Vũ Trọng Phụng, từ nhà văn đến "vua phóng sự"

NGUYỄN NHÃ TIÊN 20/06/2015 10:33

Thật khó mà tưởng tượng nổi, một cuộc đời yểu mệnh như nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939), vẻn vẹn ở trên đời chỉ hai bảy năm ngắn ngủi, chín năm cầm bút, vậy mà ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ: 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 7 vở kịch, 1 vở dịch của Victor Hugo, hàng trăm bài báo và tranh luận phê bình văn học.   

Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939).
Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939).

Có đến hơn 80 năm rồi, nghĩa là cũng sắp tròm trèm cả một thế kỷ, vậy mà khi lần giở lại những tập phóng sự “Cạm bẫy người”, hay là “Kỹ nghệ lấy Tây” của “ông vua viết phóng sự” trên đất Bắc ngày xưa - Vũ Trọng Phụng, hỏi mấy ai, dẫu cho đến tận vài thập niên đầu của thế kỷ 21 này, có cái khả năng điền khuyết vào cái vị thế  “ngôi vương” huyền thoại ấy.

Ông vua phóng sự, là tôi gọi theo cách nói của một số nhà báo, nhà văn tiền bối cùng thời với nhà văn Vũ Trọng Phụng, như: Vũ Bằng, Nguyên Hồng, Tam Lang, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân… Người ta còn nhớ vào những buổi đầu khởi xướng từng trang phóng sự đăng thường kỳ (feuilleton) trên các nhật báo thời ấy còn có Tam Lang - Vũ Đình Chí với “Tôi kéo xe”, hoặc là Hoàng Đạo với “Trước vành móng ngựa”… Thế nhưng khi đọc Tam Lang trong bài viết: “Vài kỷ niệm về Vũ Trọng Phụng” (Tao đàn, số 1 - December - 1939): “Đọc những thiên phóng sự ấy tôi nhận thấy rằng Vũ Trọng Phụng, về mặt phóng sự - một lối văn tôi (tức Tam Lang – Vũ Đình Chí) khởi xướng đầu tiên, đã bỏ tôi xa lắm”, có đọc rõ từng lời như thế mới hiểu cái lý do ngôi vua phóng sự Vũ Trọng Phụng trong lòng những bạn văn của ông cũng như của công chúng là có thật. Ấy là chưa kể, chưa trích thêm bao lời tâm tình hoặc là những nhận xét của các nhà văn, nhà thơ khác như: Ngô Tất Tố, Trương Tửu, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư… Họ không chỉ viết về Vũ Trọng Phụng là một nhà báo hàng đầu trong lĩnh vực viết phóng sự mới mẻ của thời bấy giờ, mà còn là một nhà văn đã sớm tạo dựng riêng cho mình một vị thế sáng chói trên văn đàn: “Nghệ thuật tả chân phải nhận ông (Vũ Trọng Phụng) là một thần tử tiên phong và can đảm” (Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam cận đại - Trương Tửu).

Dường như cả cuộc đời ngắn ngủi của Vũ Trọng Phụng, cái nghèo khó đến tơi tả và văn tài của ông cứ liền nhau một mạch. Mồ côi cha từ thuở ấu thơ, ông đã phải sớm rời khỏi năm tháng hoa niên hồn nhiên tuổi ăn tuổi học, để lăn lóc đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm. Ông va chạm trong cái thế giới bi đát diễn ra từng ngày, từng giờ một thực trạng xã hội nhố nhăng, lừa đảo, xu nịnh. Nơi này kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé, nơi kia trụy lạc, xa hoa và tội ác… Thế rồi từ cái thế giới nhuộm đầy bóng tối ấy, vụt lóe sáng trên bầu trời đất Bắc một tài năng văn học làm dậy tiếng trên văn đàn. Chả phải tài năng ấy mang đến cho Hà Nội thanh lịch thêm những áng văn hay những trứ tác mỹ miều lãng mạn kiểu Tự Lực văn đoàn, mà trời ạ, đó là: “Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Trúng số độc đắc… (tiểu thuyết), và những thiên phóng sự làm dậy sóng dư luận đương thời: “Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Lục xì, Cơm thầy cơm cô…”. Tất cả đấy là những cái nhếch mép, cái cười trào lộng, khinh bạc, đả phá vào cái thành trì phong tục hũ nút, chóng vội choàng lên mình sự hào nhoáng trưởng giả, cơ hội, lai căng, tha hóa… Tài năng ở đây là chữ nghĩa nhà văn không ảo não như của Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), không nỉ non như Giọt lệ thu (Tương Phố), hay êm đẹp mộng mơ như Khối tình lớn, Khối tình con (Tản Đà)…, mà chữ nghĩa ấy sắc hơn dao, nhọn hơn kim, đọc văn ông dễ cất lên tiếng cười mà  nước mắt chảy cay xè…

Nói Vũ Trọng Phụng là nhà báo, nhà văn tiên phong và can đảm là nói chỗ khác người và vượt trội người khác ở chỗ ấy. Văn tả chân hay hiện thực của ông không phải là bản sao chép thế giới (xã hội), mà tính chất trào lộng, châm biếm là motif thẩm mỹ dẫn dắt niềm ưu tư của tác giả đi xa hơn, để cái nhãn quan nghệ sĩ trào lộng nhìn vào hiện thực xã hội u tối, đổ vỡ, đau thương mà tạo ra từng âm vang, chua chát, khiêu khích, reo cười tung tẩy đấy mà “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” cũng đấy.

Vâng, văn phóng sự của ông vua phóng sự hơn 80 năm rồi mà còn tươi rói như thế này đây:

“Cái gường của một me Tây cũng như cái dùi khui của một ông cảnh sát, cũng như cái búa của bác thợ rèn, cũng như cái cổ của một ông nghị viên Việt Nam. Trong Kỹ nghệ lấy Tây, thợ chỉ làm việc trên gường (Kỹ nghệ lấy Tây, Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, trang 568).

Đấy là một thực trạng xã hội thời ông sống. Một cách so sánh vừa trào phúng, khôi hài nhưng lại châm chích đến rưng rưng nỗi niềm từng thân phận trong đêm dài nhược tiểu. Càng rưng rưng hơn nữa là số phận một nhà báo, nhà văn như ông, cày xới trên trang giấy miệt mài suốt ngày đêm, hết tiểu thuyết đến phóng sự, xong truyện ngắn quay sang viết phê bình, rồi viết kịch, dịch thuật. Ông vắt não tủy máu xương lao động “lực điền” trên tấm hình hài gầy gò đi qua từng ngày như thế mà không đủ nuôi sống gia đình. Cái nghèo khổ trêu ngươi nhà văn mỗi ngày, hay như quan niệm của Freud về bản năng hoạt động qua sự trỗi dậy sinh thành khoái lạc. Không! Vũ Trọng Phụng không Freud, không Sartre, cũng chả nên so sánh tác giả Số đỏ với Balzac làm gì. Ông là đứa con của hoàn cảnh cụ thể, cuộc đời cụ thể. Bẩm sinh tài năng Vũ Trọng Phụng, đương nhiên rồi. Nhưng giả dụ như ông sinh ra đời trong một hoàn cảnh khác, ví như “tối rượu sâm banh sáng sữa bò” chẳng hạn, thì có khi lịch sử văn học và báo chí nước nhà lại trống vắng những “Giông tố, Số đỏ…”, hay là những “Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây…”. Thế nên mới hay ra, cái độc đáo của một nhà văn, nhà báo kiểu như Vũ Trọng Phụng, chính là mẫu người sinh ra để thể hiện hết những ưu tư về định mệnh của mình. Niềm ưu tư triền miên ấy lót chỗ cho nhà văn nằm thao thức trên căn gác hẹp chật chội ở phố Hàng Bạc, để rồi mỗi khi chớp lấy một ý tưởng, tấm thân gầy gò kia lại cắm cúi trên bàn viết mà sinh thành tác phẩm. Nếu như không vì căn bệnh phổi quái ác kia đốn ngã nhà văn đang giữa tuổi thanh xuân, thì khó lòng mà dự đoán hết cái sức vóc tài năng và tâm huyết của ông sẽ còn viết ra bao nhiêu tác phẩm nữa.

Nhưng, mượn lời của các nhà văn nhà báo tiền bối, trong một sáng mùa thu Hà Nội cách nay non thế kỷ đã quây quần lại với nhau để đưa tiễn nhà văn Vũ Trọng Phụng về cõi vĩnh hằng, rằng cuộc đời mệnh yểu của ông chỉ 27 năm thôi, nhưng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, những “Số đỏ, Giông tố, Kỹ nghệ lấy Tây, Cạm bẫy người…” rồi sẽ trăm năm, sẽ mãi mãi!

Vâng, thời gian đang nói với hậu thế về sự bất tử đó. Cụ thể hơn, ví như “Kỹ nghệ lấy Tây” thời của Vũ Trọng Phụng có khác gì thời “kỹ nghệ lấy Mỹ” trong chiến tranh, hay như đang thời cực kỳ hiện đại bây giờ là … “kỹ nghệ lấy Đại Hàn, kỹ nghệ lấy Đài Loan” có khác gì nhau!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vũ Trọng Phụng, từ nhà văn đến "vua phóng sự"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO