Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa thống nhất xác định đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 gồm huyện Nông Sơn và huyện Hiệp Đức.
Căn cứ theo tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số (theo Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030) thì không còn gì bàn cãi. Sắp xếp để tinh gọn bộ máy, bảo đảm quy mô quản lý phù hợp, lựa chọn được đội ngũ cán bộ có năng lực vượt trội. Mục tiêu cuối cùng của việc sắp xếp là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Lục lại sử liệu để thấy rằng, chuyện tách - nhập đơn vị hành chính ở vùng đất liên quan đến vùng tây của huyện Quế Sơn, tính từ năm 1836 đến nay là triền miên, tùy thuộc vào quan điểm và định hướng phát triển vùng, hoặc cục bộ địa phương của chính quyền từng giai đoạn khác nhau.
Năm 1948, một phần lãnh thổ ở phía tây bắc của huyện Quế Sơn được tách ra để thành lập huyện Phước Sơn. Tiếp đó, một phần rộng lớn ở phía tây được tách ra để thành lập quận Đức Dục trước đây (1962). Năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng có quyết định thành lập huyện Hiệp Đức trên cơ sở một số xã của huyện Thăng Bình, Quế Sơn và Phước Sơn (lần này, có 4 xã của Quế Sơn được tách để nhập về Hiệp Đức). Đến năm 2008, Quế Sơn thêm một lần cắt bớt địa giới hành chính, theo Nghị định 42/2008/NĐ-CP, tách 7 xã vùng tây của huyện để thành lập huyện Nông Sơn. Diện tích của huyện Quế Sơn ngày nay, chưa bằng 30% diện tích lúc mới thành lập. Quế Sơn - tên gọi có từ năm 1836 vẫn giữ được cho đến ngày nay.
Với lần tách - nhập này, những đồn đoán trong dân, khiến người Nông Sơn lo lắng nhiều hơn. Tên gọi huyện Nông Sơn tròn 15 năm (2008 - 2023). Nay chuẩn bị sáp nhập, thì đời sống và chất lượng cuộc sống của người dân liệu đã được chính quyền dự lường gì, từ con số thống kê của 15 năm qua?
Vậy nên, người dân hai huyện Hiệp Đức và Nông Sơn cũng cần sớm được biết lộ trình sắp xếp, tránh chuyện cơ học, ngang ngay sổ thẳng, dễ cho người đưa phương án nhưng khó cho người thực hiện. Những khó khăn trước mắt liên quan công tác cán bộ, vấn đề dư thừa cơ sở hạ tầng cũng phải được tính toán chi li, giảm lãng phí đến mức thấp nhất có thể. Cần lường trước tác động sau khi sáp nhập như địa bàn rộng gấp đôi, số dân lớn, để nghiên cứu cách thức vận hành mới.
Hiệp Đức và Nông Sơn khá tương đồng về các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên. Điều đó sẽ tạo thuận lợi trong quản lý nhà nước, giữ vững an ninh, quốc phòng. Nhưng liệu có cần đặt thêm một vế đối sánh nữa, đường nào thuận tiện và thuận lợi cho dân, khi nhìn ở góc độ lưu thông và dân sinh?
Vừa đi vừa ngoái lại, chặng đường 15 năm hình như chưa đủ dài, cho mục tiêu được đặt ra hồi thành lập huyện, là rút ngắn khoảng cách đi về trung tâm huyện cũng như để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân vùng tây Quế Sơn…
Hiệp Đức và Nông Sơn, rồi những ai sẽ phải nhớ tên mình, khi không còn được gọi lên trong các văn bản hành chính? Nhiều người nói có hề chi, bởi những Tý Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm, Phường Rạnh, Đại Bình, Đèo Le, Trung Phước vẫn còn, như văn khắc ở lòng người. Như hôm nào đó, người quê về Cà Tang, thỏa thuê với vũng trâu đầm, nhìn đồng lúa vàng ươm mùa gặt. Gia phả của một vùng đất, không dễ gì mất đi chỉ vì chuyện chia cắt địa giới hành chính.