Quảng Nam là vùng đất quan trọng. Các chúa Nguyễn đã chú ý “kinh dinh” vùng đất này. Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng cũng nhận định tầm quan trọng của hữu trực Quảng Nam và 3 lần tuần du nơi này. Theo đó, vua Minh Mạng đã để lại nhiều dấu ấn với di tích cổ xưa ở Quảng Nam.
Tuần du cổ tích
Vua Minh Mạng cho rằng “Đất Quảng Nam là nơi gần kinh kỳ, đường sông biển dài, đêm ngày canh cánh bên lòng, nên khiến xa giá Nam tuần”. Sự cần thiết tổ chức tuần du vùng đất này để trực tiếp “xem khắp núi sông, thăm xét phong tục”, quan sát vị thế quốc phòng. Do vậy, vào tháng 5 năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua tổ chức tuần du lần thứ nhất ở Quảng Nam.
Vua Minh Mạng dừng thuyền ngự bến Hóa Khuê, xa giá lên núi Ngũ Hành, viếng thăm hai chùa Trang Nghiêm và Bảo Đài, xem khắp các hang động và bi kí. Vua bảo với thị thần rằng: “Núi này là danh thắng bậc nhất, các thánh triều ta khi rỗi công việc thường đến chơi đây” và sai dùng lễ “thái lao” để tế thần núi. Khi đi qua các cổ tích, vua Minh Mạng đều ban thưởng tiền.
Qua đền Quan Công, cho 300 lạng bạc; qua đền Thiên Phi, cho 100 lạng bạc. Vua Minh Mạng ban cho một ngôi chùa làng của xã Hải Châu Chính với tên mới là chùa Phúc Hải và sắc cho dinh thần Quảng Nam làm biển ngạch cấp cho chùa.
Lần tuần du thứ hai năm 1827, vua Minh Mạng đến thăm đài Điện Hải, tiếp tục viếng thăm núi Tam Thai. Cho chùa Bảo Quang ở xã Đông Ba, chùa Di Đà ở xã Đông An mỗi nơi 100 quan tiền.
Hai chùa này do triều trước sắc cho xây dựng, từ loạn Tây Sơn chùa bị bỏ mà câu đối hoành phi thếp vàng vẫn còn, dân ở đấy đem việc tâu lên. Vua sai thu cất câu đối hoành phi đi. Lần tuần du thứ ba năm 1831, vua Minh Mạng đến thăm, xem xét đài An Hải.
Xây dựng công trình
Năm 1823, vua Minh Mạng cho dời đài Điện Hải với lời dụ rằng: “Đầu đời Gia Long xây đắp đài này, công việc buổi đầu, người trông coi lại không được giỏi, cho nên không được kiên cố. Lại thêm gần sát bờ biển, nước biển xói mòn, ngày càng sụt lở, đã từng đóng cọc xây đá, mà sóng nước mạnh dữ, sức người khó chống.
Trẫm thấy đặt đài này là để củng cố bờ biển, giữ mạnh thế nước, há có thể sợ khó nhọc ngại tốn phí mà để đấy không hỏi đến sao? Nay sai người ngắm đo hình thế, nên dời về phía nam hơn 50 trượng là chỗ đất cao rộng mà xây. Lại đặt một pháo đài ở núi nhỏ phía đông trạm Nam Chân (tức Nam Ô - NV) gọi là pháo đài Định Hải, núi ấy cũng gọi là núi Định Hải”.
Năm 1830, vua Minh Mạng hạ lệnh xây đắp đài An Hải ở Quảng Nam (đối ngạn với đài Điện Hải). Một tháng sau, đài An Hải xây xong. Đến tháng 11, cho dựng công quán ở cửa biển Đà Nẵng là một tòa ba gian hai chái. Phàm những khi phái viên ở Kinh đến làm việc công hay tàu ngoại quốc đến đậu, mà cần phải đòi đến để hỏi han, thì lấy đấy làm nơi làm việc công.
Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây đắp tỉnh thành Quảng Nam ra nơi khác. Vì vua cho rằng thành cũ ở xã Thanh Chiêm, địa thế chật hẹp và thấp, nên dời đi chỗ khác. Trước hết sai viên giám thành đi xem địa thế, chọn được một chỗ mới ở xã La Qua.
Sau thực tiễn lần tuần du thứ nhất, vua Minh Mạng đã yêu cầu đào lại sông Vĩnh Điện, sửa đường bộ Hải Vân. 4 hành cung ở Quảng Nam, gồm hành cung Đà Nẵng, hành cung Liên Trì (sau dời đổi thành hành cung Cam Giản/Cam Tuyền), hành cung Động Thiên Phúc Địa, hành cung Vĩnh Điện, có được từ kết quả 3 lần tuần du của vua Minh Mạng.
Ngoài việc cải đặt tên gọi Non Nước thành Ngũ Hành Sơn theo dịch lý phương Đông, vua Minh Mạng còn đặt tên, cho dựng bia và khắc biển các di tích Vọng Giang đài, Vọng Hải đài, động Huyền Không, động Vân Thông, động Vân Nham, động Tàng Chân, động Lăng Hư, hang Vân Nguyệt, hang Vân Long…
Những công trình này trở thành cổ tích của Quảng Nam.
Tu bổ di tích
Sau chuyến tuần du lần thứ nhất, liền sau đó 1 tháng (6/1825), vua Minh Mạng đã tổ chức tu bổ cổ tích ở núi Tam Thai. Châu bản triều Nguyễn ghi “Núi Tam Thai ở Quảng Nam có nhiều cổ tích danh thắng, từ sau khi binh lửa đã hư hoại nhiều, cần tu bổ để lưu truyền việc tốt”.
Hai mươi ngày sau, vua Minh Mạng tiếp tục sắc chỉ: “Lần này tu bổ các chùa cổ tích ở núi Tam Thai Quảng Nam, đã xuống chỉ truyền xuất tiền kho Quảng Nam 3.000 quan để thuê mướn nhân công. Nay nghĩ vì công trình khá lớn, truyền cho xuất thêm lúa kho dinh ấy (tức dinh Quảng Nam - NV) phát giao 500 hộc” (châu bản ngày 20/6/1825).
Sách “Đại Nam thực lục” chép tỉ mỉ rằng, tháng 6 sửa hành cung và chùa miếu ở núi Tam Thai dinh Quảng Nam, gồm: hành cung “Động thiên phúc địa”, chùa Tam Thai, chùa Trang Nghiêm, miếu Thiên Y A Na Diễn, chùa Ứng Chân, miếu Thượng Thành, chùa Từ Tâm và các cửa Vân Căn Nguyệt Quật, cửa Tam quan, cửa Linh quan, sơn phòng và nghi môn.
Vua thấy thiên hạ thanh bình nên sửa sang lại, sai Thiêm sự Công bộ là Nguyễn Công Liêu và quản lý Nội tạo là Vương Hưng Văn trông nom công việc. Chi tiền kho 5.500 quan, thóc 500 hộc.
Hoàng thái hậu cũng thưởng 300 lạng bạc. Hơn một năm làm xong. Sai hữu ty làm biển ngạch tượng đồng, tượng vẽ, phật bài, chuông trống, đồ thờ và các kinh Địa tạng, Thủy tạng, Đại thặng ban cho. Rồi lấy 30 người dân hai xã Hóa Khuê Đông và Quán Khái sung làm Thủ hộ, sai dịch đều miễn.
Cho rằng hai lăng Vĩnh Diễn và Vĩnh Diên ở Quảng Nam, đường sá xa cách, e người thừa hành việc tế tự không được chu tất, vua Minh Mạng sai quan trấn hằng năm cứ đến tiết Thanh minh, phàm lễ phẩm, xôi, lợn, cỗ bàn, phải đích thân xem xét, cốt cho phong hậu sạch sẽ; đồng thời lệnh cho sửa lại cột nêu gỗ ghi rõ những điều răn cấm, khiến người dân không được lấn lướt. Lăng Vĩnh Diễn là lăng Nguyễn thị, vợ Nguyễn Phúc Nguyên; lăng Vĩnh Diên là lăng Đoàn thị, vợ Nguyễn Phúc Lan, đều cùng ở xã Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên.
Cổ tích Quảng Nam được vua Minh Mạng viếng thăm nhiều lần. Vua Minh Mạng tiếp tục tạo nên và lưu lại cho Quảng Nam nhiều cổ tích khác nữa. Những cổ tích Quảng Nam in dấu ấn vua Minh Mạng nay trở thành di sản văn hóa quan trọng và giá trị mang tính quốc tế.