Đọc sách trong những chuyến đi là trải nghiệm thú vị mà tôi có được.
Cách đây gần 30 năm, trong một chuyến công tác dài ngày ở Hà Nội, tôi quyết định sẽ dành thời gian khám phá và thưởng thức một số món ngon ở thủ đô. Vậy là tôi lục tìm trong tủ sách gia đình, lấy cuốn “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng mang theo để làm “cẩm nang”.
Lên tàu, tôi mang sách ra đọc. Tàu lửa tuy khá ồn ào và giằng xóc, nhưng vì chỉ tập trung đọc sách nên chuyến đi kéo dài gần 24 tiếng đồng hồ cũng trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn.
Đó là cuốn sách tôi đã từng đọc, nhưng khi ngồi trên tàu đọc lại, thật thú vị vì được trải nghiệm những cảm giác mới mẻ, khác lạ của sự đọc: Thỉnh thoảng khép mắt một chút để nghỉ ngơi, tôi cảm nhận được sâu hơn về những câu văn giản dị và trong trẻo của Vũ Bằng, vừa tha hồ mường tượng về những món ngon mà mình sẽ được thưởng thức trong những ngày sắp tới...
Và trong hơn 10 ngày lưu lại thủ đô sau đó, tôi đã tranh thủ đi tìm và nếm thử hầu hết “những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước Việt Nam, thấy mình Việt Nam hơn, và thấy thích thú, kiêu hãnh được trời cho làm người Việt Nam” (Dựng - Miếng ngon Hà Nội) mà nhà văn Vũ Bằng đã giới thiệu tỉ mỉ, tha thiết và đầy tự hào.
Nhận ra rằng việc đọc sách trong khi di chuyển, đi công tác hay đi chơi đâu đó thật sự bổ ích, ít nhất là giúp lấp đầy những khoảng thời gian trống “không biết dùng vào việc gì”, nên sau này mỗi khi đi đâu đó tôi đều mang theo sách.
Nếu đó là chuyến đi nhằm tìm hiểu, khám phá, tôi thường mang theo sách có tính chất “cẩm nang” (nhưng không phải là guide book) về vùng đất mà mình sẽ đến. Một lần đi Quảng Ngãi, tôi “lận lưng” cuốn “Cẩm thành cố sự” của nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh. Nhờ những thông tin rất lý thú đọc được từ cuốn sách này mà tôi tự tin hơn và khai thác được thêm nhiều điều thú vị khác về đất và người nơi ấy trong các cuộc chuyện trò với bạn bè ở Quảng Ngãi.
Cũng vậy, nhờ vừa đi đường vừa đọc cuốn “Ai về Đồng Nai” của nhà văn Khôi Vũ với đầy ắp dữ liệu, kiến thức về văn hóa, lịch sử, cảnh quan, con người... mà tôi đã không bị “lạc đường” khi đến xứ Trấn Biên...
Còn với những chuyến đi không nhằm mục đích khai phá, tôi thường chọn sách văn học để mang theo, để đọc trong lúc rảnh rỗi, đọc trước khi ngủ. Một số cuốn sách thuộc loại “khó đọc”, đọc nửa chừng thì bỏ đó, như “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần, “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương, “Trăm năm cô đơn” của Garcia Márquez, “Hóa thân” của Frank Kafka, “Rừng Na Uy” của Murakami Haruki... lạ thay, khi mang theo trong các chuyến đi dài ngày của mình, tôi đã đọc được một cách dễ dàng hơn và đọc đến hết.
Không chỉ vậy, việc “vừa đi vừa đọc sách” còn đem lại những kỷ niệm đẹp. Chỉ vì thấy tôi ngồi đọc sách trong khi chờ xe tại một trạm xe buýt mà một cô gái Hà Nội đến bắt chuyện và sau đó giới thiệu, rồi chỉ đường cho tôi đến “chợ sách” phố Đinh Lễ.
Sau lần được “mách nước” ấy, trong những chuyến công tác ở Hà Nội sau này, lần nào tôi cũng tranh thủ ra phố Đinh Lễ để tìm mua sách, hoặc chỉ để... ngắm sách và nhìn thiên hạ mua sách. Một lần khác, trong khi ngồi chờ nhận phòng tại một khách sạn, tôi mở ba lô lấy cuốn “Bãi vàng đá quý trầm hương” ra đọc.
Bất ngờ, có một người đàn ông không quen biết đến bắt chuyện. Nhận thấy sự không hài lòng trên gương mặt của tôi, người đàn ông lạ liền xin lỗi và phân trần, rằng chỉ vì thấy có người đọc sách của mình một cách say sưa nên muốn đến chào và nói lời cám ơn. Thì ra, đó là nhà văn Nguyễn Trí, tác giả của cuốn sách tôi đang đọc, người mà tôi ngưỡng mộ mà chưa từng được gặp. Và chúng tôi đã quen nhau từ đó...