Thống kê trong 10 mùa giải gần đây cho thấy, danh hiệu vua phá lưới V-League ngoại trừ lần duy nhất thuộc về tiền đạo Anh Đức năm 2017, còn lại đều rơi vào tay cầu thủ ngoại.
“Cánh én” Xuân Nam
Mùa giải 2020, TP.Hồ Chí Minh đưa về nhiều cầu thủ tên tuổi như Công Phượng, Huy Toàn, thủ môn Bùi Tiến Dũng, các ngoại binh đắt tiền Amido hay Diakate. Tuy nhiên, cái tên được nói đến nhiều nhất cho đến thời điểm này lại là Nguyễn Xuân Nam - tân binh vừa cập bến từ một đội hạng nhất. Trong cả 2 trận đấu tại V-League, dù chỉ ra sân từ băng ghế dự bị, song cầu thủ mang số áo 11 lại sắm vai “người hùng”.
Trong chuyến làm khách Quảng Nam ở trận đấu khai màn, vào sân thay Công Phượng tịt ngòi, Xuân Nam lập cú đúp bàn thắng giúp đội nhà lội ngược dòng để giành chiến thắng 3-1.
Còn ở trận tiếp đón Thanh Hóa ở vòng 2, bàn thắng muộn của Nam ở phút bù giờ đã mang lại 3 điểm quý giá cho đội bóng HLV Chung Hae Song. Xen kẽ giữa 2 trận đấu này, cầu thủ sinh năm 1994 cũng đóng góp 2 bàn trong chiến thắng của TP.Hồ Chí Minh trước Lao Toyota tại AFC Cup.
Sở hữu 5 bàn thắng qua 3 trận và vươn lên dẫn đầu danh sách ghi bàn tại V-League, đó là một hiệu suất ghi bàn thật đáng nể, nhất là với chân sút dự bị như Xuân Nam. Nhưng, “đường dài mới biết ngựa hay”. Học trò của HLV Chung Hae Song có duy trì được phong độ hay chỉ là một “cánh én” bất chợt thì phải chờ thời gian trả lời.
Còn nhớ ở mùa giải 2019, Hà Minh Tuấn cũng liên tục “nổ súng” cho Quảng Nam và có thời điểm anh góp mặt trong danh sách các chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất của V-League. Tuy nhiên, càng về chặng cuối của mùa giải, cầu thủ mang áo số 9 gần như “tịt ngòi”.
Theo thống kê trong 10 mùa giải gần đây, danh hiệu vua phá lưới V-League ngoại trừ lần duy nhất thuộc về Anh Đức năm 2017, còn lại đều rơi vào tay cầu thủ ngoại. Điều này cho thấy, để trở thành chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất V-League 2020 không hề dễ dàng đối với cầu thủ nội.
Những cầu thủ thường xuyên góp mặt trong danh sách ghi bàn nhiều nhất như Thanh Trung (Quảng Nam), Văn Quyết, Quang Hải (Hà Nội), Công Phượng (TP.Hồ Chí Minh), Văn Toàn, Minh Vương (Hoàng Anh Gia Lai)… đều thi đấu ở vai trò tiền vệ nên khó có “cửa” tranh danh hiệu vua phá lưới.
Còn Tiến Linh (Becamex Bình Dương) hay Đức Chinh (SHB Đà Nẵng) là tiền đạo thực thụ song vẫn chưa đủ tầm để vươn lên trở thành nhà vô địch. Vì lẽ đó mà nhiều năm gần đây, bóng đá Việt Nam luôn vất vả đi tìm một chân sút đúng nghĩa cho đội tuyển.
Lợi thế của ngoại binh
Có nhiều nguyên nhân để cầu thủ ngoại chiếm lợi thế trong cuộc đua giành danh hiệu vua phá lưới ở V-League. Không chỉ sở hữu thể hình cao to, thể lực sung mãn, ngoại binh còn có sức càn lướt tốt cùng khả năng đánh đầu hiệu quả giúp cho họ thuận lợi hơn trong khâu ghi bàn so với cầu thủ nội.
Thống kê cho thấy, phần lớn cầu thủ ngoại cao từ 1m85, nặng tầm 80kg trở lên. Trong khi đó, tiền đạo Minh Tuấn được coi là cầu thủ nội có thể hình lý tưởng cũng chỉ cao 1m77 và nặng 74kg, còn Công Phượng, Quang Hải khá khiêm tốn với dưới 1m70 chiều cao, nặng chỉ 65kg.
Kỹ thuật cá nhân khéo léo, xoay xở nhanh nhẹn song về mặt thể hình, rõ ràng Minh Tuấn, Công Phượng hay Quang Hải khó tranh chấp tì đè tay đôi với các ngoại binh lực lưỡng. Đó là chưa kể, hầu hết đội bóng đều sử dụng cầu thủ ngoại thi đấu ở vị trí trung phong, cầu thủ nội là những vệ tinh, làm nhiệm vụ cung cấp bóng.
Thế nên, khá dễ hiểu khi các “ông Tây” hơn hẳn đồng đội về khâu ghi bàn. V-League những mùa giải gần đây không có nhiều gương mặt ngoại binh xuất sắc mới, ngoại trừ mùa giải 2019 tân binh Bruno (Viettel) bất ngờ chia sẻ danh hiệu vua phá lưới với Pape Omar (Hà Nội), còn lại đều là gương mặt cũ.
Có thể kể đến như Hoàng Vũ Samson - người đã chinh chiến tại V-League đã hơn chục năm, 2 lần nhận giải vua phá lưới vào các năm 2013, 2014 và sau đó vẫn đều đặn “nhả đạn” với không dưới 10 bàn/mùa. Đỗ Melor cũng tròn một thập niên gắn bó với SHB Đà Nẵng và 4 lần giành danh hiệu vua phá lưới (2009, 2010, 2011 và 2016).
Hiện nay, cả 2 cầu thủ nhập tịch này đã chuyển sang môi trường mới, Hoàng Vũ Samson về Thanh Hóa còn Đỗ Merlo chơi cho Dược Nam Hà Nam Định. Vua phá lưới năm 2018 cũng là một ngoại binh - Oseni với 17 bàn. Nói chung, danh hiệu vua phá lưới V-League gần như là “món quà” dành cho các cầu thủ ngoại.