Ai cũng có quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, lòng muốn giữ “nồi hương bát nước ông bà” nhưng sao phải đi xa, đến sinh sống xứ người? Lịch sử với những thăng trầm tang điền thương hải, đưa đẩy bao phận lưu dân phiêu dạt, tha phương cầu thực, cầu danh, cầu cơ hội tiến thân... Xa nguồn cội, có cái gì vẫn xao động trong sâu thẳm trùng khơi tâm hồn người xa xứ, để như Bùi Giáng, nhà thơ lớn người Quảng, thảng thốt: “Hỏi tên, rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa…”.
Theo nguồn số liệu từ cơ quan ngoại giao, con dân người Việt ra nước ngoài sinh sống ước khoảng 4,5 triệu người. Địa bàn cư trú chủ yếu tại khoảng 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, 98% trong số đó tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Đại Dương. Tại Hoa Kỳ có gần 2 triệu người Việt sinh sống. Ngoài ra, có khoảng 500.000 lao động đang làm việc ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tại một số địa bàn mới ở châu Á, Trung Đông... bước đầu hình thành cộng đồng người Việt. Còn riêng con dân Quảng Nam, ước cũng có hàng chục nghìn kiều bào sinh sống tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (gọi vui là “Quảng kiều”).
Từ điển Thiều Chửu định nghĩa chữ "kiều" là "ở nhờ, đi ở nhờ làng khác hay nước khác gọi là kiều cư, kiều dân". Dân gian quen gọi là “Việt kiều”, nay thì hay gọi “kiều bào ta” để thấy liền khúc ruột trong nghĩa đồng bào cùng chung nguồn cội. Vì tuy phải đi làm ăn xa xứ, xa quê hương bổn quán, song đồng bào ta ở nước ngoài góp một nguồn lực lớn về kinh tế và nhân lực cho đất nước. Chỉ riêng lượng kiều hối mấy năm qua tăng tiến không ngừng. Năm 2009, số tiền kiều bào gửi về nước qua các kênh chính thức là 6,2 tỷ USD, thì đến nay năm 2015 đạt ngưỡng 12,5 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tiếp tục xếp hạng 11 trong 15 quốc gia trên thế giới nhận kiều hối nhiều nhất.
Nghe qua phấn khởi vậy nhưng ngẫm sâu xa chuyện làm ra đồng tiền ở đâu chắc cũng cơ cực, cũng thấm đầy mồ hôi và nước mắt! Điều đáng mừng là nhiều cộng đồng người Việt xa Tổ quốc vẫn gắng giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống thẳm sâu và nhiều lớp người trẻ đã tiếp thu tinh hoa nhân loại, vươn lên thành “công dân toàn cầu”. Đó là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, có một hoặc nhiều quốc tịch. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, hoạt động của các công ty đa quốc gia thu hút nhiều nhân lực ở các nước. Thêm nữa, nhiều nước có chính sách thu hút người tài để kiến tạo nền kinh tế tri thức. Đó là môi trường cho công dân toàn cầu phát triển. Với công dân toàn cầu, biên giới địa lý lãnh thổ không có ý nghĩa mấy, vậy thì hỏi họ quê đâu? Ừ, thì cũng có quê, nhưng như “mộng ban đầu đã xa”… Có điều cần chú ý trong thời hội nhập sâu rộng này là muốn làm giàu một cách “sang trọng” không thể không tiếp cận với trình độ giáo dục cấp tiến để hình thành những công dân toàn cầu đủ sức chiếm lĩnh nền kinh tế tri thức. Một khi đã trở thành công dân toàn cầu cống hiến cho sự phát triển của thế giới thì con dân nước Việt mới được “chia phần” ngon, quê nhà mới thêm tiếng thơm.
Trong dòng thiên di của con dân nước Việt, người Quảng đã từng để tiếng thơm với công cuộc mở đất, tiến về phương Nam, tình nguyện làm người tiên phong trấn ải giữ nước. Và, trong lịch sử hàng mấy trăm năm, cộng đồng người Quảng xa quê, như cánh lục bình “vừa trôi vừa trổ bông” trên dòng sông cuộc đời. Họ có mặt khắp mọi miền Tổ quốc và ra cả nước ngoài, mang thân phận lưu dân nhưng tính cách, tâm hồn vẫn hướng về đất mẹ, rưng rức nhớ thương. Mỗi khi Tết đến, xuân về, những khúc tâm tình của nhiều người Quảng vẫn dậy lên câu ca “thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”...
Vậy, xin bày cùng mâm cỗ ấm áp đón xuân Bính Thân bao tha thiết gọi về NGƯỜI QUẢNG XA QUÊ ...
ĐĂNG QUANG