Những người quen xa lâu ngày, nay trở về đất Quảng. Đôi phần họ, tóc đã bạc, nhưng câu chuyện với lời mào đầu bằng “Quảng Nam mình” vẫn cứ rôm rả như thuở tuổi trẻ xưa.
Gặp gỡ thăm hỏi nhau giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. |
Bồi hồi hạnh ngộ
Cuộc hội ngộ giữa các cán bộ nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam, Đặc khu Quảng Đà do Tỉnh ủy Quảng Nam, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức trong khuôn khổ những hoạt động chào mừng sự kiện giải phóng quê hương và 20 năm ngày tái lập tỉnh, để lại trong lòng người tìm về nhiều cảm xúc. Dẫu những hạnh ngộ lúc nào cũng nhắc chuyện xưa, đôi bàn tay siết lại đã lơi lỏng phần nào vì tuổi tác, nhưng còn khỏe là còn đi, như lời của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Đặc khu Quảng Đà - Trần Thận. Hơn 100 người đã từng dành thanh xuân của mình để kiến tạo nên một vùng đất như hình hài hiện tại. Họ trở về để kể nhau nghe chuyện của những người già và chắt chiu kỷ niệm “ngày đầu tách tỉnh” để thương quý về thời gian khó.
Tại buổi gặp mặt, các đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cùng Võ Công Trí - Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã thông tin đến các đại biểu những thành tựu nổi bật của hai địa phương sau 20 năm chia tách; những định hướng chiến lược đối với sự phát triển của hai địa phương chặng đường sắp tới. Đồng thời mong muốn các thế hệ cán bộ đi trước tiếp tục quan tâm góp ý, dặn dò, chỉ bảo thêm để giúp thế hệ cán bộ kế cận hai địa phương làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương, chung tay đưa Quảng Nam và Đà Nẵng cùng phát triển. |
Cụ Trần Thận lần này trở về, nhìn quanh một lượt tìm người quen cũ. “Đã thiếu nhiều lắm, anh Lân, anh Được… đi xa quá rồi. Đồng đội thời đó cũng không còn mấy người. Ông Trần Kim Anh cũng không tới được” - cụ nói. Và rồi nhiều người lớn tuổi cùng mắt rưng rưng, khi hình dung lại những người đã xa mình vạn dặm. Cuộc gặp nhau vào những ngày kỷ niệm, ngay trên mảnh đất họ đã từng sống và gắn bó bằng máu thịt, bằng tình thân, bao giờ cũng khiến họ mau nước mắt. Cụ Lê Đào, năm nay cũng đã 90 tuổi, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Quảng Đà, nói rằng bao giờ, những ngày tháng ba với cụ là những ngày không thể nào quên. “Người dân Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn nhớ như in những ngày đầu giải phóng quê hương bộn bề gian khó. Lớp tuổi như tôi thì càng không thể cho phép mình quên. Tình quê hương này đã thấm sâu vào từng thớ thịt. Hôm nay đi dự, lại nhớ đến những người không còn như anh Hồ Nghinh, Đỗ Thế Chấp, Mai Thúc Lân, Trương Quang Được…” - ông nói. Với lớp người từ thuở chữ “sống” quý giá đến những phút giây cuối cùng sau cuộc chiến trường kỳ gian khổ như cụ Thận, cụ Đào, cụ Lưu Văn Chính..., thì quê hương này nghiễm nhiên đã là máu thịt của họ. Và sau này, trách nhiệm của những người lãnh đạo, các tướng lĩnh từ sau ngày giải phóng, là làm “sống” lại toàn bộ đời sống người dân sau những tàn phá của chiến tranh. Với Quảng Nam, đặc biệt hơn, khi bây giờ gặp nhau, lại thêm một lớp người giữ những ký ức của ngày buổi đầu Quảng Nam đứng riêng mình bằng một tên gọi tỉnh lỵ.
Ước mong buổi trùng phùng
Mỗi năm, trước những ngày kỷ niệm giải phóng quê hương, họ luôn gặp nhau. Nhưng tháng Ba này, đặc biệt hơn, khi họ cùng một điểm nhìn về quê nhà sau 20 năm tái lập tỉnh. Bà Hồ Thị Thanh Lâm - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bước chân líu ríu để kịp chào cho hết, bắt tay cho tròn những người quen xưa - những cán bộ thuở nào cùng bà xông pha mọi trận địa, cùng trải qua những khó khăn ngày đầu tách tỉnh. “Gặp ai cũng vui, gặp ai cũng làm mình nhớ lại quãng thời gian còn bộn bề trước đây” - bà nói. Cũng như vậy, những tiếng cười tiếng nói kể chuyện ngày cũ phần nào khiến buổi gặp mặt trở nên thân tình hơn. Bà Nguyễn Thị Một - nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh từ 1997 - 2007, không giấu hết những cảm xúc khi nhớ về quãng thời gian trước kia. Bây giờ, người phụ nữ Quảng Nam được san sẻ nhiều những vất vả hằng ngày, được công bằng ghi nhận những đóng góp của mình vào sự phát triển xã hội, thì từ những ngày đầu bước chân vào Tam Kỳ làm việc, những người như bà Một, bà Lâm, đã bằng chín bằng mười sức mình, góp vào công cuộc “Vì sự phát triển của phụ nữ”. “Sau 20 năm chia tách, bọn tôi thấy được rằng, làm gì cũng phải giữ cái lòng tin của mình, thêm nữa nếu có sự đoàn kết giữa các cấp ngành, cán bộ, thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Riêng bản thân mình, tôi vẫn thấy các ngành có nữ nhưng vẫn còn ít. Nên hy vọng mọi người sẽ nỗ lực để người cán bộ nữ ở các ngành ngày càng nhiều hơn” - bà Một nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Trợ - nguyên Chánh Thanh tra tỉnh từ ngày đầu tái lập đến năm 2005 nói rằng, ông không ngờ sau từng ấy năm, Quảng Nam đã vươn lên phát triển vượt bậc như vậy. “Từ ngày Quảng Nam bắt đầu tái lập, qua 20 năm, ngành thanh tra tỉnh cũng như các ngành đã khác rất nhiều. Ngày mới vào Thanh tra Quảng Nam chỉ có 3 người. So với Đà Nẵng lúc này diện tích tỉnh mình lớn hơn, tình hình đất đai, cải tạo lại cũng phức tạp hơn, đơn từ cũng nhiều. Lúc này mình vừa làm vừa mở lớp đào tạo. Cho tới ngày hôm nay thì đã thấy đó, vượt qua nhiều khó khăn Quảng Nam đang đi những bước rất chắc về mọi mặt” - ông Trợ nói. Với ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh những ngày đầu mới tách, bao giờ ông cũng dành sự quan sát của mình về Quảng Nam, dẫu ông có ở đâu, làm gì. Ông nói mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, rất nhanh, rất tốt. “Sự nhất trí đồng lòng bao giờ cũng thắng lợi. Không có cầu Giao Thủy thì không phát triển được vùng tây Duy Xuyên, Nông Sơn. Không có con đường ven biển thì vùng đông cũng chịu… Tôi rất phấn khởi khi nhìn những thành tựu của Quảng Nam bây giờ. Thương mại dịch vụ phát triển. Nông nghiệp cũng vậy, đời sống nông dân bây giờ đã khá hơn. Đường phố khang trang sạch đẹp” - ông Tập nói.
Và họ đều chung một mong ước rằng Quảng Nam sẽ có những bước tiến dài hơn nữa, hội nhập với các địa phương và thế giới mạnh mẽ hơn nữa, người cán bộ phải “giữ được phẩm chất cách mạng của cha ông để giữ được lòng dân, giữ lời hứa với dân và phát huy mạnh mẽ tính dân chủ trong sự phát triển”.
LÊ QUÂN - NGUYÊN ĐOAN