Tuần qua, làng khoa học thế giới chấn động khi cùng lúc nhận được hai thông tin mang hai thái cực hoàn toàn trái ngược.
Đầu tuần trước, tàu thăm dò vũ trụ mang tên New Horizons (Những chân trời mới) - được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên vũ trụ năm 2006 với kinh phí 720 triệu USD, đã viết lên trang mới cho lịch sử ngành khi vượt qua chặng đường 5 tỷ ki-lô-mét để bay quanh đến sao Diêm Vương (Pluto). Bước tiến vượt bậc này giúp NASA thu thập được thông tin có thể, cũng như giúp các nhà khoa học có cơ hội được nhìn cận cảnh tiểu hành tinh ở quá xa trái đất, không thể quan sát bằng các loại kính thiên văn kể cả loại đặt ngoài không gian.
Đến ngày 18.7, các nhà khoa học NASA cung cấp cho cả thế giới về hình ảnh mới nhất mà phi thuyền New Horizons đã chụp được. Các nhà khoa học thật sự “sốc” khi phát hiện một núi băng khổng lồ trên sao Diêm Vương. Núi băng này cao đến 3.350m và bên dưới bề mặt sao Diêm Vương vẫn đang diễn ra hoạt động địa chất. Đáng chú ý là theo các nhà khoa học, núi băng hình thành cách đây khoảng 100 triệu năm và có thể còn đang trong quá trình kiến tạo. Hãng tin BBC trích lại phát biểu của Alan Stern, Trưởng nhóm khoa học NASA, nói: “Chúng ta đang chứng kiến một hành tinh biệt lập, có kích cỡ nhỏ, có tuổi đời chưa đầy 100 triệu năm, nghĩa là rất trẻ so với tuổi đời 4,5 tỷ năm của hệ Mặt trời”. NASA cho biết sẽ dành 16 tháng để phân tích dữ liệu cũng như công bố các hình ảnh và quan sát khoa học thu thập được. Dù kết quả ra sao, đây vẫn là một tín hiệu tích cực của con người về thế giới quan, khám phá những bí ẩn đầy kỳ thú của vũ trụ ngoài không gian.
Phi thuyền New Horizons sẽ đem về nhiều bí ẩn từ vũ trụ. Ảnh: NASA |
Đồng thời các nhà địa chất Mỹ lại cảnh báo về một trận siêu động đất (mega-quake), có thể mạnh tới 9,2 độ richter cùng sóng thần sẽ xảy ra tại vùng Thái Bình Dương, miền tây bắc của nước Mỹ. Thảm họa này xảy ra sẽ khiến 13 nghìn người chết và hàng chục nghìn người bị thương. Phát biểu trên đài CBS của Mỹ, giáo sư Michio Kaku, đại học New York nói: “Vấn đề không phải là nó có xảy ra không, mà là trong vòng 50 năm tới”. Trận siêu động đất tương tự như thế từng xảy ra tại Nhật Bản vào năm 2011 khiến 20 nghìn người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 250 tỷ USD.
Thông tin này là từ bài viết tiêu đề The Really Big One (Một trận động đất cực lớn) của tác giả Kathryn Schulz, được đăng trên The New Yorker (Mỹ) vào ngày 13.7.2015. Đáng chú ý, theo các nhà địa chất, trận động đất tại vị trí này xảy ra theo chu kỳ, khoảng 243 năm một lần. Nhiều giáo sư đại học ở Mỹ thẩm định bài báo trên và khẳng định, bài báo đã không phóng đại sự nguy hiểm của thiên tai. Trong khi các nhà địa chất cho hay, lời cảnh báo trên giúp chính phủ, người dân khu vực cũng như tại các nước khác tích cực tập huấn cũng như lên phương án để ứng phó hiệu quả nhất với những đợt cuồng nộ của thiên tai có thể xảy ra. Michio Kaku không quên nhắc nhở rằng, chỉ một hay hai phút trước khi một trận siêu động đất diễn ra, nhiều loài động vật có hành động rất khác thường.
Theo dự đoán, trận động đất được dự đoán trên sẽ kéo dài khoảng 4 phút. Sau đó khoảng 15 phút, sóng thần sẽ nhấn chìm các thành phố gần bờ biển, tại vết đứt gãy Cascadia (cụ thể sẽ kéo dài từ San Francisco tới Seattle).
QUỐC HƯNG