Báo Quảng Nam số thứ Tư, ngày 23.9.2015 có bài “Chặn xe, không cho dân vận chuyển keo” xảy ra ở Nông trường Cao su Nông Sơn. Sau khi báo đăng, trao đổi với phóng viên, đại diện Nông trường Cao su Nông Sơn cho biết, doanh nghiệp sẽ đền bù số keo bị thiệt hại, không thu phí bảo trì đường, đồng thời đề nghị người dân giao lại phần đất đã canh tác trái phép.
SAU khi tiếp nhận thông tin phản ánh của hộ ông Võ Cự (SN 1963, thôn Thạch Bích, Quế Lâm, Nông Sơn) về việc người của Nông trường Cao su Nông Sơn (trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) chặn xe, yêu cầu đổ keo xuống, không cho đưa số keo đã khai thác đi tiêu thụ, PV. Báo Quảng Nam đã có mặt tại hiện trường, xác minh vụ việc. Trao đổi với PV. vào ngày 7.10, ông Trần Hùng - Giám đốc Nông trường Cao su Nông Sơn xác nhận, việc chặn xe keo, yêu cầu đổ keo xuống đường, lập biên bản của nhân viên nông trường là sai, đơn vị nhận khuyết điểm này. Tại buổi đối thoại giữa người dân - doanh nghiệp do UBND xã Quế Lâm tổ chức mới đây, Nông trường Cao su Nông Sơn đã hứa giải quyết thiệt hại của gia đình ông Võ Cự bằng việc mua lại xe keo 3 tấn bị ách lại giữa đường theo đơn giá thị trường. Ngoài ra, trước đề nghị của hộ ông Võ Cự cũng như nhiều hộ dân về quy định thu phí bảo trì đường liên lô cao su (tại lô 45 Nông trường Cao su Nông Sơn) với mức phí 20.000 đồng/tấn, hiện nông trường đã hủy bỏ quy định này, đồng thời không tiến hành thu phí bảo trì đường nhằm tạo điều kiện cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản. Được biết, đây là tuyến đường mòn nhỏ hẹp đã có từ trước, từ khi đi vào hoạt động, Nông trường Cao su Nông Sơn đã đầu tư vốn nâng cấp, mở rộng bên cạnh hai tuyến đường dân sinh khác với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng. Đến nay, các tuyến đường công vụ trên đã được bàn giao lại cho huyện Nông Sơn khai thác, sử dụng.
Nông trường Cao su Nông Sơn cam kết đền bù thiệt hại số keo bị ách chặn. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Cũng theo ông Trần Hùng, nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn kéo dài giữa hộ ông Võ Cự và Nông trường Cao su Nông Sơn thời gian qua là do tình trạng xâm lấn đất nông trường của hộ ông Võ Cự. Ước tính, diện tích này khoảng 3ha, đã được nông trường đền bù thiệt hại cho hộ ông Võ Cự khi thu hồi đất với mức đền bù từ 13 - 14 triệu/ha. Cho tới nay, hộ ông Võ Cự đã cam kết giao đất giao rừng cho Nông trường Cao su Nông Sơn theo quy định với 2 bộ hồ sơ, một bộ hồ sơ có tổng diện tích 6,63ha, được doanh nghiệp đền bù 80 triệu đồng; một bộ hồ sơ 6,02ha, được đền bù 39 triệu đồng. “Đây là những diện tích đất thuộc phạm vi quản lý của xã bởi người dân không có bìa đỏ. Khi thực hiện dự án, nông trường đã tiến hành đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, hiện số keo ông Võ Cự đang khai thác này lại nằm trên diện tích đất của nông trường vốn đã được Nhà nước cấp. Chúng tôi yêu cầu hộ ông Võ Cự sau khi khai thác lứa keo này, cần tiến hành giao đất lại cho nông trường để nông trường tiếp tục mở rộng vùng diện tích cao su” - ông Trần Hùng nói.
Theo đại diện Nông trường Cao su Nông Sơn, ngày 4.8.2015, nông trường đã có buổi làm việc với gia đình ông Võ Cự. Nông trường xác định diện tích đất trồng keo mà gia đình ông Cự xin khai thác thuộc đất đã được UBND tỉnh giao để Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam trồng cao su; tuy nhiên để tạo điều kiện cho ông Cự khai thác, nông trường đã có yêu cầu: gia đình ông Cự sau khai thác phải giao đất lại để nông trường trồng cao su và thực hiện đúng các cam kết khi vận chuyển keo đi qua đường liên lô do nông trường mở. Kết thúc biên bản ghi rõ “yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trường để giải quyết rõ ràng”, nhưng sau đó ông Cự tự ý khai thác và vận chuyển số keo mà không báo cho nông trường, vì vậy cán bộ nông trường đã chặn xe vận chuyển keo ngang qua tuyến đường mà doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng.
BÍCH LIÊN – HUỲNH SƠN