LTS: Hơn 400 năm dâu bể đã khiến di chỉ Dinh trấn Thanh Chiêm (xã Điện Phương, Điện Bàn) phai nhạt ít nhiều trên bản đồ quê xứ. Nhưng còn đó vốn liếng di sản vượt thời gian mà nó để lại khiến định danh này vẫn cắm một cột mốc vững chắc trong hành trình mở cõi của dân tộc Việt và trong tâm thức mỗi người dân xứ Quảng Nam. Vun đắp, tái hiện hồn cốt Dinh trấn Thanh Chiêm là lẽ tất yếu…
DẤU XƯA...
Từ nhận định chiến lược “đây là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, năm 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho dựng Dinh trấn Quảng Nam tại Thanh Chiêm, sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ, mở đầu cho sự phát triển thịnh vượng của xứ Đàng Trong suốt hai thế kỷ 17 - 18.
Vang bóng một thời
Thanh Chiêm (xưa) - Điện Bàn - Quảng Nam là nơi có các yếu tố thuận lợi về địa lý, chính trị, kinh tế - văn hóa để xây dựng một “thủ phủ” của xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “Quảng Nam đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc đoạn, lĩnh là hoa màu khéo đẹp(…). Ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông sáp đường mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt đều sản xuất ở đây”. Các nhà buôn, giáo sĩ phương Tây thời ấy đã gọi vùng đất này là “Quảng Nam quốc”.
Trường THCS Nguyễn Du (thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương) bình yên như bao ngôi trường làng ở Điện Bàn. Mỗi sáng, chiều trẻ em quanh vùng lại rộn ràng đến đây học tập. Trong ánh mắt trong veo của những cô cậu học trò nhỏ dường như ít ai biết nơi mình đang học chính là Hành cung của Dinh trấn Thanh Chiêm xưa.
Ngược dòng lịch sử, năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng cho lập Dinh Thanh Chiêm bên bờ bắc sông Chợ Củi, tục gọi là Dinh Chiêm (Dinh Chàm, Cacium...), giao Công tử Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ. Năm 1604, Nguyễn Hoàng cho lập phủ Điện Bàn tách ra từ phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa lệ thuộc xứ Quảng Nam.
Phủ Điện Bàn sáp nhập 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và phủ Hoài Nhơn để thành lập Dinh Quảng Nam (phủ Điện Bàn quản 5 huyện gồm Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu), biến Quảng Nam từ vùng đất trù phú “ngoài biên ải” trở thành trung tâm chính trị, kinh tế lớn - một kinh đô thứ hai ở Đàng Trong (sau thủ phủ Phú Xuân).
Cùng với sự ra đời của dinh trấn, các chúa Nguyễn cũng tiến hành xây dựng nhiều công trình phục vụ bộ máy cai trị như dinh thự, kho muối, tàu tượng, trường đốc, văn miếu… Ngày nay mặc dù vết tích còn lại không nhiều nhưng thông qua tư liệu điền dã, khảo cổ và truyền tụng dân gian đã minh chứng về sự thịnh vượng của dinh trấn xưa.
Ông Đinh Trọng Tuyên (ở Điện Phương), người có nhiều năm nghiên cứu Dinh trấn Thanh Chiêm cho biết, một số vị trí xưa hiện vẫn có thể xác định được như Hành cung, nay là nền Trường THCS Nguyễn Du; Kho muối, nay là nhà thờ Tiền hiền và đình làng Thanh Chiêm; phường đúc đồng Phước Kiều; Gò Sài đã trở thành một gò đất nằm trên trục giao thông đi từ Thanh Chiêm đến Hội An…
Đặc biệt, Dinh trấn Thanh Chiêm xưa không chỉ nằm trên địa phận của làng Thanh Chiêm mà còn mở rộng sang các làng lân cận như Phước Kiều, An Quán, Đông Khương, An Nhơn, Văn Đông, Phú Chiêm (Triêm Trung, Triêm Đông, Triêm Tây, Triêm Nam), Điện Bình, Khúc Lũy và Uất Lũy, tức là toàn bộ xã Điện Phương và một phần của xã Điện Minh ngày nay.
Năm 2001, các chuyên gia Nhật Bản đến từ Trung tâm Nghiên cứu di sản văn hóa Nara (nay là Trung tâm Di sản văn hóa Nara) đã sử dụng ra đa dò tìm tại một số địa điểm trong lòng đất Thanh Chiêm. Kết quả, phát hiện các dấu tích hình rãnh có niên đại thế kỷ 17 và dấu tích hố chôn cọc của một công trình lớn thế kỷ 18 - 19.
Kết quả này phù hợp với những ghi chép trong Đại Nam Nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn, Quyển 5, tỉnh Quảng Nam) về việc tái di dời trấn dinh Quảng Nam từ Hội An qua Thanh Chiêm năm 1803, nên có thể suy đoán đây chính là dấu tích kiến trúc liên quan đến Dinh trấn Quảng Nam giai đoạn đầu và những năm đầu thế kỷ 19 khi được vua Gia Long tạm chọn.
Rạng danh dinh trấn
Nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, bên bờ Sài Thị giang (sông Thu Bồn) và gần cửa Đại Chiêm (Cửa Đại), cách Cửa Hàn không xa, Dinh trấn Quảng Nam đã khẳng định được sứ mệnh lịch sử quan trọng trong khoảng thời gian 230 năm (từ 1602 đến 1832), nhất là trong hai thế kỷ 17 - 18.
Nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận vai trò hết sức quan trọng của Dinh trấn Thanh Chiêm dưới thời các Chúa Nguyễn. Đây được xem là kinh đô thứ hai, là trung tâm chính trị - quân sự - kinh tế và văn hóa sau Kinh đô Phú Xuân.
Thông qua cảng thị Hội An, Quảng Nam đã trở thành một cửa ngõ trọng yếu trong chính sách kinh tế đối ngoại xứ Đàng Trong, là đầu cầu trao đổi thương mại, văn hóa với bên ngoài.
Đặc biệt, dinh trấn không chỉ là cơ sở đào luyện các Thế tử trước khi kế nghiệp (làm quan trấn thủ trước khi lên ngôi) mà còn là trung tâm điều hành hậu cần kinh tế cho cả vùng, trở thành “hậu cứ” vững chắc để các Chúa Nguyễn đối phó với Đàng Ngoài và các thế lực thù địch, vừa làm “bàn đạp” hoàn thành công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi cho dân tộc Việt.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1 viết, năm 1613, trước khi tạ thế, Chúa Nguyễn Hoàng đã dặn dò Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên: “Đất Thuận Quảng (…), núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời”.
Năm 2017 Dinh trấn Thanh Chiêm đã được Bộ VH-TT&DL công nhận Di tích quốc gia. Qua đó, càng khẳng định vị trí, vai trò lịch sử, văn hóa của Thanh Chiêm, nhất là các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất với tư cách là một trung tâm hành chính của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Đây cũng là một trong những nơi phát tích chữ Quốc ngữ, càng khiến vai trò dinh trấn trở nên khác biệt so với những trung tâm chính trị cổ đại Việt Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc.