Vụ người dân vây công ty vàng Phước Sơn: Cần đối thoại trực tiếp

NGUYỄN DƯƠNG 30/12/2013 09:44

Sau nhiều ngày người dân vây Công ty TNHH Vàng Phước Sơn để đòi nợ, tình hình đến nay đã tạm lắng xuống. Nhưng nhiều người chưa thể yên tâm khi phía đại diện của công ty vẫn chưa đối thoại trực tiếp, giải quyết mấu chốt của vấn đề.

Chúng tôi có mặt tại hiện trường lúc hàng trăm người dân đang vây lấy Công ty TNHH Vàng Phước Sơn để đòi công ty này giải quyết nợ nần tình hình căng thẳng khiến công ty buộc phải tạm dừng hoạt động. Ai cũng có chung nỗi lo lắng trước việc công ty lần lữa, không chịu thanh toán nợ nần. “Liệu họ có trả nợ cho chúng tôi không? Đây là công ty nước ngoài, có khi nào họ rút về nước rồi không...? Không chỉ có các doanh nghiệp mà còn những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ đều bị công ty này nợ với số tiền lớn.

Với tình hình hiện tại, Công ty Vàng Phước Sơn cần đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết vấn đề. Ảnh: N.D
Với tình hình hiện tại, Công ty Vàng Phước Sơn cần đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết vấn đề. Ảnh: N.D

“Tôi buôn bán từng đồng, mà người ta nợ tới 53 triệu đồng thì lấy chi chúng tôi tiếp tục làm ăn sinh sống? Tết nhứt tới rồi, tôi cũng phải vay nợ các mối hàng khác để làm, giờ công ty không trả thì làm sao?” - chị Lê Thị Bạch Tuyết, bán bún, mì sợi tại chợ Khâm Đức phân trần. Những người này không bao giờ nghĩ tới cái cảnh sẽ có ngày họ phải đốt lửa sưởi ấm giữa cái rét mướt mùa đông để đòi nợ như tình cảnh hiện tại. Nói cho đúng, tìm được một đầu mối tiêu thụ hàng lớn như  công ty này ai cũng mừng. Việc buôn bán làm ăn cũng ổn định. Có ai biết được công ty khai thác vàng mà lại nợ, nhất là nợ những hàng hóa, thực phẩm bao giờ?... “Chúng tôi cần phía công ty cam kết khi nào thì trả nợ để yên tâm làm ăn” - chị Tuyết nói.

Có cùng cảnh ngộ, bà Dương Thị Hoa (62 tuổi), chuyên bán rau quả tại chợ thị trấn Khâm Đức cũng bị công ty này nợ hơn 220 triệu đồng. Trong khi đó, để có hàng nhập cho Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, bà Hoa đã nợ 6 - 7 mối hàng khác. “Tôi đã nhiều lần liên hệ với đại diện công ty để lấy các khoản nợ nhưng phía công ty cứ lần lữa, hẹn miết. Đã gần tết, chúng tôi không biết xoay xở ra sao với khoản nợ các chủ hàng khác” - anh Đỗ Văn Trung (32 tuổi, con trai bà Hoa) lo lắng. Ngay chính ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cũng không thể hình dung rằng doanh nghiệp này lại mắc nợ từng đồng mua rau quả, mì bún...

Trước một số ý kiến cho rằng Công ty TNHH Vàng Phước Sơn không còn khả năng chi trả nợ nần, có thể rút về nước ngoài khiến cho người dân hết sức hoang mang, tuy nhiên một nguồn tin cho hay, 3 đại sứ quán của 3 nước liên quan đến công ty này đã có văn bản cam kết với Thủ tướng Chính phủ nên không phải lo ngại. Ngoài ra, Besra đã đầu tư khoảng 115 triệu USD vào 2 nhà máy vàng (Phước Sơn và Bồng Miêu) nên số nợ trên là trong tầm kiểm soát.
Ngày hôm qua 29.12, Ông Darin Lee - Giám đốc điều hành sản xuất Besra Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư vào đây hơn 115 triệu USD rồi nên không có chuyện bỏ của chạy lấy người đâu. Chúng tôi cam kết không bao giờ bỏ cuộc tại Việt Nam cả. Chúng tôi phải làm để lấy lại vốn đã đầu tư chứ”.

Không chỉ nợ nhiều cá nhân buôn bán khác trên địa bàn thị trấn Khâm Đức, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn còn nợ các doanh nghiệp, đơn vị khác hàng chục tỷ đồng. Trong đó, họ nợ Công ty CP Thương mại và dịch vụ Phước Sơn 4 tỷ đồng; nợ các doanh nghiệp nhà nghỉ, vận tải số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Nhiều nhất là Công ty Khai thác vật liệu và xây dựng công trình Quảng An (có trụ sở tại thị trấn Khâm Đức) bị Công ty TNHH Vàng Phước Sơn nợ gần 24 tỷ đồng. “Sự việc vừa qua cũng chỉ là giọt nước tràn ly khi Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đang nợ chúng tôi gần 24 tỷ đồng chưa thanh toán, vậy mà họ lại thuê một đơn vị khác thay thế chúng tôi để vận chuyển quặng. Chính vì vậy chúng tôi mới có phản ứng như thế…” - ông Đỗ Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức, đồng thời là đại diện doanh nghiệp Quảng An nói. Công ty Quảng An do vợ của ông Đỗ Ngọc Thắng làm chủ. Cũng chính vì điều này, ông Thắng đã nộp đơn xin từ chức chủ tịch thị trấn. Theo ông Thắng, việc nộp đơn từ chức là vì ông cảm thấy mình vi phạm những điều đảng viên không được làm. “Tôi làm cán bộ 27 năm rồi, làm chủ tịch thị trấn đã 2 năm. Hôm cuối năm họp kiểm điểm tôi tự nhận khuyết điểm rồi. Tôi không lợi dụng chức vụ để làm bậy, giờ sai thì nghỉ thôi” - ông Thắng nói. Về nợ nần của công ty gia đình mình, ông Thắng cho biết tổng số nợ mà ông phải trả cho các đối tác là 32 tỷ đồng, trong đó ngân hàng 4 tỷ đồng…

Theo ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, trước mắt chính quyền địa phương đã động viên bà con nhân dân không nên hành xử trái pháp luật, gây nên những hậu quả đáng tiếc. “Chính quyền địa phương cũng đã làm việc với lãnh đạo của Công ty Vàng Phước Sơn để yêu cầu họ có buổi làm việc, đối thoại trực tiếp để giải quyết vấn đề rốt ráo. Tuy nhiên, lãnh đạo cao nhất của công ty vẫn đang ở nước ngoài nên chưa thể gặp trực tiếp để trao đổi. Trong tuần này, chúng tôi đã giao hẹn với công ty để có phương án cụ thể. Chính quyền địa phương cũng đã báo cáo tình hình cho UBND tỉnh, trong buổi làm việc với công ty sẽ có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh…” - ông Quyền nói.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vụ người dân vây công ty vàng Phước Sơn: Cần đối thoại trực tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO