Một thời gian dài cây quế Trà My là cây lâm sản giá trị kinh tế rất cao, được biết với cái tên “Cao sơn ngọc quế”. Nhưng cách đây 5 năm, người trồng quế lao đao vì sản phẩm làm ra bán không được. Để tháo gỡ khó khăn, ngành chức năng và địa phương đã có nhiều giải pháp để vực dậy thương hiệu “quế Trà My” nổi tiếng một thời.
Nỗ lực gìn giữ những vườn quế gốc ở xã Trà Leng. Ảnh: B.T |
“Cao sơn ngọc quế”
Cây quế từ lâu đã bén rễ, đâm chồi trên những ngọn núi cao của các xã vùng cao huyện Nam Trà My. Quế Trà My được đồng bào Ca Dong, Xê Đăng rất quý trọng, xem đó như một loại “cây thiêng”. Nhưng suốt cả một thời gian dài, người dân ở đây phải chịu cảnh giá cả xuống quá thấp, nhiều lần đồng bào vùng cao này có ý định chuyển sang trồng các cây lâm sản khác như keo, khiến nhiều diện tích quế giống hàng chục năm tuổi bị đốn hạ. Ông Đinh Mươk - Chủ tịch Hội Sâm núi Ngọc Linh và Quế Trà My nói: “Chung quy bây giờ cây quế Trà My không phải của riêng ai mà là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị, vì quế góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nếu chúng ta không vực dậy cây quế thì khó lắm, khi cây quế là thương hiệu ở Trà My”.
Nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, xã Trà Leng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho cây quế sinh trưởng và phát triển. Xã Trà Leng hiện có 722ha đất trồng quế với thời gian từ 5 - 20 năm tuổi và là địa phương có diện tích trồng quế lớn nhất của huyện Nam Trà My. Hầu như hộ nào trong xã Trà Leng cũng trồng quế, vườn nhỏ thì vài sào, những vườn quế gốc rộng lớn thì cũng vài héc ta. Gia đình nào khi sinh con, bố mẹ sẽ trồng thêm một vườn quế làm của để dành, khi con cái lớn lên xây dựng gia đình sẽ cho con vườn quế đó để có vốn làm ăn. Nhờ nét văn hóa này nên người dân ở đây luôn tự hào về những cánh rừng quế thơm ngát hiếm nơi nào có được. Truyền thống tốt đẹp từ đời cha ông truyền lại luôn được đồng bào Ca Dong, Xê Đăng nơi đây lưu giữ và phát huy mạnh mẽ cho dù giá cả bấp bênh. Ông Hồ Văn Đề (thôn 3, xã Trà Leng) khẳng định: “Đời cha để lại cho đời con để mãi mãi như rứa, quế giải quyết đời sống trong gia đình. Có quế là có tất cả. Trà Leng nói chung và nhà bố nói riêng làm nhà đều nhờ vào cây quế. Người dân yêu quế vì quế rất có giá trị, một cây lâm sản đặc trưng của thế giới.”
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho hay: “Đồng bào các dân tộc Trà My lâu nay gắn với truyền thống trồng quế. Cụ thể là trong việc dựng vợ gả chồng thì người cha đều trồng một vườn quế để cho con mình có điều kiện về kinh tế. Mặc dù những năm qua giá quế bấp bênh nhưng với truyền thống người dân vẫn tự trồng, gieo ươm và ngày càng phát triển”.
Bảo tồn và phát triển
“Hiện nay nhu cầu về tinh dầu quế trên thế giới rất lớn. Các nước có nhu cầu về các sản phẩm trực tiếp như vỏ quế, hay một số sản phẩm được chế biến từ vỏ quế. Chúng tôi đã lấy mẫu nguồn vỏ quế từ Trà Leng, Trà Dơn, Trà Mai… về để chiết xuất ra tinh dầu quế thì chất lượng được đánh có giá trị rất cao, mở ra cơ hội xuất khẩu tinh dầu ra thị trường thế giới”. (Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam) |
Có thể khẳng định, xã Trà Leng là vùng chuyên canh cây quế. Trong mỗi vườn quế ở Trà Leng, người dân đều giữ lại một vài cây quế cổ thụ với mục đích lấy hạt, ươm thành cây con để bảo tồn nguồn gen quý của giống quế bản địa. Nguồn quế giống ở đây còn được huyện Nam Trà My lựa chọn cung cấp cho người dân các xã khác trồng nhân rộng. Hiện chính quyền xã Trà Leng tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền cho bà con tiếp tục đầu tư cho cây quế. Đồng thời xã đang đăng ký với huyện lựa chọn sản phẩm này để tham gia Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” OCOP. Đến năm 2020, xã Trà Leng phấn đấu nâng tổng diện tích trồng quế lên 1.170ha, trong đó sẽ tập trung xây dựng một vườn cây giống đạt tiêu chuẩn, phối hợp với các đơn vị chức năng mở những lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc, khai thác, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm quế cho bà con… Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: “Đối với công tác bảo tồn nguồn gen thì xã chú trọng vào những vườn quế gốc, có tuổi đời từ 15 đến 25 năm để có những hạt làm giống tốt nhất. Đồng thời khuyến cáo bà con không nên bán những vườn quế, chỉ tỉa thưa để giữ những cây cội. Xã thì thông qua các phiên chợ hằng tháng của huyện để quảng bá sản phẩm về cây quế Trà My”.
Thời gian gần đây, thông qua hội chợ sâm Ngọc Linh do huyện tổ chức, qua đó giới thiệu rộng rãi hơn nữa đặc sản “Cao sơn ngọc quế” của địa phương ra thị trường. Do đó, thời gian gần đây, thị trường quế đang sôi động trở lại, giá bán các sản phẩm từ quế đã dần có sự cải thiện, nhờ vậy mà người trồng quế có thể sống được từ cây quế. Sản phẩm chính của cây quế là vỏ quế và chiết xuất tinh dầu quế được sử dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu cho các loại bánh kẹo, rượu và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Sản phẩm của cây quế không những cung cấp cho nhu cầu trong nước mà còn là mặt hàng xuất khẩu được thị trường thế giới ưa chuộng.
Để giữ nguồn gen quý từ quế Trà My, huyện Nam Trà My đã xây dựng Đề án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế với diện tích gần 2.870ha. Đề án sẽ được triển khai tại 10 trên 10 xã, trong đó 3 xã Trà Mai, Trà Leng và Trà Dơn chiếm gần 1.900ha. Mục tiêu đến năm 2020, nâng tổng diện tích trồng quế toàn huyện lên 6.000ha. Hàng năm sẽ cung ứng ra thị trường hơn 3.600 tấn vỏ quế và 16.000 tấn cành, lá, nhánh để phục vụ cho nhu cầu chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu. Toàn bộ sản lượng quế thu hoạch nằm trong vùng Dự án sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói: “Hiện nay chúng tôi có liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thì người ta đã cùng đầu tư vào các khu vực có trồng quế giống, bảo hộ các sản phẩm quế của Nam Trà My. Tin tưởng rằng trong thời gian không xa, khi mà tỉnh, Chính phủ đầu tư thành vườn dược liệu quốc gia thì sản phẩm quế Trà My được bảo hộ mạnh mẽ hơn nữa, giúp cho bà con có một giá cả ổn định hơn”.
THÁI BÌNH - ĐỖ TRƯỞNG