Vui buồn… "nhà" cụ Huỳnh

LÊ QUÂN 22/10/2016 08:45

Ba địa điểm, ba căn nhà - di tích. Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi. Mỗi nơi, đều có những chỉ dấu nhắc nhớ về tài năng, tiết tháo một bậc danh nhân. Và cũng ở đó, những hiển vinh của quá khứ, hay những đau đáu từ thời cuộc… vẫn hiện diện, vẫn sáng ngời mặc cho bụi bặm và dâu bể thời gian. Nhưng có lẽ, vẫn còn nhiều ưu tư, trăn trở về việc bảo tồn, phát huy những giá trị di tích, di vật về cụ Huỳnh Thúc Kháng…

Góc lưu giữ ký ức

Vườn tược như xanh hơn. Trái thanh trà đã bắt đầu mọng nước. Cây cam đầu ngõ quả bói trĩu cành. Hàng chè tàu ngay lối dẫn vào nhà cụ Huỳnh đều tăm tắp như bao nhiêu năm trôi vẫn vậy… Và dầu là ở ngay quê hương nơi cụ sinh thành - Quảng Nam, hay nơi cụ yên giấc ngàn thu - Quảng Ngãi, đều có những hàng cây rợp bóng…

“Mính Viên” - nhà của kẻ sĩ

Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, trước khi thành di tích cấp quốc gia, là một căn nhà của họ tộc, của tình thân, của nơi bàn việc Duy tân. Hay đúng hơn, tấm lòng và khí tiết của cụ đã nhận được sự tôn kính cũng như ngưỡng vọng từ người trong tộc và những người dân vùng trung du xứ Quảng… Chọn tên hiệu Mính Viên, như cái cách cụ chọn mang những yên ả của ngày thơ tại quê nhà để đi suốt cuộc đời cùng vận mệnh nước non. Một không gian nhà vườn vùng đồi trung du lúp xúp những bụi chè tàu bao bọc. Có lẽ vườn chè của làng Thạnh Bình xưa, nơi những ngày cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn là một cậu bé Huỳnh Hanh mê chữ nghĩa, sắc sảo trong lời ăn tiếng nói, nơi đã từng đón những người bạn tâm giao tài cao chí lớn của cụ, như Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, những nhân sĩ của phong trào Duy tân…, đã thay đi đổi lại nhiều lần. Dầu vậy, nét xanh vẫn ươm đầy vùng đất. Một gian nhà mà ngay ở thế ngự trị, với “phía trước mặt là cánh đồng lúa cùng những sông suối nhỏ, xa xa là những dãy núi cao như bức bình phong”, đã khiến lòng người dấy lên những xúc cảm bình an.

Bàn thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại nhà lưu niệm ở xã Tiên Cảnh, Tiên Phước. Ảnh: LÊ QUÂN
Bàn thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại nhà lưu niệm ở xã Tiên Cảnh, Tiên Phước. Ảnh: LÊ QUÂN

Một căn nhà ba gian hai chái với kiến trúc độc đáo của nhà ở truyền thống Quảng Nam, được đặt trong không gian xanh, với hai bên nhà và sau lưng là vườn chè và cây trái, khoảng sân đất nện trước hiên, nay đã thay bằng sân gạch, đặt một bể cạn - nay cũng đã thay mới. Nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận, chính không gian sống này là nơi lý tưởng để trau dồi kinh sử, hun đúc tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó để cụ trở thành vị tiến sĩ Hán học nổi tiếng và là đại diện xuất sắc trong các nhân sĩ kiệt hiệt hết lòng vì nước, thương dân của vùng đất Hà Đông xưa. Không chỉ có vậy, kiến trúc và bài trí ngôi nhà của cụ, mang một tinh thần minh triết phương Đông không bao giờ cũ, con người hòa mình vào thiên nhiên, trong một không gian xanh, thân thiện. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng là công trình kiến trúc truyền thống đặc trưng của vùng trung du Quảng Nam, với những giá trị đặc biệt cả về mặt kiến trúc lẫn tầm ảnh hưởng trong đời sống. Và dẫu qua bao sự bào mòn của thời gian, căn nhà cũ đã nhiều lần được trùng tu, nhưng riêng bộ khung sườn được làm bằng gỗ mít, thi công bởi những người thợ mộc có tay nghề cao về điêu khắc gỗ và xây dựng, vẫn được giữ lại nguyên trạng.

Dõi theo “giấc nghìn thu”

Nhiều người coi điều này như một sự kỳ thú, khi ở ngay vùng Chợ Chùa - Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, nơi cụ Huỳnh dừng chân những ngày tháng cuối đời, cũng là một miền bán sơn địa nhiều chè xanh và mai vàng như quê hương Thạnh Bình - Tiên Phước. Và ở Khu lưu niệm Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Trung Bộ, một ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ, cụ Huỳnh trút hơi thở cuối cùng. Căn nhà của bà Võ Thị Tuyết, thôn Phú Bình (xã Hành Phong, Nghĩa Hành) là nơi lưu giữ hiện vật trong khoảng thời gian cụ Huỳnh ngụ tại đây. Ông Nguyễn Lãnh, người trông coi nhà lưu niệm cho biết, trước kia bà nội của ông - cụ Nguyễn Thị Yên là người trực tiếp lo cơm nước kể từ lúc cụ Huỳnh vào ủy ban và sống cùng nhà với gia đình bà. Sau, nhiệm vụ đó được giao lại cho con dâu của bà là Võ Thị Tuyết - mẹ của ông Lãnh. Rồi khi mẹ già yếu và qua đời, việc trông coi ngôi nhà do ông Lãnh đảm trách. Giữa vườn là ngôi nhà nhỏ mái tranh, vách đất, bên trong, án thờ cụ Huỳnh được đặt trang trọng giữa gian nhà, nhiều hiện vật vẫn còn lưu giữ như bộ trường kỷ, bộ phản gỗ, cùng các vật dụng thường dùng hàng ngày. Từ ngõ vào là hai hàng cau thẳng tắp, ngôi nhà ẩn sau những cây nhãn sum sê, xanh mát, trước sân còn một giếng xưa, phía sau góc vườn là căn hầm tránh bom… Ông Lãnh cho biết, cả không gian được giữ nguyên vẻ đơn sơ, giản dị như lúc cụ Huỳnh còn sống.

Ông Lê Hồng Khánh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, với người Quảng Ngãi, sự tôn kính và tấm lòng dành cho cụ Huỳnh bắt đầu từ sự ngưỡng vọng về cuộc đời cụ. Mối quan hệ gắn sâu giữa cụ Huỳnh với Quảng Ngãi có lẽ bắt đầu từ chuyến Nam du của cụ những năm 1905, khi cụ tiếp xúc với nhiều nhân sĩ Quảng Ngãi. Năm 1908, ngay khi nổ ra phong trào Kháng thuế cự sưu, Quảng Nam, Quảng Ngãi là nơi có phong trào mạnh mẽ nhất. Sau này, khi bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo, cùng lúc nhiều chí sĩ Quảng Ngãi bị đày ra đó, thì đã kết thân với cụ Huỳnh. Thời kỳ cụ Huỳnh làm báo Tiếng Dân cũng có rất nhiều mối gắn bó với giới nhân sĩ cũng như người dân Quảng Ngãi. Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Huỳnh lại thêm một lần nữa gắn bó khi ông về với Quảng Ngãi trong vai trò là người đại diện chính phủ, tạo ra mối đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp người dân. “Với một mối quan hệ khắng khít như vậy, nên khi cụ Huỳnh mất tại Quảng Ngãi, niềm tiếc thương của nhân dân và chính quyền Quảng Ngãi rất sâu đậm. Chỉ riêng việc đưa di hài cụ Huỳnh lên núi Thiên Ấn là một biểu hiện cho thấy sự tôn kính và tấm lòng của người dân Quảng Ngãi, bởi Thiên Ấn là đệ nhất thắng cảnh, là ngọn núi thiêng đối với người Quảng Ngãi, trong tâm thức của giới có học lẫn người dân, Thiên Ấn là ngọn núi thiêng” - ông Khánh nói. Mộ cụ Huỳnh là sự kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông phương, ngôi mộ vừa có đường nét đơn giản, vừa có được sự trang trọng nghiêm kính, gắn bó hữu cơ với tổng thể cảnh quan Thiên Ấn. Năm 1990, núi Thiên Ấn - chùa Thiên Ấn - mộ cụ Huỳnh đã được Bộ VH-TT xếp hạng di tích quốc gia.

LÊ QUÂN

Nhếch nhác trụ sở Tiếng Dân

Riêng câu chuyện trụ sở Báo Tiếng Dân vẫn còn là mối trăn trở với những người xứ Quảng. Một năm nữa, sẽ tròn 90 năm ngày Báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút ra số đầu tiên (1927). Căn nhà nơi dùng làm tòa soạn báo thuở ấy vẫn còn ở đó, ngay con đường mang tên cụ tại TP.Huế. Nhưng buồn thay, những đổ nát đã thay lời hiện tại…

Tiếng Dân, vẫn còn đó nguyên giá trị của một tờ báo “Tiếng như sấm đất vang, mới bao năm gió Mỹ, mưa Âu, mấy cuộc bể dâu, ngọn sóng nhảy tràn bờ cõi. Dân là con trời cả, riêng một cõi mầm Hồng, chồi Lạc ngàn trùng non nước, khí thiêng hộ giống nòi chung”. Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ, thể hiện khí khái của một người Quảng Nam biết nhận chân sự đời, rằng tờ báo này, sẽ phải nói được “mộng” dân quyền - dân sinh - dân trí, như cái tinh thần Duy tân mà trước đó các cụ đã khởi xướng. Và duy nhất cụ Huỳnh làm được, ngay ở TP.Huế dưới những kiểm soát gắt gao. Và làm đến tận 16 năm, với những số báo có những chỗ bị đục để trống, có chỗ hiện diện hai từ Kiểm duyệt, hẳn như một thách thức? Câu chuyện làm báo Tiếng Dân cho thấy “tinh thần gang thép” trong cung cách làm và điều hành tờ báo của cụ. Và cuộc đời, thì luôn có những cuộc bể dâu. Để mấy chục năm sau, hậu thế cùng ngậm ngùi về một “dấu triện” của báo chí nước nhà hoang tàn đến thương xót.

Ngay trên con đường mang tên cụ ở TP.Huế, oái ăm thay, căn nhà cũ kỹ và đổ nát nhất lại là trụ sở Báo Tiếng Dân xưa. Đây cũng từng là trụ sở của Hội đồng châu Quảng Nam - cụ Huỳnh dùng làm ký túc xá cho những sinh viên Quảng Nam ra Huế học. Tuy nhiên, không ai có thể tưởng tượng hay hình dung được, một di tích quan trọng như vậy, ít ra cũng là phần ký ức một giai đoạn của nước nhà, và cũng của Huế, lại để nhếch nhác đến vậy. Một căn nhà với kiểu kiến trúc Pháp nối dài từ mặt đường Huỳnh Thúc Kháng đến Phan Đăng Lưu, có chỗ thì rêu bám, chỗ thì trống mái lợp, tường vôi loang lổ. Ngay cả cách bố trí sinh hoạt của những hộ dân trong khu nhà cũng khiến người nhìn vào khó chịu. Sự mục rã và cả sự bào mòn của thời tiết khắc nghiệt hiện diện khắp nơi. Sau năm 1975, khu nhà này được bố trí cho một số cán bộ của Trường Đại học Y dược Huế ở. Đến năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới có quyết định tiếp nhận khu tập thể ở 193 Huỳnh Thúc Kháng thành quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và sau đó giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý.

Nhiều năm nay, đã có rất nhiều nhà báo cũng như người nhà cụ Huỳnh lên tiếng về hiện trạng di tích trụ sở Báo Tiếng Dân. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, chia sẻ: “Trong tòa soạn Báo Tiếng Dân vẫn còn 6 hộ đang sinh sống. Chúng tôi đã ra tận nơi gặp họ và nghe những nguyện vọng của họ. Những hộ dân này muốn được nhà nước bố trí cho họ nơi ở mới để dời đi. Tuy nhiên, TP.Huế vẫn chưa giải quyết rốt ráo chuyện bố trí chỗ ở cho họ. UBND tỉnh, UBND huyện đã có nhiều công văn đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế can thiệp và nhanh chóng bố trí chỗ ở để các hộ này di chuyển và có kế hoạch hỗ trợ tu bổ di tích”. Trong khi đó, cha con ông Huỳnh Văn Thoàn, vẫn còn giữ rất nhiều giấy tờ liên quan về nhà đất, quyền sở hữu tại căn nhà số 193 Huỳnh Thúc Kháng (trụ sở Báo Tiếng Dân) và căn nhà cụ Huỳnh sống ở số 103 Huỳnh Thúc Kháng. Ông Huỳnh Toản - cha ông Huỳnh Văn Thoàn trước đây đã nhiều lần khăn gói ra Huế, ra tận Hà Nội để “đòi” một sự quan tâm cho các di tích này. Đến bây giờ, khi cụ Toản mất, ông Thoàn vẫn khẳng định sau khi chuyện nhà cửa êm xuôi, ông cũng sẽ tiếp tục đi để hoàn thành tâm nguyện của cha mình.

Về di tích trụ sở Báo Tiếng Dân, ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khó khăn kinh phí và quỹ đất giải tỏa các hộ dân đang cư trú tại đây là trở lực cho việc bảo tồn di tích này. “Hiện di tích này được Trường Đại học Y dược sử dụng cho cán bộ, nên chúng tôi mong muốn UBND TP.Huế sớm giải tỏa, đưa các hộ này ra khỏi khu di tích. Lúc đó công tác bảo tồn và lập hồ sơ di tích mới thuận tiện được” - ông Hùng chia sẻ. Trong khi đó, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay, tỉnh chỉ có thể gửi văn bản “thúc giục” Huế có chủ trương và nhanh chóng lập hồ sơ công nhận di tích cấp quốc gia cho nhà số 193 Huỳnh Thúc Kháng, từ đó mới có phương án bảo tồn. “Mọi quyết định thuộc về tỉnh Thừa Thiên Huế vì họ là chủ sở hữu di tích. Phía Quảng Nam không thể can thiệp” - ông Hài nói.

Cuối năm 2012, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT&DL làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế để bàn về việc lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho trụ sở Báo Tiếng Dân. Đến cuối năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới có quyết định sẽ lập hồ sơ và đồng ý với UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện tu sửa trụ sở này. Nhưng đến nay việc vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Đâu là nguyên nhân khiến di tích có ý nghĩa lịch sử - xã hội quan trọng này chưa được công nhận? Ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Theo Thông tư 09 của Bộ VH-TT&DL về việc xếp hạng di tích thì các đơn vị trực tiếp quản lý di tích hàng năm phải rà soát, lập danh sách báo cáo về Sở VH-TT&DL, rồi thông qua bảo tàng chúng tôi đưa vào kế hoạch hàng năm lập hồ sơ di tích. Tuy nhiên, đối với di tích tòa soạn Báo Tiếng Dân, suốt 2 - 3 năm nay chúng tôi vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào của Phòng VH-TT TP.Huế”. Còn thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh này, từ năm 2013, UBND TP.Huế đã thông báo chủ trương thu hồi khu đất tại nhà đất số 193 Huỳnh Thúc Kháng nhằm đảm bảo tính mạng cho các hộ đang ở tại đây. Đến năm 2014, UBND tỉnh này ban hành quyết định phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng khu đất với tổng diện tích là 294,9m2, đối tượng được hưởng là 6 hộ dân đang sinh sống trong căn nhà. Từ đó đến nay đã có nhiều cuộc họp, góp ý về phương án di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ này.

Thông tin mới nhất chúng tôi có được, ngày 9.9 vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với chính quyền địa phương đến hiện trường khu nhà đất và phát hiện 2 hộ ở tầng 2 khu nhà đã di chuyển đi nơi khác và 2 hộ này đã tự tháo dỡ toàn bộ phần mái của căn hộ. Khó khăn lớn nhất mà trung tâm này đưa ra khi di dời, tái định cư cho các hộ đang ở trong di tích, là vướng mắc cơ chế bồi thường. Mặt khác, để di dời các hộ dân và tôn tạo lại di tích, thành phố cần kinh phí và một quỹ đất tái định cư. Hiện tại, nguồn lực để thực hiện công tác này đang là bài toán nan giải của TP.Huế.
Vậy là câu chuyện hồi phục trụ sở Báo Tiếng Dân vẫn còn phải đợi…

LÊ QUÂN - TIỂU BẢO

Dài theo chuyện di tích

Bên cạnh việc bảo tồn khu lưu niệm, di tích liên quan đến cuộc đời cụ Huỳnh tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, vẫn còn đó những ưu tư làm sao để các di tích này “xứng tầm” với công tích của cụ.

Một đề án quy hoạch, mở rộng diện tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh từ 1.700m2  hiện có lên đến hơn 2ha cùng các hạng mục nhà trưng bày, nhà để xe, vườn tược… với kinh phí 50 tỷ đồng đã được trình UBND tỉnh và đang tiếp tục chờ ý kiến thông qua từ trung ương. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Mục đích của đề án là để đảm bảo điều kiện về cảnh quan, diện tích mặt bằng bố trí những hạng mục trong quy định của di tích quốc gia, phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu lưu niệm. Đồng thời là điểm giáo dục cho thế hệ trẻ và phục vụ cho các công tác nghiên cứu khoa học sau này”. Cùng với đó, là những cuộc sưu tầm hiện vật được mở rộng ra trên khắp đất nước, nhiều nhất là các số báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh làm chủ bút.

Căn nhà nơi cụ Huỳnh sống những năm cuối đời ở Quảng Ngãi. Ảnh: L.QUÂN
Căn nhà nơi cụ Huỳnh sống những năm cuối đời ở Quảng Ngãi. Ảnh: L.QUÂN

Năm 1990, Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Và việc trùng tu tiếp tục được thực hiện, từ những hạng mục như thay mái ngói, cải tạo nhà thờ, kè đá, sân gạch, vườn cây… Nguyên trạng, đây là ngôi nhà ba gian hai chái với sườn nhà làm bằng gỗ mít vườn, tường đất, nền đất, mái đất, lợp tranh. Hai đầu nhà là 2 phòng lồi, phía phải là phòng sinh hoạt, nghỉ ngơi, phía trái là phòng đọc sách. Cùng với đó là các di vật quý của gia tộc họ Huỳnh như biển ân tứ vinh quy, hai câu liễn, bể cá, bàn làm việc, bộ lư đồng…  Qua quá trình trùng tu, nhiều hạng mục có giá trị về kiểu thức, kiến trúc đặc trưng đã không giữ được nguyên gốc. Bể cạn gốc - một hiện vật của di tích gắn với nhiều giai thoại, câu chuyện lịch sử về cuộc đời cụ - được thay bằng bể cạn mới. Nền đất nện - sân đất là một nét văn hóa đặc trưng của vùng trung du Tiên Phước đồng thời phản ánh sự giản dị của cụ Huỳnh - đã thay thế bằng sân gạch…

Với câu chuyện mở rộng thêm khuôn viên phần mộ cụ Huỳnh cùng những hạng mục như xây thêm nhà thờ cụ tại núi Thiên Ấn, ông Lê Hồng Khánh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, lễ tục của người Việt không có chuyện nhà thờ xây bên mộ. Cộng với đó, không gian và vị trí của ngôi mộ hiện tại đã quá đẹp, khi từ đây có thể nhìn bao quát xuống TP.Quảng Ngãi. “Nếu xây nhà thờ hoặc các hạng mục mang tính chất du lịch hành hương vào không gian này là hoàn toàn không nên, vì nó không mang theo giá trị nghiên cứu, lại ảnh hưởng đến không gian chung của cả khu vực” - ông Khánh nói. Cũng theo ông Khánh, điều cần thiết bây giờ là chính quyền tỉnh Quảng Ngãi nên tập trung đầu tư cây xanh, dẹp bỏ những hàng quán ngay phía dưới chân núi cũng như quản lý tốt những người buôn bán ngay trước lối vào mộ.

Phần bên trong, sức sống của một khu lưu niệm, sự ám ảnh của người tìm về còn những điều chạnh lòng. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng bộc lộ cảm nghĩ: “Nhà lưu niệm cụ Huỳnh chỉ còn lơ thơ mấy số báo Tiếng Dân và một vài hình ảnh, bút tích sơ sài. Chăm sóc nhà lưu niệm và tiếp khách đến tham quan là một người bà con trong họ, gọi cụ Huỳnh bằng ông. Một khu lưu niệm như vậy liệu đã xứng đáng nói lên tấm lòng của người hậu thế đối với một nhà báo lỗi lạc, một nhà cách mạng như cụ Huỳnh Thúc Kháng?”. Những câu chuyện cuộc đời cụ có quá nhiều giá trị, đến tận bây giờ vẫn còn ấm nóng. Nên chăng, ngoài những đầu tư cần thiết về không gian, cần dành nhiều hơn sự quan tâm để bên trong căn nhà phong phú về hiện vật hơn, có chiều sâu hơn.

Cũng như vậy, khi chúng tôi tìm đến di tích Khu lưu niệm Ủy ban Hành chính kháng chiến tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, vào ngay tại ngôi nhà cụ bà Võ Thị Tuyết, thì sự sơ giản về hiện vật cũng như hiện trạng căn nhà, khiến lòng không khỏi bồi hồi. Cháu trai đầu cụ Tuyết cho biết, đã 5 năm rồi vẫn chưa thấy sửa sang lại phần mái tranh đã dột nát khá nhiều. Cùng với đó, không có hiện vật cũng như thiếu người hướng dẫn cho khu lưu niệm, khiến di tích có phần quạnh quẽ… Tại phần mộ cụ Huỳnh ở núi Thiên Ấn, sau nhiều năm đưa bản đề án quy hoạch mở rộng và xây mới thêm nhiều hạng mục, vẫn không thể thực hiện được, và vẫn còn nhiều ý kiến phản bác.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vui buồn… "nhà" cụ Huỳnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO