"Vua" tôm đất Quảng

NGUYỄN QUANG VIỆT 29/01/2014 11:36

(Xuân Giáp Ngọ) - Thu được hơn 4 tỷ đồng chỉ sau mỗi vụ nuôi là thành quả khó ai có được như “vua” tôm đất Quảng - cách gọi ngưỡng mộ của nhiều nông dân dành cho anh Nguyễn Xuân Cần (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình).

Một ngày cuối năm chúng tôi ghé thăm, anh Cần cười rạng ngời và cho biết cả 3 vụ tôm vừa qua đều bội thu và bán được giá. Anh nói, năm nay mình may mắn thu được hơn 10 tỷ đồng, 20 anh em lao động ở đây mỗi người cũng được khoảng 100 triệu đồng/năm. Năm 2013, gia đình anh Cần đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên 6 ao nuôi có tổng diện tích là 18.000m2, mỗi ao nuôi thu hoạch được trung bình 10 tấn tôm, bán được 1,5 - 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí anh thu được 800 triệu đồng/vụ nuôi.

Duyên nghiệp

Năm nay 34 tuổi, anh Nguyễn Xuân Cần đã tròn 16 năm gắn bó với con tôm. Sinh ra và lớn lên ở Bình Hải, vây bọc bởi cát, sóng và gió, thuở thiếu thời của Cần là những tháng ngày theo cha nuôi tôm. “Nghĩ về tuổi thơ của mình, tôi nhớ ngay đến con tôm bởi nó vẫn luôn “cựa quẫy” trong tiềm thức của mình từ hồi đó đến chừ. Từ lúc niên thiếu cho đến nay, tôi vẫn luôn đau đáu là làm sao để con tôm lớn nhanh, phát triển tốt, cho sản lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế khá” - anh Cần chia sẻ. Sau thời gian “học việc” bằng cách ngày đêm ra đồng tôm với cha, đến năm 1998, anh ra riêng, tự lực đầu tư nuôi tôm sú trên 2ha đất của gia đình ở vùng ven sông Trường Giang. Năm đầu, nuôi 2 vụ đều trúng, anh lãi được 150 triệu đồng - con số “khủng” ở thời điểm bấy giờ. Đã quyết lập thân bằng nuôi tôm nên lãi bao nhiêu, anh Cần đem đầu tư hết cho vụ sau. Diện tích đầu tư gấp đôi, thời gian, kỹ thuật chăm sóc đều tăng lên nhưng khi thu hoạch thì lại… thua lỗ. Sang năm 2000, các vụ nuôi của anh cũng thất bát. “Con tôm chết vì bị “sốc” với môi trường như thế nào thì tôi cũng bị sốc y như vậy. Lúc đó tôi cứ day dứt là phải chăng mình đã đi sai đường rồi. Nhiều người cứ ví nuôi tôm như đánh bạc với trời nhưng tôi nuôi đàng hoàng, đầu tư bài bản chứ có… gian lận gì đâu” - anh nói. Nghỉ nuôi 2 năm ròng, anh nhận ra quy trình nuôi của mình quả có trục trặc. Đó là không thể khống chế được các yếu tố gây bệnh trong nguồn nước khi cứ lấy nước trực tiếp từ sông vào ao nuôi. Mặc dù đã cải tạo ao nuôi kỹ nhưng nguồn nước từ sông bị ô nhiễm nặng nên bệnh cứ phát sinh, không thể xử lý kịp.

Tự nhủ “thất bại là mẹ thành công”, năm 2001, anh Cần rong ruổi từ bắc đến nam tham khảo, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Khắp các vùng nuôi tôm trong cả nước từ Quảng Bình, Quảng Ninh cho đến Cần Thơ, Cà Mau, nơi đâu anh cũng lượm lặt ý tưởng ngõ hầu đúc kết lại cho mình một quy trình nuôi phù hợp. Anh kể: “Những nơi tôi đi qua, nơi đâu cũng có người nuôi thành công, đâu cũng có người nuôi thua lỗ dù điều kiện nuôi y hệt nhau. Thậm chí, cùng một cách nuôi của một người nhưng vụ này thì thành công, vụ tiếp lại thất bại. Vậy thì không có một mẫu số chung cho nuôi tôm thành công hay sao?”.

“Vua” tôm đất Quảng Nguyễn Xuân Cần và khu vực nuôi tôm “sạch”. Ảnh: QUANG VIỆT
“Vua” tôm đất Quảng Nguyễn Xuân Cần và khu vực nuôi tôm “sạch”. Ảnh: QUANG VIỆT

Mặc dù thu thập được nhiều sáng kiến như mật độ nuôi phù hợp, cho tôm ăn ở thời điểm có nhiệt độ thích hợp, sản xuất máy chế tạo thức ăn cho tôm, hạn chế tác hại với môi trường… nhưng anh vẫn tiếp tục hành trình đi tìm đáp số chung cho việc khắc phục rủi ro trong nuôi tôm. Sang năm 2002, anh Cần vay mượn kinh phí để sang Thái Lan tham khảo quy trình nuôi tôm “sạch” đem lại hiệu quả sản xuất cao ở nước này. Anh cho biết: “Sau nhiều tháng tham khảo, học hỏi, tôi “ngộ” ra rằng, nuôi tôm “sạch” không chỉ tạo ra nguồn tôm nguyên liệu không có dư lượng kháng sinh, đáp ứng xuất khẩu mà còn giảm được chi phí đầu tư, ít rủi ro, không tác động đến môi trường sinh thái. Đây là mô hình “chuẩn” mang tính bền vững, sát hợp với điều kiện nuôi của Quảng Nam. Điều quan trọng nhất là sau khi học tập, mình sẽ áp dụng mô hình này như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất”.

Nuôi tôm “sạch”

Sau khi học hỏi được mô hình nuôi tôm “sạch” ở Thái Lan, anh Cần về lại quê nhà đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên 6 ao nuôi, mỗi ao nuôi có diện tích 3.000m2. Trong quỹ đất nuôi tôm của mình, anh đầu tư thêm 2 ao chứa lắng, 1 hố ga và 1 ao xử lý nước thải. Để có thể cung cấp đủ oxy cho tôm với mật độ cao là 300 con/m2, ở mỗi ao nuôi, anh bố trí 1 dàn oxy đáy, 6 dàn quạt sục khí. Ở mỗi ao, anh đều đầu tư 1 hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát môi trường nước trong ao. Ngoài ra, để khống chế các yếu tố có thể gây bệnh trên tôm nuôi, anh luôn thay nước ao nuôi sau khi đã xử lý qua ao chứa lắng. “Điều quan trọng trong nuôi tôm là tránh việc tù đọng nguồn nước bởi đây chính là môi trường lý tưởng cho hoạt động của các sinh vật gây bệnh trên tôm. Chúng tôi thường xuyên thay nước ao tôm, trừ lúc cho tôm ăn và khi tôm lột xác. Phòng bệnh bao giờ cũng quan trọng hơn chữa bệnh là như vậy” - anh Cần thổ lộ. Để tôm nuôi phát triển tốt, khẩu phần ăn cho tôm cũng được anh đặc biệt coi trọng. Bao giờ thức ăn nuôi tôm cũng được anh trộn lẫn với chuối xay nhuyễn thành nước và các loại thuốc bổ phòng bệnh cho gan, các bệnh đường ruột nói chung của tôm nuôi. Cứ 10kg thức ăn cho tôm thì có 2kg chuối và thuốc tùy theo liều lượng tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển của tôm.

Trong cách đầu tư nuôi tôm “sạch” của mình, anh Cần đặc biệt coi trọng cách nuôi theo quy trình an toàn sinh học, tức là sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho hóa chất, kháng sinh. Nhờ đó, sản phẩm là tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh, giá bán cao, đáp ứng tôm nguyên liệu xuất khẩu. Không giấu bí quyết nuôi của mình, anh Cần chia sẻ kinh nghiệm, do tôm thả nuôi với mật độ cao nên định kỳ 5 ngày phải cấy vi sinh một lần và mỗi ngày phải kiểm tra sự tăng trưởng của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn, môi trường nước kịp thời. Ngoài ra, để quản lý tốt môi trường ao nuôi, mỗi ngày phải hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao, làm sạch môi trường nước, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nuôi tôm “sạch”.

Với cách đầu tư như vậy, riêng 3 vụ nuôi trong năm 2013, anh Cần lãi xấp xỉ 14 tỷ đồng. Nhiều người đã gọi anh là “vua” tôm vì thành quả đó. Trải qua bao thăng trầm trong nuôi tôm mới tới ngày thái lai nên anh vẫn bình dị, chân chất như bản tính vốn có của người nông dân đất Quảng. “Sẽ cố gắng tiếp tục nuôi nữa, cho đến khi nào Nhà nước còn cho mình thuê đất để nuôi. Làm giàu cho bản thân, cho gia đình, giúp người khác ổn định cuộc sống cũng là cách tốt để gắn bó với cuộc sống vậy!” - “vua” tôm đất Quảng quả quyết vậy.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Vua" tôm đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO