Thường niên, sau Tết Nguyên đán, vào mùng Bảy tháng Giêng âm lịch, người dân nơi thượng nguồn sông Thu (huyện Nông Sơn) nô nức kéo nhau vào rừng tổ chức lễ hội khai sơn và chính thức mở cửa rừng.
Dâng cúng lễ vật tại hội khai sơn. |
Chẳng biết tự bao giờ, lễ khai sơn (mở cửa rừng, cửa truông) đã gắn liền và trở thành truyền thống với người dân nơi thượng nguồn sông Thu. Bởi tự ngàn xưa, rừng như lá chắn đã chở che cho người dân trong vùng. Để tri ân công lao to lớn của rừng, vào mùng Bảy tháng Giêng âm lịch hằng năm, từ trẻ em đến người già háo hức kéo nhau vào rừng mở hội khai sơn.
Những ngày tết đến xuân về, mặc dù bận rộn nhiều việc, nhưng ai nấy cũng dàn xếp thời gian để cùng nhau sắm sanh lễ vật thật chu đáo. Chị Đặng Thị Hương trú thôn Lộc Đông (Quế Lộc) bày tỏ: “Từ trước ngày diễn ra lễ hội, chị em phụ nữ tất bật đi chợ mua sắm mâm lễ cho vẹn toàn, không dư cũng không thiếu. Số tiền có được từ sự đóng góp của mọi người, trong đó có cả những Việt kiều xa xứ luôn hướng về nguồn cội tổ tiên với tấm lòng thành kính”. Cũng theo chị Hương, lễ vật được những người có kinh nghiệm lựa chọn một cách kỹ lưỡng. Đặc biệt, khi chọn gà cúng nhất thiết phải chọn những chú gà trống tơ nhanh nhẹn, chân vàng, mồng tách nhú cao cân đối đỏ tươi, bộ lông óng mượt, cất tiếng gáy vang xa.
Lễ cúng gồm gà luộc, thịt heo phay, cháo muối, xôi chè, hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu trắng và gạo nếp. Ban nghi lễ gồm 8 người (1 chánh bái, 1 văn tự, 2 tả hữu, 2 rót (chiết) rượu, 2 trống chiêng). Sau khi lễ vật đã được bày biện xong, vị chủ lễ trong trang phục áo dài khăn đóng tiến đến gian chính diện trang nghiêm cúi đầu để làm thủ tục khoáng tẩy (rửa tay) rồi khấn vái mời các vị thần rừng núi, suối sông và 12 con giáp về chứng giám. Ẩn trong làn khói sương lan tỏa khắp ngọn đồi, cỏ cây là lời thầm thì khấn nguyện hòa cùng tiếng trống chiêng nhịp nhàng, tiếng suối chảy róc rách âm vang khắp núi rừng. Cụ ông Uông Huệ, 81 tuổi, Hội Người cao tuổi làng Lộc Đông - vị chủ lễ suốt 30 năm nay cho biết: “Bài văn khấn cơ bản năm nào cũng vậy nên mọi người trong ban nghi lễ đều thông thạo, nhưng không đặt nặng về bài khấn quá, mà quan trọng là cái tâm trong sáng và tấm lòng thành kính. Sau lễ khai sơn, mọi người mới được phép vào rừng để tiếp tục công việc mưu sinh”.
Ngay sau lễ tri ân rừng xanh có sự chứng giám của chính quyền địa phương và đông đảo bà con dân làng, mọi người cùng nhau ký hương ước bảo vệ rừng, bảo vệ từng nhành hoa, lộc lá. Sau phần nghi lễ, mọi người trải bạt ngồi tại chỗ trên khu đất trống giữa rừng để quây quần ăn chung bữa ăn cộng đồng, ca hát và cùng nhau chúc tụng năm mới khỏe mạnh, làm ăn phát tài, gia đình yên vui hạnh phúc. Anh Nguyễn Văn Kỳ, tài xế xe và là chủ rừng keo lá tràm cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên tôi đưa cả gia đình cùng đi để con cái biết không khí của lễ hội truyền thống của quê xứ”. Cụ ông Đặng Ngọc Xanh, 79 tuổi cho biết, lễ hội khai sơn mang đậm tính cộng đồng làng bản, ăn sâu trong tâm thức dân làng từ đời này sang đời khác. Truyền thuyết kể rằng, nhân vật được thờ là những vị thần có liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thần Núi, thần Nông, thần Nắng, thần Mưa. Trong đó, thần Núi chịu trách nhiệm cai quản núi rừng, muông thú. Thần Nông chịu trách nhiệm trông coi mùa màng, gieo trồng. Giữa thần Nắng và thần Mưa thường xảy ra xung khắc, bất hòa quan điểm, hằng năm thường xảy ra hạn hán, lũ lụt. Vì vậy, tổ chức dâng mâm lễ mời đầy đủ các thần đến dự với mục đích cầu mong các vị thần sum họp, đoàn kết một nhà, làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trong ấm ngoài êm.
THIÊN THU