Lớp đào tạo nghề may đầu tiên do Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam phối hợp với huyện Phú Ninh đào tạo cho 103 lao động của xã Tam Lãnh vừa kết thúc. Tìm được việc làm mới, đó là niềm vui không chỉ của người lao động mà cũng là tín hiệu vui cho hướng đi mới của tỉnh.
Sau gần 3 tháng nỗ lực, chị Nguyễn Thị Phi (thôn An Trung) đã được cầm trên tay chứng chỉ đào tạo nghề may. Chị Phi cho biết trước đây cũng đã từng đi may giày da, nhưng là đi làm lao động phổ thông, không hề có chứng chỉ nghề. Sau khi có chồng, rồi sinh hai đứa con, chị Phi không thể đi xa nên ở nhà làm nông. “Khi nghe có lớp dạy nghề may công nghiệp này, tôi đã bàn với chồng và quyết định đi học. Con còn nhỏ nên đi làm chắc cũng sẽ vất vả, nhưng đi may mỗi tháng có 4 - 5 triệu đồng vẫn hơn ở nhà làm nông, rất cực và thu nhập thấp. Do điều kiện con cái nên tôi sẽ đi làm ở công ty gần, có thể là một công ty ở Phú Ninh chứ không xuống Tam Kỳ” - chị Phi chia sẻ.
Hôm kết thúc khóa học, 103 lao động đầu tiên của xã Tam Lãnh hầu như ai nấy cũng rạng rỡ, háo hức lựa chọn doanh nghiệp phù hợp để làm việc. Có 3 doanh nghiệp là Công ty CP May Hòa Thọ (Phú Ninh), Công ty Vast Apparel Việt Nam, Công ty Moon Chang Vina đưa ra thông tin tuyển dụng lao động từ khóa đào tạo nghề này. Mỗi công ty đều tuyển dụng từ 200 lao động trở lên. Chính vì thế, người lao động có nhiều sự chọn lựa sao cho phù hợp nhất với điều kiện gia đình, đi lại của mỗi người. Sau một hồi đắn đo, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (thôn An Bình) quyết định chọn công ty ở Phú Ninh để đi làm, vì gần nên có thể sáng đi chiều về. Chị Hiền nói: “Công ty có hỗ trợ tiền xăng xe hàng tháng nên chắc tôi sẽ chọn cách đi về hàng ngày. Ở trên này xuống Tam Thái đi làm tuy không xa lắm, nhưng đường đi quanh co, mùa mưa sẽ rất vất vả. Nhưng đã quyết đi học nghề thì phải đi làm; có việc làm, thu nhập ổn định để còn lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Vả lại Nhà nước đã lo cho người lao động học đến nơi đến chốn rồi, người lao động đã ký cam kết đi làm sau khi học xong nên không thể phá vỡ cam kết”.
Ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam cho biết, khi nhà trường đào tạo được khoảng 2 tháng, đã cho lao động đến doanh nghiệp tìm hiểu cụ thể, nên lao động có được sự lựa chọn hợp lý nhất. Hiện nay Công ty Moon Chang Vina đã tiếp nhận 31 lao động, số còn lại đều đã có cam kết đi làm việc nhưng vẫn chưa quyết định vì còn lựa chọn doanh nghiệp phù hợp. Hoàn thành khóa đào tạo mới chỉ là đi được nửa chặng đường, khi nào người lao động vào doanh nghiệp, làm việc ổn định mới được xem hoàn tất quá trình. “Người lao động vào công ty làm việc phải cố gắng học hỏi thêm, làm việc trên dây chuyền công nghệ thực tế sẽ có những điểm hiện đại hơn. Khóa này sẽ là lớp điểm để chúng tôi tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo phù hợp, tăng thời gian học tại doanh nghiệp để lao động khi đến làm việc sẽ thích ứng nhanh hơn” - ông Đôi nói.
LÊ DIỄM