũ Khắc Tĩnh. Hình ảnh của lũy tre làng, của tiếng sương rơi trên lá cây vườn nhà, của ngôi nhà cũ phủ màu thời gian không người ở, của cánh đồng lúa rì rào… thường trở đi trở lại trong truyện của Vũ Khắc Tĩnh.

Như trong truyện ngắn “Đời người và những hạt bụi” hình ảnh đồi sim ngút mắt cứ ám ảnh khôn nguôi. Đồi sim trải dài đến mênh mông nhưng giờ này đã đổi khác. Quả ngọt ấu thơ nhưng bây giờ không mấy ai ăn nữa. “Đồi sim trái chín đó chim không ăn, người không ăn, nó sẽ không héo rụng xuống đất rồi cũng trở thành bụi. Bụi của thời gian…”.

Con người Vũ Khắc Tĩnh ngoài đời ít nói, có phần nào lặng lẽ, với bạn văn ông cũng thường cười hiền trong những cuộc gặp gỡ. Và có lẽ, cũng chỉ nhờ văn chương mới ký thác được nỗi nhớ quê. Chỉ có chữ nghĩa mới tải được nỗi lòng của người con thương về bản quán.

Qua mỗi câu chữ, mỗi tập truyện của Vũ Khắc Tĩnh, nỗi niềm quê xứ như lại được tô thêm một nét để làm rõ hồn quê trong văn ông. Đại gia đình ông đã ly hương, chỉ còn ngôi nhà cũ cửa đóng then cài. Năm nào ông cũng về quê, ngồi trong nhà cũ mà nhớ về những năm tháng đong đầy kỷ niệm.

Truyện của Vũ Khắc Tĩnh không có cốt truyện lắt léo, không có những phận người bi đát. Có lẽ sở trường là thơ ca nên truyện của Vũ Khắc Tĩnh có được chất giọng rất dễ đi vào lòng người, phủ lên một màn sương khói êm đềm và cả những chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh, về cuộc đời của người từng trải.

Tập truyện thiếu nhi mới nhất “Sóc con và những người bạn” là những kỷ niệm ấu thơ xưa cũ ở quê nhà. Ông từng tâm sự, có những ngày tha thẩn lên đồi sim với bạn bè. Hồi đó nghèo, thú vui của trẻ con là thường nuôi chim, nuôi sóc…

Được tự tay nuôi dưỡng, được chứng kiến quá trình lớn lên cũng như tập quán sinh hoạt của loài sóc, loài chim nên không khó để ông viết truyện đồng thoại. Với những kỷ niệm và những trải nghiệm có thật ấy nhà văn chỉ là người ghi chép lại.

“Để thương yêu nhớ quê tôi Dương Đàn”

Nếu văn xuôi, nỗi nhớ quê bàng bạc như sương khói thì với thơ, Vũ Khắc Tĩnh không giấu giếm mà phô bày hết nỗi lòng của mình. Đó là đôi khi một chiều đứng giữa xô bồ Sài Gòn lại thấy mình bơ vơ “quê nhà gửi lại núi non giữ giùm”. Là lúc gọi tên những địa danh quê hương như Dương Đàn, Tam Kỳ, Tam Dân, Trà My, Cây Sanh… Thơ Vũ Khắc Tĩnh hay nhắc đến chùa Dương Đàn.

Ông từng tâm sự có lúc gặp khó khăn vướng mắc, tưởng chừng như không vượt qua nổi, có lúc buồn chán đến cùng cực, có lúc vướng vào chút bụi nắng gió làm chán nản trong cuộc đời lang bạt. Lúc đó, trong tâm trí ông lại văng vẳng tiếng chùa xa vọng lại ngân nga.

Hình ảnh ngôi chùa mái ngói nâu sẫm, tường vôi màu vàng nhạt cổ kính của làng ông như khoảnh khắc bình yên giữa chập chùng dâu bể. “Thưa rằng đó ở quê xa/ Lúa thì con gái mượt mà mơn man/ Về đây tôi với Dương Đàn/ Nghe dòng thơ chảy miên man bao đời”.

Cảm thức lưu lạc, tha hương, lang bạt làm nên một hồn thơ trong những tập thơ Vũ Khắc Tĩnh. Thơ cũng như văn, Vũ Khắc Tĩnh không quá trau chuốt, không cầu kỳ kỹ thuật mà mộc mạc, chân thành.

Đứng giữa Sài Gòn, nơi phố xá thênh thang hay đến bất kỳ một nơi chốn nào khác mà lòng cứ thao thiết gọi tên quê hương, cứ hoài nhung nhớ giọng quê, đất quê và cả người quê. “Gửi nắng Sài Gòn về Tam Kỳ phố/ Trong đầu biết bao chuyện ngổn ngang/ Ta khản tiếng gọi bên trời ly tán/ Vẫn còn nghe thơm thảo giọng cười nàng” (Mùa Noel lưu lạc).

Mấy chục năm lang bạt cũng từng ấy năm viết văn, với thái độ từ tốn, khiêm nhường, Vũ Khắc Tĩnh không đặt nặng sự nổi tiếng hay danh lợi trong đường văn chương. Viết để trải lòng, để trả nợ chữ nghĩa.

Thơ văn Vũ Khắc Tĩnh mộc mạc, thấm đượm tình quê nồng nàn với xứ Quảng. Quê hương neo tâm hồn ông lại giữa bao nhiêu biến động, chông chênh của một người sống đời ly hương. Như bất chợt giữa xô bồ phố thị, giữa mệt nhoài cuộc đời lại nghe ngân lên tiếng chuông chùa Dương Đàn ở quê hương Tam Dân yêu dấu!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vũ Khắc Tĩnh và nỗi khắc khoải quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO