Sau nhiều tháng điều tra, xác minh vụ phá rừng quy mô lớn trong rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, vùng giáp ranh giữa Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), cuối tuần qua, cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng thực hiện lệnh bắt tạm giam 5 đối tượng, trong đó có cán bộ kiểm lâm.
|
Cán bộ kiểm lâm kiểm kê số gỗ khai thác trái phép tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Ảnh: H.P |
Tạm giam nhiều đối tượng
Ngày 10.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng công bố lệnh bắt tạm giam ông Phạm Phú Cường (SN 1967, trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) và Nguyễn Văn Ấn (SN 1985, trú Hòa Bắc, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), nguyên cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Cà Nhông thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa TP. Đà Nẵng do liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng ở khu vực này. Ông Cường và ông Ấn bị bắt về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, cơ quan này cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Đình Lợi (trú huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), Kiều Ngọc Quý (trú huyện Duy Xuyên), Kiều Ngọc Trung (trú huyện Đông Giang) về hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Cả 3 đối tượng này có “mắt xích” trong vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Quá trình điều tra, các đối tượng khai nhận Lợi là đầu nậu thu mua gỗ nguồn gốc từ rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, còn Quý và Trung có vai trò vận chuyển gỗ trái phép.
Như Báo Quảng Nam đã phản ánh, tháng 10.2014, tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, cơ quan chức năng phát hiện hơn 40m3 gỗ quý hiếm đã xẻ thành phách giấu trong rừng. Trong đó, gỗ được phát hiện trong rừng đặc dụng hơn 24m3, còn khu vực giáp ranh giữa huyện Đông Giang với huyện Hòa Vang hơn 18m3. Nhằm phục vụ công tác điều tra, Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng đã tạm đình chỉ công tác 7 cán bộ thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, trong đó có hai kiểm lâm phụ trách địa bàn. Tháng 11.2014, cũng cơ quan này ra quyết định khởi tố vụ án phá rừng xảy ra tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.
Lấn cấn vùng giáp ranh
Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh mới đây, chính quyền huyện Đông Giang thừa nhận, khó khăn trong quá trình điều tra diện tích rừng bị phá là xác định rạch ròi rừng đặc dụng hay phòng hộ. Nhiều trường hợp không đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự, nên chuyển qua giải quyết hành chính. Vì vậy, các ngành liên quan của tỉnh cần sớm giúp địa phương quy hoạch chi tiết các loại rừng; giải quyết rốt ráo tình trạng xâm lấn đất khu vực giáp ranh giữa xã Tư (huyện Đông Giang) với xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực rừng đặc dụng giáp ranh giữa xã Tư huyện Đông Giang (Quảng Nam) với xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) có 6 tiểu khu với diện tích gần 8.000ha, không có dân cư sinh sống khu vực ven và trong rừng. Chính quyền huyện Đông Giang cho biết, chỉ riêng hơn 6ha rừng thuộc phạm vi chồng lấn giữa hai địa phương đã được Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa giao cho 4 hộ dân nguyên là cán bộ lâm nghiệp. Tuy nhiên, 4 hộ này không có nhu cầu nhận khoán rừng nên đã bàn giao cho 2 người khác quản lý. Tại các cuộc làm việc trước đây về nội dung giải quyết tháo gỡ công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh, chính quyền huyện Đông Giang từng nhận định, qua điều tra, hai đối tượng gián tiếp giao rừng có dấu hiệu “tiếp tay” cho lâm tặc phá rừng nên từng đề nghị phía TP.Đà Nẵng cần làm rõ trách nhiệm pháp lý việc giao đất rừng đặc dụng cho dân. Đáng nói hơn, trong khu vực rừng đặc dụng mọc lên khoảng 9ha cây cao su được xác định có chủ, mà theo quy định, rừng đặc dụng có thể trồng cây keo, tràm nhưng tuyệt đối không cho phép trồng cây cao su. Lực lượng chức năng địa phương không thể xử lý dứt điểm tình trạng lấn đất rừng trên địa bàn do nhập nhằng với diện tích rừng thuộc địa phận TP.Đà Nẵng quản lý.
Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang từng cảnh báo, thời gian qua, vùng giáp ranh giữa địa bàn với huyện Hòa Vang nổi lên tình trạng trồng cao su trong rừng phòng hộ, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Nếu không can thiệp kịp thời, hàng nghìn héc ta rừng giàu nơi đây sớm muộn gì cũng bị tàn phá. Cho nên, khu vực rừng đặc dụng thuộc địa phận Quảng Nam nên bàn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn và thuộc địa phận Đà Nẵng giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Bà Nà - Núi Chúa quản lý.
TRẦN NGUYỄN