Lễ phát động trồng cây, gây rừng được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh hằng năm mở ra cơ hội phát triển vùng nguyên liệu khai thác trong tương lai gần.
Tại xã Bình Nam (Thăng Bình) - nơi được chọn tổ chức lễ phát động trồng cây lâm nghiệp của tỉnh năm 2022, không khí rộn ràng không khác một lễ hội. Ngay sau khi chương trình lễ phát động kết thúc, gần 100 cán bộ xã, lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự và người dân địa phương cùng tham gia trồng cây lâm nghiệp, tạo cảnh quan môi trường biển.
Đây được xem là hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhằm đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, hướng đến mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, theo kế hoạch, năm 2002 Quảng Nam trồng hơn 2.000 cây tràm gió bản địa tại thôn Đông Tác (xã Bình Nam).
Loại tràm này có thể sinh sống và phát triển trên vùng cát, sức chống chịu thời tiết khô hạn và chống cát bay rất tốt. Cây tràm gió bản địa còn được sử dụng chế biến dược liệu, chiết xuất tinh dầu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng ven biển.
“Những năm qua, Quảng Nam đã triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là trồng rừng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao. Bên cạnh giúp tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đối khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển, các dự án này còn thúc đẩy quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ môi trường tự nhiên” - ông Khánh chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, ngày hội trồng rừng là cơ hội để Quảng Nam triển khai có hiệu quả Quyết định 524 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, đồng thời khơi dậy phong trào trồng rừng, bảo vệ môi trường sống trước thách thức ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Bằng nỗ lực của cả hệ thống chính quyền và người dân, bình quân hằng năm Quảng Nam trồng 20 nghìn héc ta rừng, nâng diện tích đất có rừng lên hơn 680 nghìn hécta, độ che phủ đạt hơn 58,6% vào cuối năm 2021.
Để việc trồng rừng ngày càng được triển khai sâu rộng, ông Bửu đề nghị các cấp, ngành và cộng đồng tiếp tục hành động một cách tích cực, quyết liệt hơn nữa, xem việc trồng cây, trồng rừng là giải pháp hữu hiệu nhất để ứng phó, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên bền vững.
“Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững, góp phần thể hiện quyết tâm và trách nhiệm trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tốt hơn nữa cam kết tối ưu hóa hấp thụ lượng các bon” - ông Bửu nhấn mạnh.