(QNO) - Ngày 17.7.2014, chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng Hàng không Malyasia bị rơi ở Ukraine khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng khiến cả thế giới bàng hoàng.
Nhiều người đến đặt hoa và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ MH17 bên ngoài Đại sứ quán Hà Lan ở Kiev (Ukraine). Ảnh: Reuters |
Chiếc máy bay “xấu số” MH17 trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) phát nổ, bốc cháy và rơi xuống khi đang bay ngang qua không phận của Ukraine - nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ với các phần tử nổi dậy tại Ukraine. Đến nay, nhiều thông tin gây tranh cãi khác nhau được đưa ra về nguyên nhân khiến máy bay biến mất khỏi màn hình ra-đa kiểm soát không lưu của hàng không Malaysia và gặp nạn. Thế giới phẫn nộ và kêu gọi mở một cuộc điều tra gây ra thảm họa hàng không đau lòng trên. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho biết, cần thiết có một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, toàn diện và minh bạch đối với thảm họa vừa xảy ra với máy bay MH17.
Không khí đau thương, nặng nề vẫn bao trùm khắp nơi, nhất là tại những quốc gia có nạn nhân bị thiệt mạng trong chuyến bay định mệnh này. Lãnh đạo các nước có công dân là nạn nhân trên chuyến bay bị rơi như Malaysia, Úc, Indonesia, Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Canada đều lên tiếng mở cuộc điều tra sớm nhất và rõ ràng. Thủ tướng Malaysia Najib Nazak khẳng định, nhà chức trách nước này phải và sẽ tìm ra điều gì đã xảy ra đối với chuyến bay MH17. Trong trường hợp ciếc máy bay thực sự bị bắn hạ, Malaysia yêu cầu phải đưa thủ phạm ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Còn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte kêu gọi tiến hành cuộc “điều tra hoàn toàn độc lập” về vụ MH17. Ông nói: “Gia quyến các nạn nhân người Hà Lan và công chúng tất cả các quốc gia khác có quyền được biết về những gì đã xảy ra”…
Những người thân của nạn nhân trong chuyến bay này vẫn còn “sốc”, nhiều người không giữ được bình tĩnh và giường như không biết điều gì đã xảy ra với người thân của họ trên chuyến bay. Những gương mặt thất thần, não nề, đau đớn tột cùng của những người thân các nạn nhân đang tập trung chờ đợi tin tức từ phi trường Schipol (Amsterdam) và tại phi trường Kuala Lumpur. Nhiều nước treo cờ rủ để tưởng nhớ công dân của mình thiệt mạng trong chuyến bay MH17 trong khi khắp nơi trên thế giới qua nhiều kênh thông tin khác nhau bày tỏ chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân cũng như tổ chức những buổi cầu nguyện cho những số phận không may. Nhiều người đã không cầm được những giọt nước mắt khi nhìn thấy hiện trường của chiếc máy bay bị rơi.
Hãng truyền thông CNN dẫn lời cô Carmen Low Kar Marn, một người có bạn thân trên chuyến bay MH17 rằng: “Tôi đã đưa Salleh (một hành khách trên MH17) đến sân bay. Tôi nói tôi sẽ đợi cô ấy trở về nhưng cuối cùng bạn tôi đã không bao giờ trở lại”.
Cũng sau vụ MH17 bị rơi, nhiều hãng hàng không quốc tế tuyên bố tránh sử dụng không phận Ukraine. Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng qua, lịch sử ngành Hàng không Malaysia nói riêng và của thế giới nói chung bị rúng động, khi trước đó vụ mất tích chiếc máy bay MH370 của Malaysia vào ngày 8.3 trên đường bay tới Bắc Kinh, Trung Quốc và đến giờ vẫn chưa thể có bất kỳ thông tin gì liên quan đến chiếc máy bay này. Giờ lại đến lượt chiếc máy bay thứ hai của Hàng không Malaysia - MH17 gặp nạn, không một người nào sống sót.
KIM OANH