Bà Vũ Mỹ Hạnh - người gắn với danh xưng Nhà hoạt động môi trường, luôn đau đáu với giấc mơ phát triển dự án cộng đồng bền vững, vì môi trường.
“Hiện nay tôi hoạt động trên 3 lĩnh vực môi trường bền vững gồm: Green Youth Collective chuyên về các phương pháp tuần hoàn rác hữu cơ biến thành sản phẩm đầu vào của nông nghiệp hữu cơ và làm vườn cây sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu;
Refillables Đong đầy - mô hình bán lẻ các sản phẩm thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng và giảm thiểu hóa chất độc hại ra môi trường, theo hình thức tái nạp đầy, tái sử dụng bao bì;
REED - chuyên về giáo dục đào tạo, tư vấn và vận hành các giải pháp định hướng không rác thải cho các địa phương, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư.
Tôi chọn Quảng Nam để triển khai các kế hoạch, dự án giảm thiểu rác thải vì đây là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và mang những giá trị đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên.
Cũng từ những tiềm năng này, Quảng Nam trở thành điểm đến du lịch được ưa thích. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế, du lịch mà thiếu đi định hướng, chính sách và các mô hình cụ thể để gìn giữ, bảo tồn những giá trị vốn có sẽ dễ dẫn tới tàn phá, hủy hoại, gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Quảng Nam còn những mảng trống lớn chưa được khai phá, do đó sẽ là cơ hội thúc đẩy quá trình tìm tòi, học hỏi, trao đổi để các chính sách phát triển của địa phương có sự tính toán về những nguy cơ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình khả thi, bền vững, phi tập trung do cộng đồng và khu vực tư nhân chủ động thực hiện.
Hiện tại, mỗi năm chúng tôi giúp TP.Hội An trực tiếp xử lý khoảng 20 tấn rác hữu cơ, đặc biệt, thông qua việc hướng dẫn, đào tạo các gia đình, các bà nội trợ, các cơ sở kinh doanh cùng làm tại chỗ… đã gián tiếp xử lý lượng rác thải lớn.
Nhiều mô hình đã đi sâu vào các giải pháp hướng đến không rác thải, tạo nhiều giá trị cho du lịch bền vững như các cơ sở lưu trú Silk Sense, An Villa, La Siesta, EMM Hotel, Rose Travel, Emic Hospitality… Các mô hình này cũng tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, nhất là phụ nữ.
Là phụ nữ có gia đình để chăm sóc nuôi dưỡng, tôi nhận ra điều thuận lợi nhất đó là điều mình thực hiện trong gia đình cũng chính là điều mình có thể chia sẻ với người xung quanh.
Khi chúng ta ý thức về những gì ăn uống, tiêu thụ hàng ngày tác động môi trường thì những quyết định mua sắm, trách nhiệm tiết giảm và phân loại rác thải sẽ hình thành. Lợi ích đầu tiên chính là sức khỏe cho bản thân và gia đình, sau đó là lợi ích cho môi trường, cho cộng đồng.
Khi mỗi gia đình mua sắm theo kiểu đong đầy để tiết giảm nhựa dùng một lần, sử dụng các sản phẩm sản xuất tại địa phương, thì chính là giúp phát triển kinh tế địa phương, khuyến khích những người sản xuất nhỏ và ít lạm dụng hóa chất.
Đồng thời cũng giảm thiểu khí thải, phát thải ra môi trường, hạn chế quá trình sản xuất phải sử dụng hóa chất hay vận chuyển từ nơi xa đến...
Tất nhiên không phân biệt phụ nữ hay đàn ông, mỗi người đều có năng lực, thế mạnh riêng để cùng nhau xây dựng cho gia đình, cho cộng đồng, quan trọng là sự cởi mở, hợp tác, cùng xây dựng, cùng học hỏi để sống vui, sống có ích.