Chính quyền - đoàn thể

Vụ nợ lương, phụ cấp tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam: Sẽ tháo gỡ khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

ĐÔNG ANH 27/02/2024 13:25

(QNO) - Sáng nay 27/2, chủ trì buổi tiếp công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết sẽ tìm hướng tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

dsc_0842.jpg
Quang cảnh buổi tiếp công dân. Ảnh: ĐÔNG ANH

Tại buổi tiếp, ông Phan Tấn Tiến (trú khối phố Phú Trung, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) đại diện cho cán bộ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam trình bày thực trạng và đề nghị giải quyết việc nợ lương cũng như các khoản khác cho người lao động.

Ông Tiến cho biết, từ ngày 15/1/2023 Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam tạm dừng hoạt động khiến cán bộ làm việc tại đây rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống vô cùng khó khăn. Trong khi đó, tất cả chế độ liên quan đến quyền lợi của người lao động đến nay vẫn chưa được giải quyết, như tiền lương từ tháng 4/2022 - 15/1/2023 cùng các khoản phụ cấp, tiền vượt giờ, tiền trực…

Ông Tiến nói, đa số cán bộ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đã công tác trên 12 năm, người ít cũng 3 năm; cuộc sống hiện gặp nhiều khó khăn vì hầu hết đã lập gia đình và đang nuôi con nhỏ.

Trong năm 2022, do không được nhận lương nên bảo hiểm cũng không được đóng, dẫn đến một số trường hợp sinh con không được nhận chế độ thai sản kịp thời. Có trường hợp khi sinh không có bảo hiểm y tế nên phải tự đóng viện phí nên khó càng thêm khó.

Về cá nhân, ông Tiến cho biết, hơn 1.000 giờ dạy của ông tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam chưa được thanh toán. Từ năm học 2018 - 2019, dù được luân chuyển công tác sang hưởng lương tại bệnh viện nhưng ông Tiến vẫn đảm nhiệm công tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, cả trong giờ hành chính và ngoài giờ.

Với những khó khăn nêu trên, đại diện cho cán bộ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, ông Tiến mong muốn UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh xem xét, sớm đưa ra hướng xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

dsc_0840.jpg
Ông Phan Tấn Tiến tại buổi tiếp công dân. Ảnh: ĐÔNG ANH

Trao đổi tại buổi tiếp công dân, đại diện Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết, để giải quyết vấn đề tiền lương cho cán bộ bệnh viện, nhà trường đã tổ chức nhiều lần họp để tháo gỡ. Tuy nhiên, mấy năm nay, từ sau dịch COVID-19, công tác tuyển sinh gặp khó khiến nguồn thu nhà trường sụt giảm; trong khi số tiền nợ lương của 22 cán bộ khá lớn - khoảng 840 triệu đồng, nên đến nay vẫn chưa thể giải quyết.

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh, cần phân biệt lương và bảo hiểm xã hội là hoàn toàn khác nhau. Lương là đơn vị trả, khi trả lương xong thì phải đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng đến 29/2/2024, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam còn nợ 823 triệu đồng tiền bảo hiểm của người lao động.

Như vậy, về quy định, đơn vị phải đóng đủ, không nợ người lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội mới giải quyết tất cả các chế độ liên quan. Mặc dù vậy, vừa qua, bảo hiểm xã hội đã ưu tiên giải quyết chế độ cho một số trường hợp...

Kết luận buổi tiếp công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, những nội dung kiến nghị của ông Phan Tấn Tiến là đúng. Đồng thời bày tỏ cảm thông trước những khó khăn của 22 cán bộ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Quảng Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành đã quan tâm, giải quyết được một phần khó khăn tại đơn vị; tuy nhiên đến nay còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. Tỉnh mong muốn người lao động có sự thông cảm, chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận toàn bộ kiến nghị của ông Phan Tấn Tiến và người lao động tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Quảng Nam. Trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục làm việc với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, bảo hiểm xã hội tỉnh để nghiên cứu, giải quyết các vấn đề liên quan trong điều kiện có thể theo quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vụ nợ lương, phụ cấp tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam: Sẽ tháo gỡ khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO