Sau thời gian dài rơi vào cảnh nợ nần, tưởng chừng như phá sản, bắt đầu từ ngày 17.8, nhà máy vàng Phước Sơn hoạt động trở lại, kỳ vọng sẽ khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Tái cơ cấu
Tái cơ cấu hoạt động sản xuất lần này, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn hợp tác liên doanh với Công ty New Viet Nam Mining, Công ty CP Vàng VACO và Công ty CP Kỹ nghệ - khoáng sản Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng VACO cho biết, doanh nghiệp đã tham gia tái cấu trúc toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn nhằm đưa đơn vị sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất để có nguồn thu trả nợ thuế và các khoản nợ khác, đồng thời tạo việc làm cho người lao động. “Với thế mạnh về tài chính, quản trị của Công ty CP Vàng VACO, cùng với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, những lãnh đạo điều hành cấp cao đến từ những nước có công nghệ tiên tiến trong ngành khai khoáng kỳ vọng sẽ đưa nhà máy vàng Phước Sơn hoạt động trở lại một cách hiệu quả” - ông Phong nói.
Những xe chở quặng đầu tiên từ hầm lò ra ngoài nhà máy chế biến. Ảnh: T.H |
Từ giữa tháng 8, những xe tải chở quặng hối hả từ hầm lò xuyên lòng đất đã đưa ra ngoài nhà máy chế biến quặng, đánh dấu sự hồi sinh của công ty. Ông David Seton - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Besra (chủ của 2 nhà máy vàng Phước Sơn và Bồng Miêu) cam kết tiếp tục đẩy nhanh công tác sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị; củng cố, hoàn thiện bộ máy nhân sự để đưa nhà máy trở lại hoạt động với 100% công suất theo đúng tiến độ và nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, theo lộ trình, công ty sẽ triển khai các công tác thăm dò, mở rộng và phát triển dự án; đầu tư dây chuyền hiện đại để xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn cho phép. Công ty TNHH Vàng Phước Sơn cũng thống nhất với các cơ quan chức năng của tỉnh đảm bảo triển khai thành công quy chế phối hợp nhằm hạn chế hoạt động khai thác vàng trái phép, giúp kiểm soát tốt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; cam kết tiến hành trả nợ thuế cho Nhà nước và những khoản nợ của người dân, doanh nghiệp tại địa phương. “Tập đoàn sẽ sử dụng đội ngũ lao động và chuyên gia kỹ thuật là người địa phương nhiều hơn, giảm nguồn nhân lực từ nước ngoài” - ông David Seton cam kết.
Chính quyền đồng hành
Để cứu nhà máy vàng Phước Sơn thoát khỏi bờ phá sản, chính quyền tỉnh và huyện Phước Sơn đã chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tái hoạt động. Theo kế hoạch, từ tháng 8.2016, công ty sẽ bắt đầu trả nợ ngân sách nhà nước trong vòng 12 tháng (mỗi tháng trả hơn 27 tỷ đồng). Ngân hàng Việt Á sẽ đứng ra bảo lãnh trả nợ thuế. Từ tháng 6.2015, do khó khăn về tài chính, Tập đoàn Besra đã bán 35% vốn cho Công ty CP Vàng VACO. Sau thương vụ này, Besra nắm giữ 50% vốn, VACO 35%, Công ty CP Kỹ nghệ - khoáng sản Quảng Nam 10%... Cũng trong năm 2015, UBND tỉnh đã đồng hành với doanh nghệp trong tái cơ cấu sản xuất bằng cách chỉ đạo các ngành chuyên môn giúp doanh nghiệp thống nhất phương pháp kê khai, xác định số thuế VAT, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường phải nộp/ đã nộp/ còn nợ phải nộp và phương án thanh toán dần nợ thuế. Quan điểm của UBND tỉnh là ủng hộ chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục để công ty khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính. Công ty có trách nhiệm làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để xin cấp hóa đơn lẻ cho từng lần bán sản phẩm; đồng thời phải thực hiện kê khai, nộp đầy đủ các khoản thuế mới phát sinh vào ngân sách nhà nước đúng quy định. Doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách huy động các nguồn vốn để duy trì, tiếp tục đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, trả nợ thuế cho Nhà nước, thanh toán nợ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cung cấp nguyên vật liệu, vật tư hàng hóa, có cam kết lộ trình, mức nộp từng lần và có bảo lãnh của ngân hàng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng khẳng định, chính quyền sẽ tạo điều kiện để công ty tái cơ cấu hoạt động sản xuất, chỉ đạo các cơ quan chức năng giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước cũng như tại địa phương... Tuy nhiên, về phía mình doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trước khi hoạt động sản xuất trở lại, đặc biệt là các điều kiện về đảm bảo an toàn tuyệt đối về cháy nổ, hóa chất, an ninh, môi trường. “Lãnh đạo công ty phải tuyệt đối công khai các thông tin liên quan về địa điểm xây dựng, thời gian tổ chức hoạt động cho các sở, ban ngành và người dân địa phương biết để theo dõi, giám sát. Mặt khác, công ty cần tập trung giải quyết các chế độ đối với người lao động, các khoản nợ với khách hàng, nhà cung cấp và những cam kết với địa phương” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng lưu ý.
Sự hồi sinh của nhà máy vàng Phước Sơn chưa thể nói trước điều gì, nhưng ít nhiều cho thấy chuyển động tích cực do có sự liên doanh làm ăn của nhiều nhà đầu tư mới. Điều quan trọng, theo lãnh đạo tỉnh nếu doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết thì ngoài việc Nhà nước lấy được tiền nợ thuế, tình trạng khai thác vàng trái phép, ô nhiễm môi trường... cũng sẽ được khắc phục.
TRẦN HỮU