Miền biên viễn Nam Giang những ngày cuối tháng 7, vài cơn mưa bất chợt; họ ngồi tựa cửa trong những căn nhà xập xệ, buông ánh mắt miết dài theo vách núi, hun hút.
Những người luôn mong muốn mình được “công nhận” là người Việt. Trong ảnh là vợ chồng Zơrâm Cung - Zơrâm Loại trước cửa nhà. |
Vùng này, có những thế hệ người muốn được rũ bỏ cảnh tạm trú dài hạn… Họ là kết quả của những cuộc hôn nhân không giá thú, từ những chuyến di cư tự do ở vùng biên Việt Nam và Lào.
Phận tạm trú
Mặt trời xuống núi, kéo chúng tôi đến thôn Đăk Ro (xã Đăk Tôi). Qua chiếc cầu tre nhỏ, tôi quay lại bấm máy, bé Pơloong Sa (8 tuổi) đưa tay trái lên cằm làm duyên, phía sau là bà ngoại và mẹ; bé hồn nhiên đến độ, quên bẵng những ghẻ mụn trên khuôn mặt và chạy đầy khắp cơ thể; chiếc áo cũ kỹ không còn phân biệt là vàng hay nâu, lấm lem màu thuốc tím. “Con bị bệnh gì thế?”- tôi hỏi. “Dạ con không biết, chú hỏi mẹ ấy”- Pơloong Sa quay nhìn mẹ. Nhưng cả bà ngoại Blúp Lợ (65 tuổi) và mẹ Un Liếp (26 tuổi) của bé cũng không biết là bệnh gì. Liếp thành thật: “Cháu nó bị bệnh mấy hôm nay, không có thẻ bảo hiểm để đi khám, nghe người ta bảo bệnh da liễu, nên ra trạm y tế xã nói họ bán thuốc về bôi, cả tuần rồi”. Liếc nhìn Sa, lâu lâu thấy cô bé gãi, nhưng hình như đã được dặn, cô bé không dám gãi mạnh và nhiều. Không nhăn nhó. Một trăm ngàn tiền thuốc mà Liếp mua cho con, là chị phải đi vay mượn, đã ngốn mất gần cả tuần ăn của 3 mẹ con chị.
Có thể Liếp không đoán được điều chúng tôi sắp hỏi. Nhưng nỗi mong mỏi đằng đẵng như bỗng chốc bật dậy, và chị nói điều mà chúng tôi đang thắc mắc: “Ở đây, những người như tụi em không có bảo hiểm y tế vì không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân. Tụi em sống với cuốn sổ tạm trú và lòng thương yêu của mọi người”. Nhà Liếp tềnh toàng, trống hơ trống hoác. Giọng Liếp buồn, vì chồng bỏ ba mẹ con chị để về lại Gia Lai, từ 2 năm trước. Hình như chuyện chồng bỏ đi, không còn làm Liếp đau đáu nữa. Bởi chị bảo, lúc nào cũng mong cho mình, cho con được có giấy tờ đầy đủ là người Việt. Chị muốn thoát kiếp tạm trú dài hạn!
Bà Blúp Lợ với cuốn sổ tạm trú cho cả gia đình. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Tôi chợt nhớ đến ánh mắt vô hồn nơi cửa nhà của vợ chồng anh Zơrâm Cung – chị Zơrâm Loại. Từ cuối năm 1994, họ vượt núi rừng từ đất bạn Lào để về Việt Nam sinh sống. Rồi trở thành người không quốc tịch. Và để thuận về lý, vợ chồng anh phải bấu víu lấy mảnh giấy tạm trú. Rồi con cái của vợ chồng anh, cũng tiếp phận tạm trú. “Chúng tôi muốn có hộ khẩu là người Việt. Chúng tôi muốn có chứng minh nhân dân là người Việt. Để con chúng tôi có giấy khai sinh là người Việt. Không muốn tạm trú nữa, buồn lắm. Chúng tôi là người Việt Nam mà”- Zơrâm Cung nói, như dốc lòng mình.
Những người quay về
Tâm sự của Cung, khiến tôi nhớ đến lời của ông Alăng Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tôi, rằng gốc của họ chính là người Giẻ Triêng của Việt Nam, nên thành ra họ luôn mong muốn mình được “công nhận” là người Việt Nam. Và trong lúc chúng tôi rời trụ sở xã, để theo chân Zơrâm Quyết đến thôn Đăk Ro, anh cán bộ tư pháp xã một lần nữa khẳng định điều trên, đồng thời cho hay Đăk Ro là thôn duy nhất ở Đăk Tôi có trường hợp hôn thú với người Lào, chính xác là 4 hộ. Cụ thể hơn, có 3 trường hợp là đàn ông Việt lấy vợ Lào; chỉ có 1 trường hợp vợ Việt lấy chồng Lào, và người chồng ấy đã mất cách đây vài năm. Tất cả họ, tính luôn con cháu là 22 nhân khẩu, đều đăng ký tạm trú ở Việt Nam. Ngược về những năm trước, khi Đăk Tôi chưa tách khỏi La Dêê, những người này có hộ khẩu hẳn hoi. Nhưng sau khi tách xã, qua mấy thủ tục hành chính, họ trở thành người không quốc tịch!
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 9.6.2015, UBND tỉnh đã tổ chức rà soát, xác minh để triển khai giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào, đoạn Quảng Nam – Sê Kông. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên hợp gồm các lực lượng Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, ban Dân tộc và chính quyền huyện Nam Giang để tiến hành rà soát, xác minh các đối tượng trên. Theo số liệu thống kê ban đầu, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 170 hộ với hơn500 nhân khẩu người Lào di cư tự do sang địa bàn tỉnh Quảng Nam. Có khoảng 50 hộ kết hôn không giá thú giữa người Việt Nam và Lào. Sau khi rà soát, xác minh, kết quả sẽ được chuyển lên cấp trên để được xem xét, tìm hướng giải quyết. |
Và như để khẳng định với chúng tôi, rằng mình vốn là người Việt, bà Blúp Lợ đưa chúng tôi xem chứng minh nhân dân của… cha bà với thông tin như sau: “Họ tên: Um Mơr; sinh ngày: 1934; nguyên quán (và nơi thường trú): Đắc Re, Giằng, Quảng Nam - Đà Nẵng”. Rồi bà Lợ kể, vào năm 1981, khi ấy gia đình bà sống ở xã Đăk Pre thì di cư sang Lào sinh sống. Đây vốn là tập quán của người Giẻ Triêng, cứ vài ba năm là chuyển chỗ ở một lần để khai phá đất mới làm rẫy. Tại Lào (bà Lợ không nhớ địa điểm chính xác), bà Lợ lập gia đình với một chàng trai bản địa là Hiên Thi. Người Giẻ Triêng có tục ở rể. Nên khi cha mất, bà Lợ đưa cả gia đình về lại Việt Nam sinh sống, vào năm 1983. Cha chết khi bà Lợ chưa kịp làm giấy tờ tùy thân theo cha. Sáu người con của bà đều lấy theo họ của Hiên Thi ở bên Lào, nhưng cũng không có giấy tờ gì, vì chồng bà đã chết. Từ đó đến nay, cả gia đình bà không được công nhận là người Việt, cũng không được công nhận là người Lào! Họ thuộc diện di cư tự do, kết hôn không giá thú.
Tôi hỏi: “Nhưng sao không ở luôn bên ấy, quay về làm chi cho mệt?”. Bà Lợ đáp: “Ở sao được mà ở, đó có phải là quê mình đâu. Vả lại, ở bên ấy đâu còn người thân nữa, họ chết hết rồi mà. Người Giẻ Triêng mình, hồi trước sống kiểu di cư tự do, nhưng dù có đi xa mấy, lâu mấy rồi cuối cùng cũng trở về quê hương của mình”. Cũng chắc vì nghĩ vậy, và vì cái ăn cái mặc cứ ghì chặt mãi, nên họ chẳng để ý gì đến giấy tờ tùy thân. Nên đến khi cái ăn cái mặc vẫn còn… đeo đuổi, họ mới thấy giấy tờ chứng minh quan trọng.
Bé Pơloong Sa với ghẻ mụn khắp người. |
“Phải ở Việt Nam chứ”
Đó là khẳng định của những người không quốc tịch mà chúng tôi gặp. Bởi, như ở trên đã nói, là họ quay về. Quay về, nghĩa là họ muốn không muốn sống đời lang bạt nữa. Họ bảo, ở đây, ngoài mấy cái khổ liên quan đến giấy tờ, tính ra cuộc sống của họ không còn quá bấp bênh, được xóm làng bao bọc. Do tạm trú, nên các chế độ chính sách của người Việt, họ đều không được hưởng. Chẳng hạn như khám sức khỏe, cấp phát thuốc, muối, gạo… “Nhưng cũng đỡ là người mình ở đây thương nhau lắm. Biết chúng tôi không có giấy tờ, không được gì cả, nên sau khi được nhận, họ góp mỗi người một ít để chia sẻ cho chúng tôi. Quý nhau cái tình lắm”- Zơrâm Loại cho hay. Chỉ đợi có thế, bé Pơloong Sa thêm vào: “Ở trường, mỗi khi được sách vở, các bạn cũng chia cho con. Nhiều khi còn có bánh kẹo nữa”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tôi, ông Alăng Minh cho biết những người này chấp hành rất tốt pháp luật Việt Nam, tham gia các hoạt động mang tính cộng đồng rất hăng say. “Ngoại trừ giấy tờ, bản thân họ luôn ý thức mình là người Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn những trường hợp của họ sớm được giải quyết, bởi sống cảnh tạm trú, họ khổ lắm. Đời sống của họ vốn đã cực nhọc rồi. Về phía xã, chúng tôi chỉ dừng lại ở mức độ rà soát, xác minh mà thôi. Còn quyết định như thế nào, là ở cấp trên”- ông Minh cho hay.
XUÂN KHÁNH