Từ thời đi học, có người mê chơi tem, có người mê chơi chim, chơi cá, có người thích đánh đàn... Có đam mê chỉ theo ta một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, rồi được thay bằng đam mê khác. Nhưng cũng có những đam mê theo ta đến tận cuối đời.
Chơi cờ tướng, thú đam mê của nhiều cụ già. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Con người vào đời, đầu tiên là phải loay hoay vì cái nợ áo cơm. “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Cái nợ áo cơm đó lắm khi không chỉ bắt ta nhọc thân, mà còn làm ta khổ tâm nữa. Nhưng có rất nhiều người, ngay giữa nhọc nhằn cơm áo, vẫn luôn say sưa sống với đam mê, như một thú vui tinh thần. Con người vốn yếu đuối, nên có lẽ ai cũng có một đam mê nào đó trước cõi trần gian vồn tràn đầy hương sắc. Chính những đam mê nho nhỏ đó đôi khi lại giúp con người nhận ra ý nghĩa đời giữa bao phiền não, nhọc nhằn. Nhiều người cho rằng phải có nhiều tiền mới có thể theo đuổi đam mê. Nhưng, hình như người giàu luôn bận rộn theo tiền bạc, nên họ là những người ít hưởng thụ thú vui tinh thần nhất.
Mê rượu? Điều đó có thể được xem như là mặc nhiên đối với những đàn ông có chút nam tính. Mê rượu vẫn có ích nếu ta biết dùng nó như một thứ trợ hứng để nâng cao cảnh giới tinh thần. Mê rượu để lấy hứng làm thơ, chơi nhạc... thì hà cớ gì mà không mê rượu?
Mê trà? Đây là thú vui được xem là tao nhã ở phương đông. Mấy ai lại chẳng nhớ đến lão ăn mày trong tập truyện Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân? Làm thân kẻ ăn mày, đến nhà người ta kiếm miếng ăn, nhưng chỉ xin một “chén chè tàu”. Uống xong còn phẩm bình trong trà còn lẫn mùi trấu, khiến chủ nhân phải một phen kinh hãi, mà nhận xét: “Tôi chắc cái lão ăn mày này đã tiêu cả một cái sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn nên hắn mới sành thế và mới đến nỗi cầm bị gậy”. Ấy cũng là giai thoại về cái lụy của sự đam mê.
Mê đọc sách? Quá tốt, nếu ta biết tỉnh táo để tiêu hóa kiến thức, đừng để biến thành con mọt sách cố chấp – một căn bệnh nguy hiểm vẫn xoi mòn cốt tủy rất nhiều người đọc sách suốt cổ kim. Ðọc sách, từ xa xưa, vẫn được coi là một trong thú vui tao nhã trên đời. Có người đọc sách để trau dồi kiến thức, có người đọc sách để tìm chút thư thái bình an, có người đọc sách để tìm chốn “an thân lập mệnh”, có người đọc sách để quên đi cảnh muộn phiền.
Mê nuôi chim? Mê cây cảnh? Cũng như đọc sách để di dưỡng tinh thần, trồng cây cảnh là để dưỡng trí; nuôi chim, cá là để dưỡng nhân. Nếu các bạn, trong dịp đến chơi nhà của chủ nhân nuôi chim nào đó, được chủ nhân dẫn đi thật nhẹ ra sân vườn để đến bên những lồng chim, bắt bạn im lặng để nghe chim hót, rồi say sưa phân tích sự khác biệt cùng điểm độc đáo trong từng điệu hót thì các bạn sẽ hiểu thế nào là giá trị của đam mê!
Mê danh vọng? Cũng chấp nhận được, miễn sao phải tự cảm thấy mình có xứng đáng với cái tên tuổi đó không, hay chỉ hoài công theo đuổi một chút hư danh. Cho đúng với tinh thần của câu thơ cụ Trần Bích San: “Hữu thức phi nan, nan thức đáo; Vô danh bất hoạn, hoạn danh phù.” (Để hiểu biết không khó, cái khó là phải biết cho đến nơi đến chốn. Đừng lo không có danh vọng, cái đáng lo là chỉ có cái hư danh hão huyền). Mê danh vọng, nhưng không để lụy vì chút phù danh, mà biết dựa vào cái danh vọng đó để giúp đời thì đó lại là một điều hay, không dễ mấy ai làm được.
Có một đam mê nào đó để tìm thú vui tinh thần là một niềm hạnh phúc của con người. Sống mà chỉ biết cắm cúi kiếm tiền, không có được một đam mê nào cả thì cuộc đời trở thành đơn điệu tẻ nhạt, uống phí một phen làm người giữa cõi trăm năm. Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu/ Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người… (Huy Cận - Quanh quẩn).
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong bài “Đêm thấy ta là thác đổ”, có một câu mà tôi rất thích: “Đời tôi hết mang điều mới lạ, tôi đã sống rất ơ hờ.” Ta có cảm giác như nghe câu nhạc rất đỗi “ơ hờ” kia đang hòa điệu cùng các câu thơ Huy Cận trong vòng đời “quanh quẩn”, giữa một cuộc sống “tẻ nhạt như tàu không đổi chuyến”. Có đam mê, nghĩa là có háo hức đợi chờ, có vui mừng và thất vọng, có hân hoan lẫn khổ đau, ta mới thấy cuộc đời có thêm nhiều điều mới lạ. Mà có thêm nhiều điều mới lạ thì cõi đời mới thêm phần hương vị, để ta có thể, giữa bao khổ lụy, bao mệt mỏi với phận người, mang hình hài đi trọn cõi trăm năm, mà không thấy quá đỗi nhọc nhằn. Để có thể cùng Trịnh Công Sơn “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người”. Sống giữa đời mà không còn nhận ra những điều mới lạ, cũng giống như khoác khăn tang đi giữa cõi đời. Cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt, như “tàu không đổi chuyến”.
Khi một đam mê nào đó nâng cảnh giới tinh thần của ta thì nó cũng luôn vận vào ta như một nghiệp dĩ. Điều đó âu cũng thuận với lẽ tự nhiên, vì theo Tương Trào - một tác gia đời Thanh - thì: “Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, nước không thể không có rong, cây cao không thể không có dây leo, và người ta không thể không nghiện một thứ gì” (Hoa bất khả dĩ vô điệp; sơn bất khả dĩ vô tuyền; thạch bất khả dĩ vô đài; thủy bất khả dĩ vô tảo; kiều mộc bất khả dĩ vô đằng la; nhân bất khả dĩ vô tích).
Hoa mà không bướm thì hoa lẻ loi, cô độc; núi không có suối thì núi câm lặng, vô hồn; đá không có rêu thì đá trơn trụi, vô duyên; nước không có rong rêu thì cá nào dám sống; cây cao không có dây leo thì chẳng khác cột cờ, con người không có một đam mê nào thì cuộc đời trở nên tẻ nhạt, và nhàm chán. Cho nên sống, thà lụy vì một đam mê nào đó, còn hơn là sống mà không có một đam mê nào!
LIÊU HÂN