Vực dậy ngành "kinh tế mũi nhọn"

PHẠM QUỐC 07/01/2024 08:30

Du lịch địa phương đang trở lại quỹ đạo vốn có và sẽ được tiếp thêm động lực để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đúng nghĩa của Quảng Nam.

Lồng đèn là sản phẩm lưu niệm đặc trưng và thu hút du khách bậc nhất của Hội An. Ảnh: Q.T
Lồng đèn là sản phẩm lưu niệm đặc trưng và thu hút du khách bậc nhất của Hội An. Ảnh: Q.T

Vị thế kinh tế du lịch

Năm 2023, doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2022. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 18.683 tỷ đồng. Dịch vụ du lịch được xác định là ngành dịch vụ ưu tiên của Quảng Nam.

Dù tỷ lệ đóng góp cho ngân sách tỉnh chưa nhiều nhưng du lịch với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao được xác định là ngành kinh tế trọng điểm giúp cải thiện mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng nhất là tại các khu vực hoạt động du lịch phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Quảng Nam đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế; bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển dịch vụ du lịch; chú trọng phát triển du lịch hướng mở về khu vực nông thôn, miền núi...

Trên cơ sở đó, Quảng Nam sẽ triển khai liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận nhằm hình thành các tour, tuyến vòng tròn du lịch trong tỉnh và giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết. 

Tỉnh sẽ tập trung đầu tư cho sản phẩm du lịch, dịch vụ, hướng đến xây dựng thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, gắn với phát triển mạnh tại các địa bàn trọng điểm du lịch, liên kết chặt chẽ với khu vực và các hành lang kinh tế để mở rộng phát triển và nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh về tài nguyên du lịch của địa phương.

Thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai thực hiện Đề án thuê dịch vụ “Hệ thống Du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam”; phối hợp với VNPT và Cục Du lịch Việt Nam hoàn thiện việc kết nối Cơ sở dữ liệu Hệ thống du lịch thông minh với nền tảng số.

Tỉnh cũng đã phối hợp với Cục Du lịch quốc gia triển khai công tác khảo sát dự án Chuyển đổi số du lịch; khảo sát một số đơn vị để chuẩn bị tham mưu triển khai viết đề cương Hệ thống cơ sở dữ liệu lưu trú liên thông tỉnh Quảng Nam.

Nâng tầm để xứng tầm

Là tỉnh nằm trong nhóm đầu về thu hút khách quốc tế của cả nước nhưng doanh thu du lịch còn tương đối khiêm tốn (nằm ngoài tốp 10), Quảng Nam sẽ còn nhiều việc phải làm nhằm nâng tầm dịch vụ du lịch để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nữa.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong năm 2024 Quảng Nam sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là thu hút các dự án du lịch cao cấp khu vực ven biển. Thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đô thị, du lịch trọng điểm ở khu vực vùng đông.

Chú trọng phát triển du lịch văn hóa và sinh thái mà trung tâm lan tỏa là hai di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Tỉnh sẽ kết nối phát triển du lịch với phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.

Đặc biệt, tập trung đầu tư nâng cấp khai thác sân bay Chu Lai; phát triển du lịch biển đảo; du lịch sinh thái Cù Lao Chàm, hồ Phú Ninh; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Đồng thời lồng ghép các chương trình tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích; khôi phục, phát triển các làng nghề và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay, trong giai đoạn mới, dịch vụ du lịch Quảng Nam sẽ tập trung phát triển theo hướng xanh, bền vững để vun đắp thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.

“Quảng Nam sẽ cụ thể hóa điều này bằng việc tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế và tài nguyên của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam.

Tập trung phát triển loại hình du lịch đường thủy theo các tuyến đường sông, đường biển. Tỉnh khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đổi mới, sáng tạo và sẽ hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình khởi nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch trải nghiệm, hội nghị, sinh thái, các sự kiện thể thao kết hợp du lịch. Đề án “Phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch” sẽ được triển khai với trọng tâm đề xuất chính sách và các sản phẩm, dịch vụ du lịch cụ thể” - ông Hồng nói.

Định hướng đầu tư phát triển ngành du lịch theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định chú trọng đối với việc thu hút đầu tư, xây dựng các tổ hợp vui chơi giải trí - mua sắm - ẩm thực gắn với kinh tế đêm ở khu vực phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ như TP.Hội An và TP.Tam Kỳ do loại hình này ở Quảng Nam còn rất hạn chế. Đây sẽ là yếu tố quan trọng nhằm kéo dài ngày lưu trú và tăng mức chi tiêu trung bình ngày của khách du lịch đến Quảng Nam, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vực dậy ngành "kinh tế mũi nhọn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO