Truyền tải mạnh mẽ thông điệp chung tay phục hồi hệ sinh thái sông Đầm, TP.Tam Kỳ tái khẳng định quyết tâm đưa Bãi Sậy Sông Đầm trở thành một điểm trải nghiệm du lịch sinh thái có thương hiệu.
Sông Đầm có diện tích hơn 550ha, trong đó diện tích mặt nước chiếm khoảng 230ha trải trên 3 địa phương xã Tam Thăng, xã Tam Phú và phường An Phú. Từ lâu, khu vực này đã gắn liền với hình ảnh thân thương về những chiếc xuồng ba lá lênh đênh trên mặt nước, chầm chậm lướt qua cánh đồng lau sậy, sen súng hữu tình.
Cuối tuần qua, UBND TP.Tam Kỳ tổ chức lễ phát động bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước và phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm sông Đầm. Dịp này, cộng đồng cư dân ở sông Đầm đã ký cam kết bảo vệ hệ sinh thái sông Đầm với những nội dung như: không sử dụng vật liệu nổ, xung kích điện, các dụng cụ đánh bắt tận diệt đánh bắt thủy sản tại sông Đầm, không đánh bắt trong mùa thủy sản sinh sản; không săn, bắt, bắn, bẫy, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim cư tại sông Đầm; không chặt phá, tác động tiêu cực đến cây xanh, hệ thực vật đất ngập nước sông Đầm...
Vừa qua, nhân dân xã Tam Thăng và phường An Phú đã bàn giao cho chính quyền hơn 70 thửa đất với tổng diện tích hơn 3ha để trồng và phát triển cây xanh. Nhờ đó, việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm đã có những kết quả tích cực.
Rõ nét nhất là diện tích cây xanh tăng lên, nước trở nên trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản cũng đang dần phục hồi. Điều đáng mừng là việc khai thác bằng xung điện, dùng hóa chất cũng như công cụ đánh bắt thủy sản có tính tận diệt tại khu vực sông Đầm đã được giảm thiểu đáng kể nhờ chính từ nhận thức của cư dân địa phương.
Ông Bùi Văn Hưởng (trú xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) nói: “Những năm gần đây con tôm, con cá đã về với sông Đầm nhiều hơn, cảnh quan cũng được phục hồi xanh mát hơn.
Qua thời gian, chúng tôi dần nhận thức được giá trị to lớn của hệ sinh thái tự nhiên quê nhà. Hy vọng từng chuyển động của mọi người sẽ giúp thế hệ mai sau gìn giữ được hệ sinh thái quý giá này để phát triển kinh tế bền vững”.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, thời gian qua Tam Kỳ đã thực hiện trồng và chăm sóc hàng nghìn cây xanh, trong đó đa phần là cây bản địa như tre đồng, cừa, sậy, dừa nước… với quy mô hơn 20ha.
Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm soát chặt nguồn nước đầu vào; ra quân truy quét nạn đánh bắt thủy sản trái phép; tuyên truyền về việc cấm săn bắt các loài chim hoang dã và di cư. Định hướng trong đề án phát triển du lịch của Tam Kỳ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là gắn kết hệ sinh thái sông Đầm với di tích địa đạo Kỳ Anh để tạo thành một khu vực trải nghiệm du lịch sinh thái gắn với giá trị bản địa.
Xác lập tầm nhìn đưa Bãi Sậy Sông Đầm thành một điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm có thương hiệu của Tam Kỳ và cả tỉnh, trong những năm tới thành phố có kế hoạch bố trí nhiều nguồn lực để thực hiện các dự án có liên quan.
Bao gồm: Tiếp tục phục hồi cây xanh bản địa; xây dựng bến thuyền, nhà đón tiếp; đầu tư khu cảnh quan và vui chơi giải trí du lịch Sông Đầm; củng cố các tổ hội nghề nghiệp; phát triển dịch vụ tạo sinh kế ven bờ…
Trước mắt, trong 5 chuỗi hoạt động sự kiện nổi bật năm 2023 của thành phố, Tam Kỳ sẽ tiếp tục duy trì Tuần du lịch trải nghiệm địa đạo Kỳ Anh - Bãi Sậy Sông Đầm (9 - 15/7).
Một thành viên tổ vận chuyển khách sông Đầm (xã Tam Thăng) cho hay: “Ở đây nước khá nông, nơi sâu nhất cũng chỉ chừng 3m nhưng hệ sinh thái rất đa dạng. Cảnh quan tại Bãi Sậy Sông Đầm đẹp nhất vào mùa hè với nhiều loại hoa, chim chóc muông thú đặc sắc.
Dù vậy, lượng khách còn khá thưa thớt, mỗi năm chúng tôi cũng chỉ phục vụ cho vài ba đợt khách đoàn. Hy vọng với hệ sinh thái phong phú, cảnh quan được phục hồi tươi đẹp hơn qua mỗi ngày du khách sẽ về với sông Đầm nhiều hơn trong thời gian tới”.