Họ, có người gần cả đời sống trên những cánh rừng già của miền núi Quảng Nam. Có người quanh năm đi về giữa những nỗi sợ hãi, những tiếng thét, tiếng cười vô thức. Cũng có người mải mê với câu chuyện thiện nguyện, quên cả tháng ngày thanh xuân. Và tất cả đều cùng khoác chiếc áo blouse trắng…
YÊU THƯƠNG HƠN MÌNH CÓ THỂ
Chúng tôi đã có những cảm xúc đặc biệt khi quan sát y, bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm HIV/AIDS, Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam, Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công hay khi tiếp xúc với những người vừa là cô giáo vừa làm điều dưỡng ở Làng Hòa Bình.
Khác với những bệnh viện đa khoa - nơi luôn tất bật, hồi hộp, hàng trăm người ra kẻ vào, chen lấn, xô đẩy, cằn nhằn, cự cãi, inh ỏi tiếng xe cứu thương… thì ở những nơi này, lặng lẽ, vắng vẻ hơn. Thậm chí nghe ra cả quạnh quẽ, cả những tiếng thở dài của bệnh nhân, đã rất lâu không thấy người nhà. Và họ - những y bác sĩ đã chọn môi trường đặc thù này, ngoài y đức, còn dùng trái tim để yêu thương hơn mình có thể, mới đủ sức gắn bó lâu dài.
Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công. ảnh: phương thảo |
1. Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam. Thỉnh thoảng vang lên vài tiếng la ó, tiếng hét thất thần của bệnh nhân nào đó. Khi nhập viện, các bệnh nhân cũng “được” đón tiếp theo một cách riêng. Ấy là bác sĩ, người nhà phải dỗ dành hoặc “hù dọa” để bệnh nhân “ngoan ngoãn” nhập viện. Bác sĩ Võ Quang Thiều - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần nói lại câu chuyện rất cũ, rằng làm việc ở nơi nhớ nhớ, quên quên này, công việc của những bác sĩ tại đây, mang một đặc thù khi hàng ngày, bác sĩ, điều dưỡng viên nơi đây phải vừa điều trị, chăm sóc, vừa vệ sinh cho bệnh nhân. Mỗi bác sĩ, điều dưỡng viên như người “phục vụ” cần mẫn và nhẫn nại. “Đó là chưa kể đến chuyện có thể nhận thương tích vào mình bất cứ lúc nào khi bệnh nhân lên cơn” - bác sĩ Võ Quang Thiều nói. Bệnh viện có quy mô 100 giường bệnh với hơn 80 bệnh nhân đang được điều trị tại đây, đa số là bệnh nặng nên phải điều trị nội trú. Không kể những khó khăn đặc thù tại môi trường này, bác sĩ Thiều cứ nhắc đi nhắc lại chuyện thiếu bác sĩ trầm trọng, bằng cả sự trăn trở. Cả thảy chỉ có 6 bác sĩ (có 1 bác sĩ chuẩn bị về hưu) mà hàng ngày phụ trách khám chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhân. Nên quỹ thời gian của họ, hầu như dành cho bệnh viện.
Bác sĩ Trần Đình Hóa vào Quảng Nam ngay từ những ngày đầu tách tỉnh, vẫn nguyên vẹn cảm xúc mỗi khi tiếp nhận người bệnh. Ông nói 20 năm qua, “phong cách” làm việc không thể thay đổi được, bởi đã vận vào cái nghề này, thì đã ngay buổi đầu biết rằng mình phải là người “chịu đựng”, phải “thấp” hơn bệnh nhân mới có thể tìm ra cách chữa trị hiệu quả. “Nhiều khi các y bác sĩ bị những bệnh nhân khi lên cơn cào cấu, xé rách cả áo, thậm chí còn dùng cây, đá để uy hiếp. Vất vả nhất chính là phải vệ sinh thường xuyên cho họ. Lúc tỉnh thì còn biết chứ khi u mê thì họ bôi đầy tường. Từ chuyện ăn uống, tóc tai hay tắm rửa đều do một tay các bác sĩ phải lo, bởi phần lớn họ không có người nhà chăm sóc. Ở cái nơi nhớ nhớ, quên quên này, chịu khó ngồi nghe họ tâm sự những câu chuyện không đầu, không cuối, rồi dần dần khơi gợi những chuyện cũ về gia đình hay trong cuộc sống… cũng là liệu pháp chữa bệnh” - bác sĩ Hóa nói.
Điều trị, tiếp xúc với người vừa nghiện vừa nhiễm HIV, nỗi sợ lớn nhất và trước nhất là khả năng bị lây bệnh lao hơn là phơi nhiễm. Đặc biệt, bệnh lao của những người này là loại lao kháng thuốc nên rất nguy hiểm. Nhưng rồi các y bác sĩ cũng động viên nhau, kiểu nếu không duyên nợ với nghề sẽ khó vận cái nghiệp ấy vào mình. Làm ở đâu cũng là chữa bệnh cứu người, với ý thức nghề nghiệp đó, hàng chục cán bộ nhân viên đã bền bỉ trải qua nhiều áp lực công việc và nguy hiểm từng ngày, từng giờ. |
2. Có những nỗi sợ hãi mơ hồ, ngày làm việc với họ lúc nào cũng phải ở trạng thái đề phòng. Bởi họ biết, chỉ cần ngay tức khắc thôi, tính mạng của mình sẽ bị de dọa. Bà Chế Thị Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm HIV/AIDS nói, chỉ có cách phải vượt qua nỗi sợ hãi mới có thể làm việc. “Nhiều khi làm việc mà vẫn nơm nớp sợ. Dù đã quen với những tình huống này nhưng mỗi khi con bệnh lên cơn nghiện, vật vã lúc đó họ không còn lý trí nữa. Người thì dọa giết, dọa đánh, người thì chửi... Nhưng vượt qua tất cả, các y bác sĩ vẫn cố gắng để giúp bệnh nhân dứt được cơn thuốc, dần tái hòa nhập cộng đồng” - bà Hoa nói. Tại Trung tâm HIV/AIDS, các cán bộ nhân viên, đặc biệt là nhân viên y tế rất ngại nói về công việc của mình. “Có nhiều người vào đây là do áp lực của gia đình, người thân nên bản tính rất hung dữ. Khi y tá, bác sĩ gọi tên thì lại bảo, “Tên tao không phải để chúng mày gọi. Có muốn bị đánh không?”. Những lúc như thế, anh chị em đều cố gắng động viên nhau vượt qua nỗi sợ hãi, cố gắng tạo không khí vui vẻ, để từng bước gây thiện cảm với người bệnh” - bà Hoa nói thêm.
3. Và có một nơi ngoài nghiệp vụ chuyên môn, cần nhiều hơn nữa sự tinh nhạy, đồng cảm để hàn gắn, làm lành những thương tổn từ thẳm sâu đến những đau nhức của cơ thể. Thay vì nghe những cảm thán về công việc hay thu nhập, họ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của ông lão này bà lão kia, đã mấy năm ở đây, đã đau những vết thương của cuộc chiến nào. Những nơi này, hình như, chiến tranh, hay bom đạn, vẫn còn ẩn trong tiềm thức của mỗi cựu chiến binh khi trái gió trở trời. Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công Quảng Nam (phường Thanh Hà, Hội An) tính đến nay, đã điều dưỡng, điều trị phục hồi chức năng và đưa về ổn định ở gia đình gần 1.200 thương binh, bệnh binh nặng và đang phụng dưỡng 35 Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người có công.
Đồng thời đón tiếp, chăm sóc cho gần 4.000 lượt người có công của Quảng Nam, 500 lượt người có công tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến điều dưỡng mỗi năm. Những con số như vậy, đã nói lên hết áp lực công việc của nhân viên chăm sóc, điều dưỡng tại đây. Cô hộ lý Khổng Thị Lan, đã có 37 năm gắn bó với trung tâm. Mỗi bữa ăn, mỗi viên thuốc, hình như người đàn bà này thuộc nằm lòng. Cũng như thuộc cả tính cách mỗi cụ ông cụ bà, chỗ nào đau nhức, khi nào thì phải gọi bác sĩ… Và cũng đã rớt nước mắt, mỗi khi tiễn biệt một ai. “Làm riết rồi thương các cụ như người nhà mình” - cô Lan nói. Chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt từng thương bệnh binh, công việc này đòi hỏi những người như cô Lan, hay ông Lý phải thật sự nhẫn nại, chịu đựng và có tâm bởi người già thì khó ở, hơn nữa, họ còn mang trong mình vài căn bệnh không thể chữa khỏi ngày một ngày hai.
Những ngọn nến nhỏ tin yêu, từ những người làm nhiệm vụ coi sóc, ở Làng Hòa Bình (Tam Đàn, Phú Ninh). Cũng như những người đang làm ở Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công, chắc hẳn rằng, những bó hoa ngày Thầy thuốc Việt Nam, sẽ không dành cho họ. Má Sinh của Làng Hòa Bình nói miễn sao tụi nhỏ ngoan và phát triển dù chỉ từng hành động nhỏ, để mỗi ngày càng tiến gần đến cuộc sống của một đứa trẻ bình thường, thì má hay những cô giáo, những nhân viên của làng, đã vui lắm rồi. Như ông Lý của Nhà điều dưỡng Người có công, cũng bảo vậy. Niềm vui với họ, tưởng chừng đơn giản là nụ cười của những người được coi sóc. Nhửng ít ai biết rằng, để có được giây phút ấy là cả sự dày công chăm sóc bằng cả trái tim. Bởi, họ đã yêu thương hơn mình có thể, với bệnh nhân của mình, với công việc của mình.
THẦY THUỐC GIỮA RỪNG
Đối với những y, bác sĩ vùng cao, chuyện cắt rừng giữa đêm để cứu người, giành giật mạng sống từ những hủ tục đã trở nên quá quen thuộc. Ở đó, họ chiến đấu với cả những thế lực siêu nhiên đã hình thành trong tâm thức người dân, để y tế hiện đại tiệm cận cuộc sống hơn.
Vượt qua lời nguyền
Nhắc tới chị Hồ Thị Hiếu - Trưởng trạm y tế xã Trà Cang, huyện Nam Trà My là nhắc đến một người đã dám thách thức với hủ tục để cứu đứa bé từ tay thần chết - bé Hồ Quốc Khánh, con chị hiện nay. Đầu tháng 9.2011, do bị mất máu quá nhiều, sản phụ Hồ Thị Yên (xã Trà Cang) qua đời khi vừa sinh bé trai kháu khỉnh. Theo tục lệ người Xê Đăng, một cuộc họp làng diễn ra và thống nhất đám tang chị Yên phải tổ chức ngay hôm đó, đứa trẻ mới ra đời phải chôn sống cùng mẹ. Dân làng Xê Đăng quan niệm nếu sinh xong mẹ qua đời thì phải chôn sống đứa trẻ. Trong khi đám tang hai mẹ con đang được dân làng lo liệu, chị Hiếu lúc này làm việc ở thị trấn huyện Nam Trà My nghe được tin, sợ băng rừng suốt mấy tiếng không kịp, đã điện thoại cho em gái cướp đứa trẻ. Hai chị em sau đó chạy bộ suốt nhiều tiếng, bế đứa trẻ xuống trung tâm y tế cứu chữa.
Chị Hồ Thị Hiếu nhận lời động viên của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, vào tháng 3.2016, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: N.T |
Vì dám vượt qua lệ làng, nữ y tá sau đó phải đối mặt với những lời buộc tội của dân làng. “Họ nói rằng, đứa trẻ là điềm xấu của làng nên phải chết theo mẹ. Giờ mình cứu nó, làng xảy ra chuyện gì mình phải chịu tội thay” - chị Hiếu kể. Thời gian đó, chị Hiếu phải ở nhờ nhà người quen dưới huyện không dám về làng. Một thời gian sau, khi đứa trẻ đã lớn, chị Hiếu quyết định đối mặt với họ, giải thích rằng chẳng có con ma rừng nào ở đây cả. Cùng với sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cuối cùng người dân cũng bỏ qua. Họ không những tha thứ cho chị mà còn xóa bỏ hủ tục này.
Giờ bé Hồ Quốc Khánh đã tròn 5 tuổi, vẫn sống trong sự bảo bọc của chị Hiếu và mọi người trong xã. “Hồi đó chỉ nghĩ phải cứu đứa bé chứ không nghĩ được gì nữa, bất chấp hậu quả. Cũng may sau đó làng không có chuyện gì, cộng với việc chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền nên mọi người không còn nặng nề chuyện này nữa. Tôi đã chứng minh được là chẳng có con ma rừng nào hết, bệnh tật do cơ thể ốm yếu, có thể chữa được và tuyệt đối không được cúng bái thần rừng như trước” - chị Hiếu nói.
Cùng với sự đầu tư của ngành y tế, y học hiện đại đã đến được những bản làng xa nhất, dần xóa bỏ hủ tục của dân làng xưa nay. Bác sĩ Bríu Kiêm - Trạm Y tế xã Ga Ry, huyện Tây Giang kể, cách đây chừng mươi năm, khi trạm y tế nơi đây mới chỉ là những tấm ván được ghép tạm, bà con hầu như chưa biết đến viên thuốc là gì thì thần linh, thầy mo chính là bác sĩ của họ. “Bất cứ bệnh gì họ cũng cho rằng do con ma rừng bắt tội. Phải mổ trâu, giết gà tế lễ mới khỏi cái bệnh. Nhưng cuối cùng bệnh tật vẫn còn mà của nả trong nhà chẳng còn gì” - bác sĩ Bríu Kiêm cho biết. Phải qua những lần băng rừng, lội suối giữa đêm để tìm đến bản chữa trị cho người bệnh và chữa khỏi họ mới dần tin rằng: bác sĩ giỏi hơn thầy lang. Có những lúc phải giành giật sự sống của bệnh nhân từ người làng để chạy chữa và mang lại niềm tin cho họ vào y học hiện đại. Thầy thuốc Ating Cao Tin (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), với hơn 50 năm gắn bó cùng nghề y, hình ảnh người y sĩ này đã gắn bó quen thuộc với người dân ở những bản làng xa xôi nhất của huyện Đông Giang. Những “cái chết xấu”, hay những lời nguyền, những chuyện cúng bái, đã được ông loại bỏ dần trong tâm thức người đồng bào ở vùng này.
Chiến đấu với lá ngón
Trong những năm gần đây, các xã vùng núi cao rộ lên chuyện ăn lá ngón tự tử. Nhiều trường hợp cả 4 chị em mồ côi cha mẹ khi trong một lúc nóng vội, cả hai tìm đến lá ngón để giải quyết. Bác sĩ Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Trà My cho biết, khi người dân ăn lá ngón, nếu phát hiện kịp thời và tiến hành súc ruột mới cứu được, nếu muộn một chút đành bó tay. Những trường hợp mà trung tâm ghi nhận chỉ là bề nổi, còn một số người ăn, không kịp cứu cũng chẳng báo lên. Hay như lời chị Trần Thị Thủy Ngân - Trưởng trạm y tế xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, ở đây, lá ngón mọc đầy quanh nhà. Mà người dân rất coi thường mạng sống của mình, cứ hễ giận nhau gì đấy là sẵn sàng tìm đến cái chết. Chưa kể, nếu không dùng lá ngón tự tử thì lại treo cổ để chết. Lý do nhiều lúc rất đơn giản, từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, trong gia đình. “Thường thì họ tự tử chỉ khi đã uống rượu quá nhiều, không còn lý trí. Nếu nhai sống lá ngón thì còn có cơ hội chữa kịp chứ có người nấu nước rồi uống thì chịu chết” - chị Ngân nói.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, tại xã Trà Cang đã có 7 người dùng cái chết để giải quyết mâu thuẫn. Dù đã được chính quyền địa phương cũng như cán bộ y tế tuyên truyền, vận động và giải thích cặn kẽ nhưng tình trạng này vẫn tái diễn nhiều lần. “Ngay cả một công an viên, là người được tuyên truyền rất nhiều nhưng khi uống rượu, rồi nảy sinh mâu thuẫn thì cũng dùng lá ngón để tự tử. Mạng sống với họ nhỏ nhoi quá” - chị Hồ Thị Hiếu - Trưởng trạm y tế xã Trà Cang đã thốt lên như thế khi nói về vấn nạn này. Không chỉ dùng lá ngón hay các phương pháp tiêu cực khác để kết thúc mạng sống, người dân ở đây vẫn tin vào thần thánh, có bệnh là phải cúng bái. Họ quan niệm, người mắc bệnh là do con heo, con gà, con trâu... muốn hết bệnh thì phải giết những con vật đó để tế lễ. “Có lúc hơn nửa đêm, có người xuống báo là ở thôn 5 có người bị bệnh nặng. Chúng tôi lặn lội đến nơi thì đã gần 2 giờ sáng. Nói thế nào họ cũng không chịu cho đem xuống trạm xá. Chỉ khi mình hứa sẽ có xe cấp cứu lên tận nơi thì họ mới chịu” - chị Ngân thở dài.
Và dưới cánh rừng già, những người thầy thuốc vẫn đang từng ngày tuyên chiến với những hủ tục không biết mệt mỏi. Bởi họ biết, nếu chưa thể làm cho người dân hiểu và tin vào mình thì mãi mãi họ chẳng bao giờ bước ra khỏi cái bóng của nỗi sợ hãi ở sâu trong tiềm thức.
LƯƠNG Y CỦA NGƯỜI NGHÈO
Đã gần 50 năm, ông miệt mài công việc của một thầy thuốc đông y, châm cứu, bốc thuốc. Ở khắp vùng miền, từ Tây Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, hay gần hơn, từ Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên… cứ đau nhức là tìm tới ông Bảy Nhiều.
Và những người nghèo cứ rỉ tai nhau, để cứ năm dài tháng rộng, ông mải mê chữa bệnh, mà quên mất, bây giờ mình đã gần 80 tuổi. Ông là lương y Trần Văn Hiệu, người ở Bình Nam, Thăng Bình, hoàn toàn miễn phí khi người bệnh tìm đến chữa trị. Bằng các liệu pháp châm cứu ông theo học suốt cả 8 năm trời, từ Sài Gòn đến Đà Nẵng, tròn 30 tuổi, ông Hiệu về lại đất cát Bình Nam, mở một phòng mạch bên hông đạo thất, để chữa bệnh cho người dân trong làng. Rồi dần dần, người chữa bệnh đông lên, lại có người từ xa xôi tìm tới, phải khăn gói đùm đề, ông Hiệu - người ở Thăng Bình gọi ông là Bảy Nhiều, lại xin tòa thánh thất cho phép ông cơi nới gian nhà bên cạnh, để làm chỗ ăn ngủ cho bà con ở xa. Tưởng chuyện mới đây, ngoái lại, đã 47 năm rồi. Như con ong cần mẫn tạo hương mật cho đời, ông châm cứu, bốc thuốc miễn phí và sắp xếp cả chỗ ở miễn phí. Căn duyên, có lẽ khởi nguồn từ trái tim và tấm lòng thiện nguyện. Hàng ngày, ông Bảy Nhiều chữa bệnh, rồi đi làm ruộng, lấy đó để làm “vốn” mua thuốc trị bệnh cho người nghèo. Khi chúng tôi hỏi vậy làm sao đủ để ông duy trì chuyện chữa bệnh cho người nghèo trong suốt gần 50 năm như vậy, ông Bảy Nhiều nói có những người bệnh từ trong miền Nam, hay miền Bắc, nghe tiếng ông tìm tới chữa trị. Khi trị hết bệnh, thay vì nhận tiền công, ông bảo hãy giúp mua thêm thuốc cho “phòng mạch miễn phí” này.
Lương y Trần Văn Hiệu – ông Bảy Nhiều chữa bệnh cho người nghèo. |
Nhiều năm qua, gần 100 học trò bước ra từ sự truyền dạy của ông Bảy Nhiều. Đó là lớp dạy miễn phí dành cho những ai yêu ngành đông y. Học trò ra đời, mở phòng khám riêng, lâu lâu lại về phụ thầy chữa trị cho dân nghèo khắp nơi tìm tới. Vậy là ông đủ vui rồi. Có một gian phòng để người ở xa ngụ lại chữa bệnh. Hơn 20 chiếc giường tre kê sát nhau. Có trường hợp đi cả gia đình đến ở lại châm cứu, uống thuốc. Bệnh nhân cứ thế sinh hoạt như đang ở nhà mình. Ông Phan Đình Tiến (Tam Thăng, Tam Kỳ) kể lại câu chuyện cả nhà mình đến đây ở lại và trị bệnh hơn một tuần. Cơm thì có những gia đình ở gần đây nấu mang qua, mỗi phần như vậy khoảng 10 nghìn đồng, nếu không thích thì mua thức ăn ở chợ gần bên; còn bếp và củi ông Bảy đã chuẩn bị sẵn. Cũng như vậy, có những người nhóm bếp sắc thuốc, mỗi phần vậy cũng chỉ 10 nghìn đồng. “Ông Bảy tốt lắm! Ông bảo mọi người cứ ở đến khi nào khỏi bệnh thì về. Mỗi tháng, tôi chở vợ đến đây nằm cả tuần để ông Bảy châm cứu, bốc thuốc. Từ nằm một chỗ, hôm nay vợ tôi đã có thể ngồi dậy và tự làm được một số sinh hoạt cá nhân” - ông Tiến nói. Không những vậy, buổi sáng ông Bảy Nhiều cùng một số bà con ở làng dậy nấu bữa sáng cho bệnh nhân, “ở đây họ gọi là nồi cháo tình thương”, ông Bảy Nhiều nói.
Câu chuyện về người nghèo khắp nơi tìm đến ông Bảy Nhiều chữa trị sẽ vẫn còn được kể mãi bởi những người yêu mến vị lương y tâm đức này. Ông nói miễn là còn sức khỏe, còn tinh nhạy, thì ông còn chữa bệnh.
Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN - NGUYỄN DƯƠNG