Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh - Hòa thượng Thích Thiện Thành cho biết: “Vu lan là nhịp cầu yêu thương được kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Chúng ta không chỉ nhớ ơn những người cưu mang mình mà còn truy niệm công ơn của những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc”.
Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh tổ chức tọa đàm về chữ hiếu. Ảnh: Phật giáo Quảng Nam |
Theo Hòa thượng Thích Thiện Thành, lễ Vu lan trong truyền thống Phật giáo từ lâu đã trở thành lễ hội lớn, không còn thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo, mà đã trở thành lễ hội văn hóa, thấm đẫm tình người, phù hợp với truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Mùa Vu lan về cũng là dịp để mỗi người chúng ta tưởng nhớ, tri ân, báo ân các bậc tiền nhân, ông bà, tổ tiên, các đấng sinh thành và rộng ra là quốc gia, xã hội.
Hiếu đạo là một trong những chuẩn mực đạo đức căn bản của xã hội loài người, là yếu tố định hình cho đời sống luân lý đạo đức, mang lại bình an, hạnh phúc, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội. Trong văn hóa dân tộc Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo được xem là di sản quý báu, một chất liệu sống tốt đẹp được mọi người trân quý và giữ gìn. Khi Phật giáo xuất hiện ở Việt Nam thì đạo hiếu dân tộc và đạo đức Phật giáo hòa quyện vào nhau. Làm người ai cũng mang ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, mang ơn những người có công với cộng đồng, quê hương đất nước.
Đừng làm sai lệch giá trị nhân văn của lễ Vu lan Thượng tọa Thích Đồng Nguyện - Phó Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh chia sẻ, nhiều người nghĩ rằng tháng Bảy âm lịch là “tháng cô hồn”, như vậy vô tình đã đánh mất giá trị nhân văn của lễ Vu lan. Vu lan là tri ân và báo ân dựa trên hành động cụ thể, với cha mẹ hiện tiền cũng như cha mẹ quá vãng, đặc biệt là cha mẹ hiện tiền. Nhiều người quá chú tâm vào chuyện cúng bái mà lại quên đi trách nhiệm với cha mẹ hiện tiền, để cha mẹ vất vả thì cũng không phải thực hành lễ Vu lan đúng nghĩa. Khi việc cúng mà sử dụng vàng mã để đốt lại càng không phù hợp. Hãy cúng dâng người quá vãng bằng những công đức lành. Người sống cần tích cực làm việc thiện, giúp đỡ mọi người, đó mới là hồi hướng cầu nguyện cho những người đã mất. |
Hòa thượng Thích Thiện Thành cho rằng, ngày nay lễ Vu lan không chỉ là nghi thức được gói gọn trong chốn thiền môn mà nó đã trở thành lễ hội chung cho những ai cùng hướng lòng về nguồn cội thiêng liêng mà gần nhất là hình ảnh của cha và mẹ. “Vu lan là nhịp cầu yêu thương được kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Chúng ta không chỉ nhớ ơn những người cưu mang mình, mà còn truy niệm công ơn những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, để hôm nay chúng ta có được cuộc sống trong cảnh thái bình no ấm” - Hòa thượng Thích Thiện Thành nói.
Đó đây đã và đang còn nhiều hình ảnh không đẹp của hàng con cái đối với cha mẹ, của anh chị em đối với nhau, hoặc rộng ra là giữa con người với con người. Đạo hiếu trong Phật giáo là một giáo lý hết sức tốt đẹp, cũng như đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam chúng ta. Thượng tọa Thích Đồng Nguyện - Phó Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh nói: “Đã là người ở trong trời đất/ Ai lại không cha mẹ sinh thành. Vì thế mỗi người cần phải biết mang ơn, nhớ ơn và tìm cách để trả ơn cha mẹ. Tùy theo mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi có thể thực hiện cái hiếu đạo khác nhau. Tuổi thiếu niên chưa làm được gì thì phải biết vâng lời cha mẹ, lớn lên một chút làm được những công việc lặt vặt thì giúp đỡ cha mẹ, khi trưởng thành cha mẹ già yếu thì phải nuôi dưỡng cha mẹ…”.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nói đến đạo hiếu trong xã hội hiện đại chúng ta không khỏi lo lắng. Những giá trị đạo hiếu nói riêng và đạo đức truyền thống nói chung của xã hội chúng ta đã và đang chịu sự tác động khá nhiều từ nền kinh tế thị trường, thời cuộc hội nhập mở cửa, của sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội... Biểu hiện đó là lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền, hẹp hòi, ích kỷ cá nhân. Đặc biệt, trong thanh thiếu niên là sự sa ngã vào các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực trong gia đình, nhà trường… “Đạo hiếu là tình yêu thương, sự kính trọng và lòng mong mỏi đền đáp công ơn các bậc sinh thành. Theo chúng tôi, để mọi gia đình có sự an vui, hạnh phúc, xã hội yên bình phát triển thì công tác giáo dục về đạo đức nói chung và đạo hiếu nói riêng phải được quan tâm, tăng cường. Ở gia đình, các bậc cha mẹ phải hết sức nêu gương, sống có tình cảm, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Với nhà trường, quý thầy cô phải là hình mẫu, tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, phải hết sức thương yêu và dạy dỗ học sinh mình như con cái của mình. Với xã hội cần tiếp tục phát huy vai trò của đoàn thể để tăng cường công tác giáo dục, đoàn kết hội viên, đoàn viên. Đặc biệt, với GHPG Việt Nam cần phát huy truyền thống, hướng dẫn đồng bào Phật giáo giữ gìn giá trị của đạo hiếu nói riêng và đạo đức trong xã hội nói chung” - ông Hùng chia sẻ.
ANH ĐÔNG