Vun giấc mơ với vườn rừng

QUỐC TUẤN - TẤN CHÂU 05/09/2021 05:34

Rời bỏ công việc chuyên ngành hóa dầu để quay về quê hương… làm nông, Nguyễn Văn Nhân (quê xã Điện Hòa, Điện Bàn) - người sáng lập Rơm Vàng Farm miệt mài theo đuổi khát khao canh nông kiểu mới. Đó là nông nghiệp vườn rừng.

 

Đầu năm 2019, Nguyễn Văn Nhân (sinh năm 1992) bắt đầu trở về quê nhà thực hiện dự án của mình với sự ủng hộ của gia đình. Trên 3,5ha đất nằm liền kề một nhánh sông nhỏ ở thôn Đông Hòa (Điện Thọ), qua nhiều tháng canh tác, một dải cây cối, rau củ đã phủ xanh khu đất trước đó bị bỏ hoang nhiều năm bởi sản xuất kém hiệu quả.

 

Đồng hành với Nhân là gia đình anh Lê Mai Viện, một người trẻ trạc tuổi Nhân, cũng tốt nghiệp đại học, yêu thích nông nghiệp sạch và muốn góp sức nâng cao giá trị nông sản sạch với các giải pháp công nghệ thông tin của mình.

“Từ khi bắt đầu tôi luôn tâm niệm là phải sản xuất sạch đồng thời cải tạo, phát triển các giống cây bản địa. Tôi tin rằng đây là giải pháp cho tương lai để thích ứng với biến đổi khí hậu bởi vườn rừng giải quyết được bài toán này thay vì lệ thuộc vào quá nhiều yếu tố khách quan, chủ quan như sản xuất truyền thống” - anh Nhân chia sẻ. Có khoảng 90% trong hơn một trăm loài thực vật ở Rơm Vàng Farm là loài đặc trưng bản địa.

 

Phát triển theo phương thức tầng tán, các loại thực vật ở Rơm Vàng Farm (như 4 tầng keo, mít, chuối, dứa…) đã tương hỗ cho nhau rất tốt cả trong mùa cạn lẫn mùa mưa. Bằng chứng là trong hai mùa lụt, bão năm 2019 và 2020, tỷ lệ cây trồng bị gãy đổ, héo chết ở đây rất thấp.

“Ở đây chúng tôi chủ động giải pháp kỹ thuật để cây ăn quả lớn chậm hơn. Để trong quá trình sinh trưởng, các loại cây này sẽ hấp thụ tốt hơn, khỏe hơn và tăng sức đề kháng để chịu đựng trước các hình thái rủi ro thời tiết” - anh Lê Mai Viện nói.

 

Nông nghiệp vườn rừng cũng đòi hỏi người sản xuất phải nắm vững kỹ thuật cũng như đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu nơi canh tác. Thiết lập hàng rào sinh học, tạo lập và thông tất cả rãnh nước phủ rơm trong trang trại với nhau để dự trữ nước trong mùa cạn, hạn chế xói lở trong mùa mưa.

Biến đổi những phế phẩm như trái điều, vỏ đậu phụng… thành lớp che phủ tự nhiên, phân hữu cơ. Một số khu vực sau khi canh tác ngắn ngày thì ưu tiên để cỏ phủ lại tạo sinh khối. Rơm Vàng Farm đang dần ra tạo ra một “tiểu sinh cảnh” ở khu vực này.

 

Sau hơn hai năm, anh Nhân cùng các cộng sự đã dần có được nguồn thu nhập từ vườn rừng này. Với việc “lấy ngắn nuôi dài”, hàng ngày, hàng tuần rồi hàng vụ, Rơm Vàng Farm đều đặn có sản phẩm cung ứng đến thị trường gồm các loại: mè, đậu, rau củ quả, chuối, lúa hữu cơ…

“So với cùng diện tích làm nông nghiệp truyền thống, chưa nói việc thu từ cây dài ngày thì giá trị sản phẩm bán ra từ các loại cây trên của Rơm Vàng Farm đã không thấp hơn bà con canh tác bình thường kể cả có thâm canh. Ngoài ra, năng suất trên cùng một quy mô diện tích cũng khá hơn nhiều so với cách làm thông thường” - anh Nhân cho hay.

Hiện nay, các sản phẩm của trang trại đều được cam kết bao tiêu đầu ra nên bước đầu những lao động tại trang trại đã có được nguồn thu nhập khá ổn định từng tháng và theo vụ thu hoạch nông sản.

Rơm Vàng Farm cũng đang tính toán chăn nuôi thêm một số loài động vật để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có cũng như cân bằng hơn nữa hệ sinh thái của trang trại. Theo anh Nhân, để thực sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp cần phải tổng hòa 3 yếu tố bao gồm: Tinh thần thoải mái để sản xuất, phát triển sinh kế bền vững cho gia đình, lợi ích cho xã hội và duy trì, bảo vệ được hệ sinh thái bền vững.

 

Từ khi chuyển đổi hình thức canh tác, chất lượng đất ở khu vực Rơm Vàng Farm cũng tơi xốp hơn thay vì chai sạn như trước đây. Sau một năm khi “test” lại thì dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học ở khu vực này không còn.

Điều này chứng tỏ quá trình canh tác đã giúp hồi phục hệ sinh thái, cải tạo đất, xử lý hóa chất tồn dư. Cũng ở khu vực này, những đàn cò, bìm bịp, chim chóc các loại cũng như một số loài thủy sản hiếm thấy trước đây sinh sôi, tụ về đông đúc hơn hẳn.

 

Những đứa trẻ của hai gia đình anh Nhân, anh Viện cũng sinh ra ở đây, gắn mình với thiên nhiên trong lành ở Rơm Vàng Farm. Những người lớn thấy vui và chính lũ trẻ cũng hạnh phúc vì được khám phá nhiều điều kỳ thú qua mỗi ngày.

Ở Rơm Vàng Farm còn một số người trẻ khác, trong đó có Alăng Hải (quê huyện Tây Giang). Alăng Hải được chính anh Nhân mời gọi để góp sức phát triển trang trại. Và giờ đây, chàng trai người đồng bào này dần trở nên say mê và tích lũy được nhiều kiến thức canh tác nông nghiệp vườn rừng.

 

Alăng Hải bộc bạch: “Ban đầu khi đến đây tôi nghĩ đơn giản là làm tạm để có một công việc thôi nhưng càng ở lâu thì càng thấy nó rất hay. Các điều kiện để phát triển mô hình này có nhiều nét tương đồng với quê tôi và tôi muốn gắn bó ở đây để tích luỹ thêm kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch trước khi nghĩ xa hơn”.

 

Qua thực tế canh tác, năng suất lúa vườn rừng đã phơi khô và làm sạch tại đây trung bình đạt khoảng 375 kg/sào so với năng suất cao nhất theo phương pháp canh tác truyền thống ở Quảng Nam chưa đến 350kg/sào. Với đậu phụng sẻ, năng suất trung bình đạt khoảng 135kg/sào, nhỉnh hơn so với những khu vực canh tác đậu phụng sẻ ở Quảng Nam hiện nay - cao nhất cũng chỉ khoảng 125kg/sào.

Anh Nguyễn Văn Nhân cho biết: “Chi phí sản xuất ban đầu của chúng tôi gấp khoảng 1,5 lần so với canh tác truyền thống nhưng giá thành sản phẩm cao gần 4 lần, qua đó lợi nhuận thu được gấp đôi so với phương thức canh tác truyền thống. Bên cạnh đó, đối với canh vườn rừng sinh thái thì chi phí sản xuất sẽ giảm dần theo các năm nhờ chú trọng nuôi dưỡng đất hướng tới tuần hoàn khép kín”.

 

Theo kinh nghiệm từ những người làm việc tại Rơm Vàng Farm, tính hiệu quả của mô hình vườn rừng này phụ thuộc rất lớn vào thời gian, tức là cần thời gian cho quá trình cải tạo, phục hồi đất, nước nói riêng và hệ sinh thái toàn trang trại nói chung. Hạn chế hiện nay nằm ở việc đơn vị chỉ được thuê đất trong thời hạn 5 năm để sản xuất, trong khi nông nghiệp vườn rừng cần thời gian dài hơi để thu “quả ngọt” bền vững.

Bà Bùi Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm NOOM (xã Bình Giang, Thăng Bình), đối tác của Rơm Vàng Farm cho biết: “Hiện nay nhu cầu thị trường về các sản phẩm nông nghiệp sạch vẫn rất rộng mở, đơn cử là đơn vị của tôi rất cần nông sản sạch để cung ứng cho khách hàng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác, sơ chế chế biến nông sản và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm đối với những người nông dân có khát khao, mong muốn chuyển đổi làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp vườn rừng”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vun giấc mơ với vườn rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO