Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, sinh viên Việt Nam và Lào đang học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Quảng Nam đã và đang góp phần vun đắp, thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.
Lớp học đặc biệt
Sáu giờ tối, khu ký túc xá C5 Trường Đại học Quảng Nam - nơi dành cho sinh viên Lào - lại rộn ràng tiếng í ới gọi nhau đến lớp học Tiếng Việt. Mỗi bạn sinh viên Lào chỉ mang theo cuốn từ điển Việt - Lào và ít giấy bút đến lớp. Đó là lớp học đặc biệt do Câu lạc bộ Tiếng Việt của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Quảng Nam tổ chức. Những “giáo viên” đứng lớp chính là các bạn sinh viên Việt Nam đang theo học các lớp Đại học Văn K14 và Cao đẳng Sư phạm Văn K15 của trường.
Thanh viên Câu lạc bộ Tiếng Việt giúp đỡ các bạn sinh viên Lào học tiếng Việt. Ảnh: VINH ANH |
Bạn Lương Thị Thu Lệ (lớp Đại học Văn K14) - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Việt cho biết, lớp học Tiếng Việt cho sinh viên Lào được câu lạc bộ của Khoa Ngữ văn duy trì nhiều năm qua. Hiện nay, lớp có hơn 50 bạn sinh viên Lào (khóa 17) theo học, được chia theo 2 nhóm, nhóm các bạn ở tỉnh Chăm Pa Sắc và nhóm ở tỉnh Sê Kông. “Thời gian mỗi buổi học 6 - 8 giờ tối thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư hàng tuần. Các nhóm tình nguyện viên lớp Đại học Văn K14 và Cao đẳng Sư phạm Văn K15 thay nhau đảm nhiệm buổi lên lớp giúp sinh viên Lào học Tiếng Việt. Mỗi buổi học là một trải nghiệm thú vị đối với các thành viên tham gia, bởi ở đó các bạn được làm quen, tiếp xúc, trao đổi về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục… của 2 nước” - Lệ chia sẻ.
Sinh viên 2 nước Việt Nam - Lào tại Trường Đại học Quảng Nam. Ảnh: VINH ANH |
Mở đầu buổi học, để tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho cả lớp, các bạn sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào chia ra thành từng đội thi cùng tham gia các trò chơi thi viết, giao tiếp bằng Tiếng Việt. Sau trò chơi, các bạn sinh viên Việt Nam chia nhau kèm cặp các bạn sinh viên Lào. Không như một lớp học thông thường, ở đây một “giáo viên” kèm một sinh viên Lào và không theo giáo án nào. Khó đâu gỡ đó, những từ ngữ, những câu Tiếng Việt nào các bạn sinh viên Lào không hiểu thì các bạn sinh viên Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau sẽ giải thích cặn kẽ cho các bạn hiểu. Bạn Trương Thị Phụng (lớp Đại học Văn K15) cho biết: “Mỗi tuần mình tham gia tình nguyện ở lớp Tiếng Việt một buổi. Các bạn sinh viên Lào rất ham học hỏi, điều gì không hiểu đều thẳng thắn bày tỏ và nhờ tụi mình giải thích giúp”.
“Tôi yêu Tiếng Việt”
Anh Bùi Xuân Diệu - Bí thư Đoàn trường Đại học Quảng Nam chia sẻ, qua các hoạt động của câu lạc bộ, nhất là mô hình “Đôi bạn cùng tiến” sẽ tạo cơ hội tốt để sinh viên hai nước tìm hiểu, giao lưu về văn hóa và giúp đỡ nhau trong học tập, nghiên cứu khoa học. “Hy vọng các thành viên trong câu lạc bộ sẽ gắn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong học tập, rèn luyện, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt - Lào” - anh Diệu nói. |
Toukta Pathoumthong (19 tuổi, đến từ tỉnh Chăm Pa Sắc) là một trong những sinh viên Lào đang theo học Khoa Tiếng Việt tại Trường Đại học Quảng Nam. Dự định của Toukta là sau khi học thành thạo Tiếng Việt sẽ đăng ký học ngành Xét nghiệm Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Tiếp xúc với chúng tôi, Toukta khá tự tin khi giao tiếp bằng Tiếng Việt mặc dù mới theo học chừng 5 tháng. Là con đầu trong gia đình có 3 chị em, bố mẹ làm nông nghiệp, vượt qua khó khăn vì không thể giao tiếp với các bạn sinh viên, thầy cô và người dân Việt Nam. Tuy nhiên, với sự chịu khó, ham học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn theo học Khoa Tiếng Việt, cộng thêm đó là việc tham gia lớp Tiếng Việt do Câu lạc bộ Tiếng Việt tổ chức, Toukta đã tiến bộ rất nhanh. Toukta chia sẻ: “Lúc đầu, mình học Tiếng Việt rất khó nhưng càng học càng thấy thú vị, đồng thời tạo điều kiện để mình học tốt môn chuyên ngành sau này. Đặc biệt, sự gần gũi, nhiệt tình của các bạn, anh chị sinh viên Việt Nam ở lớp Tiếng Việt không chỉ giúp tụi mình học tốt Tiếng Việt mà còn tạo cơ hội để sinh viên hai nước tìm hiểu và giao lưu văn hóa”.
Tương tự, Moukmanee Souksamphao (21 tuổi, cũng đến từ tỉnh Chăm Pa Sắc), là sinh viên năm 3 khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Quảng Nam cho biết, những tháng đầu qua Quảng Nam, bản thân chỉ quanh quẩn ở trong khuôn viên của trường mà không dám đi ra ngoài vì không thể giao tiếp bằng Tiếng Việt. Mỗi lần đi chợ hay đi ăn uống ở bên ngoài đều phải có chị gái đi cùng (chị gái của Moukmanee cũng là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quảng Nam). Cùng với nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của thầy cô và các bạn sinh viên ở Câu lạc bộ Tiếng Việt, trình độ Tiếng Việt của Moukmanee nhanh chóng được cải thiện. Bây giờ Moukmanee có thể tự tin đi bất cứ nơi đâu và có thể giao tiếp tốt với mọi người bằng Tiếng Việt. Moukmanee nói: “Mình đã đến Hội An, Mỹ Sơn và đặc biệt rất thích đi tắm biển, ăn các món hải sản vì bên mình không có biển. Khi giao tiếp với mọi người bằng tiếng Việt mình cảm thấy rất thích thú và muốn được đi nhiều nơi, làm quen và gặp gỡ nhiều người Việt Nam. Tôi yêu tiếng Việt!”.
Vun đắp tình hữu nghị
Từ hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Tiếng Việt và những việc làm thiết thực khác của sinh viên hai nước Việt Nam - Lào tại trường, vừa qua, được sự thống nhất của Ban giám hiệu nhà trường, Đoàn trường Đại học Quảng Nam tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Hữu nghị sinh viên Việt - Lào. Với sự ra đời của câu lạc bộ, sẽ mang đến nhiều hơn nữa những kết quả thiết thực và hiệu quả trong việc học tập, nghiên cứu của sinh viên 2 nước, nhất là việc học Tiếng Việt của sinh viên Lào. Đồng thời các hoạt động của câu lạc bộ hữu nghị sẽ góp phần quan trọng vào việc mở rộng giao lưu, học hỏi và tạo sự đoàn kết, gắn bó, vun đắp thêm tình cảm anh em gắn bó giữa hai nước.
Điểm thú vị của Câu lạc bộ Hữu nghị sinh viên Việt - Lào là việc tổ chức mô hình “Đôi bạn cùng tiến”. Theo đó, có khoảng 174 bạn sinh viên Việt Nam đăng ký giúp đỡ cho 178 bạn sinh viên Lào đang theo học tại Trường Đại học Quảng Nam (trong đó có 48 bạn đang học lớp dự bị Tiếng Việt). Mục đích chính của mô hình “Đôi bạn cùng tiến” là nhằm giúp các bạn sinh viên hai nước học tốt chuyên môn, nhất là việc học Tiếng Việt của sinh viên Lào và học Tiếng Lào của sinh viên Việt Nam.
VINH ANH