Vun đắp giá trị văn hóa gia đình

LÊ QUÂN - THANH NHẤT 28/06/2023 06:00

Nền tảng một xã hội phát triển, quốc gia thịnh vượng được dựng nên từ hạt nhân là những gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa. Đây cũng chính là chủ đề để Ngày gia đình Việt Nam (28/6) năm nay tiếp tục tôn vinh các giá trị quý giá của gia đình.

Gia đình là hạt nhân - nền tảng của mọi sự phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Chương trình Ngày hội gia đình do Sở VH-TT&DL tổ chức năm 2022. Ảnh: X.H
Gia đình là hạt nhân - nền tảng của mọi sự phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Chương trình Ngày hội gia đình do Sở VH-TT&DL tổ chức năm 2022. Ảnh: X.H

Tại Quảng Nam, trong suốt 5 năm (2018 - 2023), xây dựng gia đình văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng, cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Một môi trường văn hóa lành mạnh được xác lập ngay từ hệ giá trị gia đình sẽ tạo nên sự gắn kết và phát triển bền vững của xã hội.

Từ sự mẫu mực của gia đình

“Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc “xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội”. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đến công tác gia đình. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, Quảng Nam sẽ gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn mới, nếp sống văn minh nơi công cộng… nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030”.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu)

Người dân xã Trà Kót (Bắc Trà My), từ lâu nay, luôn kính trọng già làng Phạm Lâm (hơn 70 tuổi). Gia đình già Lâm là tấm gương để người dân trong vùng noi theo. “Mình nói với các gia đình trong làng là phải thương yêu nhau, không để xảy ra bạo lực gia đình, tập trung làm ăn, phát triển kinh tế.

Phải làm sao để trong vườn nhà mỗi người dân phải tổ chức chăn nuôi, để có cái ăn tại chỗ. Từ chỗ mình gương mẫu làm trước thì dân mới noi theo, nếu mình chỉ nói thì dân không tiếp thu” - già làng Phạm Lâm nói.

Gia đình già Lâm cũng là một trong những hộ hiếm hoi ở Bắc Trà My còn giữ nghề đan lát truyền thống của địa phương.

Sản phẩm làm ra, ngoài bán kiếm thêm thu nhập, gia đình già Lâm tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn trong làng. Vừa là cán bộ hưu trí, vừa là già làng uy tín, già Lâm nói, phải làm sao để bà con thấy tinh thần trách nhiệm của mình trong đóng góp xây dựng quê hương.

Chính vì vậy, cùng với vợ con, già Lâm vận động người dân Trà Kót chấp hành quy ước, hương ước của thôn đề ra, kêu gọi các hộ gia đình ra sức lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống...

Với những gì đã và đang làm để góp sức vì sự phát triển của quê hương, gia đình già Lâm là một trong những điển hình tiêu biểu lan tỏa phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại Trà Kót.

Với những địa phương vùng núi, xây dựng và triển khai tốt các tiêu chí, tiêu chuẩn gia đình văn hóa phù hợp sẽ làm cho họ nhận thức đúng đắn về tính thiết thực của phong trào.

Từ đây, người dân sẽ tự giác xóa bỏ những tập tục lạc hậu trái với quy định của pháp luật và tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thực hiện nếp sống văn minh.

Như tại huyện Tây Giang, gia đình ông Alăng Đàn (xã A Nông) cùng hội viên cựu chiến binh địa phương lập “Tổ góp vốn quay vòng” giúp nhau phát triển sản xuất… Diện mạo bản làng đoàn kết ở vùng cao được đắp dựng từ những gia đình điển hình như thế.

Ở đồng bằng, giềng mối gia đình mỗi ngày càng cho thấy tầm quan trọng trong việc kết nối cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ... Gia đình ông Trần Kim Thuận, ở phường Cẩm An, TP.Hội An, có đến 4 thế hệ gồm 11 người cùng chung sống.

Bằng tình yêu thương và trách nhiệm với gia đình, mỗi thành viên cố gắng vun đắp để tất cả thành viên cảm thấy ấm áp và hạnh phúc khi cùng sống bên nhau. Người mẹ của ông Trần Kim Thuận đã ngoài 90 tuổi, mỗi sáng trước khi đi làm ông đều hỏi han mẹ, dặn dò vợ con chuẩn bị bữa ăn đủ đầy cho bà.

Theo ông Thuận, dù đây chỉ là một chi tiết nhỏ trong cuộc sống hằng ngày nhưng làm cho mẹ ông cảm nhận được sự quan tâm của con cháu, bà sẽ ấm lòng hơn, vợ cùng các con cũng thấy rõ trách nhiệm của mình, và như thế thành viên trong gia đình đều cảm thấy hạnh phúc khi biết sống vì nhau.

Có hậu phương là gia đình, những câu chuyện làm vì cộng đồng của mỗi người càng được khích lệ. Ông Huỳnh Kim Ta - người truyền tải nhiều câu chuyện thú vị về Địa đạo Kỳ Anh (TP.Tam Kỳ) - bao nhiêu năm nay lặng lẽ coi sóc di tích lịch sử, trở thành thuyết minh viên ấn tượng, là niềm tự hào của người làng Thạch Tân (xã Tam Thăng).

Luôn sẵn sàng hướng dẫn để du khách dễ dàng tiếp cận hệ thống địa đạo Kỳ Anh, ông Huỳnh Kim Ta với cách thuyết minh vừa dẫn chuyện xưa vừa thị phạm cụ thể, những thông tin về địa đạo lịch sử đến với người nghe mang nhiều cảm xúc lẫn sinh động riêng.

Để có thời gian chuyên chú cho công việc quản lý và thuyết minh ngày càng chuyên nghiệp hơn, gia đình chính là “bệ đỡ” để động viên người đàn ông này gắn bó với di tích ở địa phương...

Lan tỏa ý thức gia đình văn hóa

Bà Trịnh Thị Nga - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Bắc Trà My cho biết, tại địa phương, tỷ lệ đạt gia đình văn hóa trong năm qua hơn 90%. Người dân chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào mình hơn khi thực hiện đăng ký xây dựng gia đình văn hóa.

“Cũng chính từ những sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi tuyên truyền vận động để người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Những năm qua, nạn phá rừng tại Bắc Trà My đã giảm hẳn. Cùng với đó, tình trạng bạo lực gia đình cũng được ngăn ngừa, tạo điều kiện để con cái phát triển” - bà Trịnh Thị Nga chia sẻ.

Gia đình già Phạm Lâm (xã Trà Kót) là một trong những hộ hiếm hoi ở Bắc Trà My còn giữ nghề đan lát truyền thống của địa phương. Ảnh: X.H
Gia đình già Phạm Lâm (xã Trà Kót) là một trong những hộ hiếm hoi ở Bắc Trà My còn giữ nghề đan lát truyền thống của địa phương. Ảnh: X.H

Các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa trong 5 năm qua được xây dựng, sửa đổi phù hợp với điều kiện kinh tế, đặc điểm văn hóa, xã hội của từng vùng, miền. Do đó, phong trào được đông đảo gia đình từ nông thôn đến đô thị, từ miền núi đến đồng bằng hưởng ứng.

Kết quả, tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hóa tại Quảng Nam từ năm 2018 đến nay luôn giữ ở mức cao (đạt từ 89 đến gần 91%) và chất lượng của phong trào cũng được nâng lên.

Sở VH-TT&DL cho biết thêm, giai đoạn 2018 - 2023, nhiều giải pháp phù hợp được triển khai nên phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực. Các địa phương tiếp tục phát động xây dựng nhiều mô hình, CLB gia đình phát triển bền vững, CLB tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình...

Theo ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Quảng Nam 5 năm qua đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, hạnh phúc của mỗi gia đình, góp phần quan trọng xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Những năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Quảng Nam luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc công tác gia đình, coi xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Thông qua phong trào, các gia đình đã tự ý thức nghĩa vụ công dân, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng. Nhiều gia đình chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc” - ông Tào Viết Hải nói.

Tuyên dương 102 danh hiệu “Gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu”

Hôm nay 28/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương “Gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu” tỉnh Quảng Nam lần thứ IV năm 2023 và tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 22 về xây dựng thực hiện hương ước, quy ước, 5 năm thực hiện Nghị định số 122 về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Đợt này, Quảng Nam có 102 gia đình được tuyên dương danh hiệu “Gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vun đắp giá trị văn hóa gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO