Chủ nhật vừa rồi, Tư tôi ghé thăm vợ chồng anh Hai Trà Đình ở xã Quế Phú thuộc huyện Quế Sơn.
Nghe hỏi về chuyện phát triển kinh tế hộ, anh Hai hồ hởi nói: “Khoảng 6 năm trở lại đây, nhờ mô hình nuôi heo nái sinh sản mà gia đình tui có nguồn thu nhập tương đối cao. Gần năm nay, cả 3 con heo nái của tui đều an toàn trước sự hoành hành dai dẳng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hồi cuối tháng 3 dương lịch, 3 con heo nái đó đồng loạt đẻ với tổng số lượng 33 con. Nuôi heo con được tháng tuổi, dịp nghỉ lễ vừa qua tui kêu thương lái đến bán trọn gói và thu về hơn 35 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái”.
Chia tay anh Hai Trà Đình, lên xã Bình Định Bắc của huyện Thăng Bình, Tư tôi nghe chị Sáu Đồng Dương than phiền về chuyện gặp khó trong việc tái đàn heo sau dịch. Chị Sáu cho biết, 4 năm nay, vợ chồng chị nuôi 2 con heo nái để tạo nguồn heo con giống tại chỗ phục vụ mô hình chăn nuôi heo thịt thương phẩm. Bình quân hằng năm 2 con heo nái đẻ 38 - 44 con heo con và chị để toàn bộ lại nuôi thịt, thu về khoảng 110 - 140 triệu đồng/năm. Trừ chi phí còn lại lãi ròng 60 - 85 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, gần cuối tháng 6 năm ngoái, dịch tả lợn châu Phi ập tới khiến 2 con heo nái của chị Sáu bị nhiễm bệnh chết. Bỏ trống chuồng trại suốt thời gian dài nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, vì vậy chị Sáu quyết định đầu tư tái đàn heo.
“Sau khi rắc vôi bột và phun hóa chất sát trùng chuồng trại, cách đây vài ngày tui xuống chợ Hà Lam hỏi mua vài con heo con về thả nuôi thịt. Nghe thương lái nói con heo con với trọng lượng khoảng 4 - 4,5kg có giá 1,2 triệu đồng mà tui sững sờ. Cũng may vừa gặt lúa xong bán 5 tạ được 3 triệu đồng, thêm ít tiền để dành bấy nay mới đủ 3,6 triệu đồng mua 3 con heo con về nuôi, chớ không lấy chi tái đàn” - chị Sáu Đồng Dương chậc lưỡi.
Trao đổi với Tư Ruộng vào sáng qua 4.5, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, trước khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn Quảng Nam, tại 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có tổng cộng 68.737 con heo nái các loại. Từ giữa tháng 5.2019 đến nay, dịch bệnh này đã khiến 50.340 con heo nái ở nhiều địa phương bị nhiễm bệnh chết hoặc phải tiêu hủy bắt buộc (chiếm tỷ lệ 75,67% tổng đàn heo nái trên toàn tỉnh). Do đàn heo nái bị thiệt hại nghiêm trọng nên hiện nay số lượng heo con cung ứng trên thị trường khá ít, từ đó đẩy giá bán tăng chóng mặt. Đây là khó khăn lớn đối với nhiều hộ chăn nuôi trong việc đầu tư tái đàn heo tại thời điểm này.