(QNO) - Vụ vỡ nợ của
Khuôn viên nhà máy lặng ngắt sau sự cố xảy ra vào rạng sáng 20.12. |
Xin tạm trú dài hạn để… đòi nợ
Bỏ nhà cửa, bỏ việc từ Tây Nguyên xuống vạ vật gác trước cổng nhà máy cồn Ethanol Đại Tân từ cả tháng nay, ông Trần Quang Minh, một chủ nợ của nhà máy ở Ngọc Hồi, Kon Tum lộ rõ sự mỏi mệt: “Chúng tôi gần như bế tắc. Chầu chực tại trụ sở công ty Đồng Xanh tại Đà Nẵng suốt cả tháng, nay chỉ còn bấu víu vào số cồn còn lại trong kho nhà máy mong vớt vát chút vốn liếng. Tui đi đòi nợ, mà cũng là…trốn nợ, bởi 1,3 tỷ đồng nhà máy đang nợ, là toàn bộ số tiền thu mua của nông dân ở Tây Nguyên mà tui chưa trả được”. Được biết, ông Minh bắt đầu thu gom sắn của hàng vạn nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên để cung cấp cho nhà máy từ tháng 10 năm 2011. Đến tháng 2.2012, lãnh đạo nhà máy bắt đầu chây ì, hứa trả lần lữa rồi “trốn” luôn. Thời điểm chốt công nợ, số tiền mà nhà máy nợ ông Minh đã lên đến con số hơn 1,3 tỷ đồng. Trước áp lực của nông dân bán sắn cho ông, cả gia đình ông đã phải cầm cố nhà cửa để tạm chi trả. “Đến xe chở sắn xuống cho nhà máy tôi cũng phải hợp đồng thuê từng chiếc. Giờ thì hơn 30 chuyến cả tiền xe, tiền sắn đều nằm hết trong số cồn còn đọng lại, cũng là niềm hi vọng cuối cùng của tụi tui. Không đòi được thì dứt khoát cả gia đình tui chỉ còn con đường duy nhất là ra đường ở.”, ông Minh cho biết.
Ông Minh chỉ là một trong số hàng chục chủ nợ đang túc trực trước cổng nhà máy để đòi nợ trong sự mỏi mệt và bế tắc. Chút hi vọng mong manh duy nhất là số cồn còn tồn trong kho chưa kịp xuất bán, các chủ nợ như ông Minh không còn cách nào khác ngoài lựa chọn bảo vệ tới cùng. Trước cả cổng chính và cổng phụ của nhà máy, ba chiếc xe tải vẫn được bố trí án ngữ, đến nỗi những công nhân còn lui tới nhà máy để trông coi nhà xưởng quen mặt, nhớ rõ cả biển số xe. Đa số là dân ngoài tỉnh, từ Bình Định, Kon Tum, Gia Lai. Tứ phương đổ về nhưng cùng có chung bi kịch bị xù nợ, những chủ nợ này rủ nhau đăng kí tạm trú dài hạn tại địa phương để vừa canh gác số cồn được lãnh đạo nhà máy hứa bán để thanh toán công nợ, vừa bảo vệ cho nhau.
Dở khóc dở mếu khi chỉ trong một buổi sáng phải ôm cục nợ lên đến hơn 300 triệu đồng là câu chuyện của anh “bán than” Dương Văn Phục (ở xã Đại Phong, Đại Lộc). Hoạt động kém hiệu quả, phía công ty cung ứng không cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, bí thế ông Trương Tấn Ninh, giám đốc công ty TNHH MTV Phúc Lộc Xuân, là chồng của kế toán trưởng nhà máy kí kết hợp đồng mua 150 tấn than cám của anh Phục để chạy hết mẻ cồn dang dở trong nhà máy. Cam kết “tiền trao cháo múc” ngay sau khi số than được chở đủ cho nhà máy, nhưng ngay sau đó phía công ty này lặn mất tăm, anh Phục thì loay hoay với khoản nợ từ tiền mua than của người dân địa phương rồi đành “nhập hội” với những chủ nợ túc trực trước cổng nhà máy để đòi nợ. “Chiếc xe chở than là gia sản của gia đình tui cũng bị người dân họ xiết rồi mà chưa đủ trả nợ. Không đòi được nợ, tui cũng không biết phải xoay sở ra sao đây”, anh Phục rầu rĩ.
Công nhân, nông dân trồng sắn lao đao
Đến thời điểm hiện tại, không chỉ có những tư thương cung ứng sắn cho nhà máy cồn Đại Tân lâm vào bi kịch vì khoản nợ khổng lồ của nhà máy, mà hàng trăm công nhân cùng diện tích sắn khổng lồ cung ứng cho nhà máy cũng đang đối diện với muôn vàn khó khăn.
Ông Trần Quang Minh, chủ nợ ở Ngọc Hồi, Kon Tum: "Chúng tôi đi đòi nợ mà cũng là đi trốn nợ". |
Khuôn viên nhà máy lặng yên như tờ, nhà xưởng cũng vắng bóng công nhân, cửa đóng im ỉm suốt vài tháng nay. Kỹ sư Phan Văn Chinh, vốn là công nhân nhà máy, lặng lẽ dạo một vòng trông coi số máy móc, kho bãi như một nhân viên bảo vệ. Anh Chinh cho biết, từ khi thành lập nhà máy, anh vào làm việc với mức lương cơ bản hơn 3,5 triệu đồng, thu nhập bình quân hàng tháng gần 6 triệu đồng. 3 tháng lương chưa được nhận, toàn bộ hơn 300 công nhân nhà máy như anh Chinh cũng không được hưởng bất cứ chế độ gì. “Công nhân nhà máy đa phần là người địa phương, lao động chính trong gia đình. Nhà máy không trả lương, công nhân mất việc, không được hưởng bất cứ chế độ gì, chúng tôi đang phải sống lay lắt từng ngày với muôn vàn khó khăn. Nhiều người phải làm lao động phổ thông để chạy ăn từng bữa”, anh Chinh cho biết. Đến thời điểm hiện tại, anh Chinh cùng một số công nhân cũng chỉ biết đến nhà máy trông coi nhà xưởng, mong manh hi vọng nhà máy hoạt động trở lại, dù cũng đã quá mệt mỏi trước tình trạng lay lắt của nhà máy.
Điêu đứng hơn cả là người nông dân với hàng ngàn ha diện tích sắn trên toàn tỉnh. Không có đầu ra, sắn rớt giá thê thảm, chỉ tính riêng những vùng chuyên canh cây sắn nguyên liệu xung quanh nhà máy như Đại Tân, Đại Hồng… ở huyện Đại Lộc đã có diện tích xấp xỉ 100ha đang trong tình trạng ế ẩm vì không tìm được nơi tiêu thụ.
Ông Lương Tân Thành, chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Đại Lộc cho biết: “Khi mới đưa vào hoạt động, Nhà máy có thành lập tổ chức Công đoàn lâm thời, đã thu đoàn phí của công nhân nhưng sau đó nhà máy không hề tiến hành đại hội công đoàn chính thức dù LĐLĐ huyện đã nhiều lần vận động, mời làm việc. Hiện tại LĐLĐ huyện cũng đã tiếp nhận báo cáo của công nhân nhà máy và đã báo lên chính quyền huyện để có hướng xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.
Trao đổi với phóng viên, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Phan Đức Tính cho biết trước mắt huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, nắm tình hình để kịp thời báo cáo lên lãnh đạo huyện. Về diện tích sắn đang thu hoạch trên địa bàn, huyện đã hướng dẫn nông dân trồng sắn phơi khô để bảo quản, đồng thời tìm đầu ra khác để tiêu thụ”
Trưa 23.12, liên lạc qua điện thoại với các chủ nợ là tư thương cung ứng sắn cho nhà máy, các chủ nợ này cho biết họ vẫn đang phải vạ vật chờ trước cổng nhà máy. “Chỉ còn một chút hi vọng, nhưng chúng tôi cũng phải chờ vì toàn bộ tài sản, vốn liếng của chúng tôi đều nằm đây. Chúng tôi không còn lựa chọn”, ông Trần Quang Minh cho biết.
PHƯƠNG GIANG