(QNO) - Lâu nay, xã Duy Thành (Duy Xuyên) được xem là một trong những địa phương có diện tích đất trồng nếp lớn nhất tỉnh. Thời điểm này, nông dân hối hả thu hoạch nếp đông xuân 2020 - 2021. Qua khảo sát thực tế, vụ này năng suất nếp của xã đạt cao nhất từ trước đến nay, trong khi đó giá bán lại khá cao nên nhà nông rất phấn khởi.
Năng suất vượt trội
Đông xuân năm nay, gia đình bà Võ Thị Thi (thôn An Lạc, xã Duy Thành) canh tác 6 sào nếp trên cánh đồng Bản Kỹ và Đồng Giữa. Qua thu hoạch cho thấy, năng suất nếp bình quân đạt 450kg/sào, tăng 50kg so với cùng vụ sản xuất năm ngoái.
“Ngay từ đầu vụ, cây nếp chịu nhiều yếu tố bất lợi do mưa lạnh và sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, nhờ bám sát ruộng đồng, áp dụng bài bản quy trình thâm canh nên hầu hết ruộng nếp đều phát triển tốt, hạt đều và chắc. Đây là vụ nếp được mùa nhất từ trước tới nay” - bà Thi chia sẻ.
Không riêng bà Thi, rất nhiều hộ dân khác tại vùng chuyên canh nếp Duy Thành cũng hết sức phấn khởi khi được mùa, lại được giá. Ông Lê Trung Tám ở thôn Vân Quật hồ hởi nói: “Bên cạnh niềm vui được mùa thì hiện tại nếp cũng được tư thương thu mua ở mức giá 7.500 đồng/kg, tăng 12% so với cùng vụ này năm trước”.
Ông Lê Trung Thưởng – cán bộ khuyến nông xã Duy Thành cho biết, đông xuân này nông dân trên địa bàn sản xuất tổng cộng 100ha nếp, chủ yếu là giống HN87, HN88 và nếp thơm. Năng suất bình quân đạt 80 - 85 tạ/ha (tăng 10 - 15 tạ/ha so với đông xuân 2019 - 2020), cá biệt có nơi đạt 90 tạ/ha.
Cải tạo ruộng hoang trồng nếp
Mấy năm trước, các cánh đồng Triều Châu, Cồn Đá, Đồng Trại, Hà Son, Bãi Đò... của xã Duy Thành rộng gần 20ha, nhà nông đều bỏ ruộng hoang, cỏ dại mọc um tùm. Thế nhưng, đông xuân năm nay, những cánh đồng ấy chỉ một màu vàng óng của bông nếp nặng trĩu hạt.
Ông Lê Chỉ Yên ở thôn Vân Quật cho biết, vụ này gia đình ông canh tác 12 sào nếp trên xứ đồng Triều Châu và Đồng Trại, năng suất bình quân đạt 450kg/sào.
“Trước đây, canh tác nếp kém hiệu quả, bình quân 1 sào chỉ đạt 300kg, thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng. Nguyên nhân là hạ tầng sản xuất không đảm bảo, đất đai manh mún, sâu bệnh và chuột phá hoại nhiều khiến nhà nông không mặn mà. Trong khi đó, nhiều người làm thợ và phụ hồ, thu nhập trung bình một ngày từ 300 – 400 nghìn đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc bám víu ruộng đồng” - ông Yên nói.
Cũng theo ông Lê Chỉ Yên, đông xuân 2020 - 2021, nhờ nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi, cải tạo đất nên gia đình ông quyết tâm trồng nếp. Và, với chừng đó diện tích, ông thu về không dưới 33 triệu đồng.
Ông Lê Tấn Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho hay, những vụ trước, tình trạng nông dân bỏ ruộng gây lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp, mà càng về sau quy mô diện tích càng tăng dần. Nguyên nhân là do thiếu hụt lao động, nguồn nước tưới bấp bênh, chuột cắn phá dữ dội, dẫn tới hiệu quả kinh tế từ trồng nếp không cao.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đồng thời đầu tư xây dựng trạm bơm, hệ thống kênh mương bài bản nhằm đảm bảo nguồn nước tưới. Từ đó, người dân tích cực tham gia vào sản xuất nông nghiệp.
“Vụ này, trong tổng số 100ha đất gieo trồng nếp trên toàn xã thì có 20ha đất hoang hóa được nông dân đầu tư cải tạo, đưa vào sản xuất. Nếu tính năng suất bình quân đạt 85 tạ/ha và giá bán 5.700 đồng/kg hạt tươi thì với 20ha đất hoang hóa đưa vào trồng nếp, nhà nông thu về xấp xỉ 1 tỷ đồng” – ông Bảo nói.