1. Chỉ còn mươi ngày nữa là tết về ngang cửa. Người thì lo dọn văn phòng, nhà cửa. Chị em tất tả kiếm củ hành củ kiệu lặt phơi dầm muối. Lại lo sắm đôi dép mới, hộp trà thơm, lọ mứt ngọt để bày biện…
Chung quy chuyện vụn vặt rất nhiều. Riêng con gái nhắc chuyện nhặt giấy vụn, lon bia để dành sau tết nộp cho trường theo “kế hoạch nhỏ”. Ừ thì lo việc vặt, nhặt các thứ vụn để gom góp một cái gì đấy, tái chế cho sự sống, cũng là điều hay.
Nhưng bận rộn với các thứ vụn vặt mãi, ai sẽ “lo chuyện ông trời”, nghĩ điều gì xa hơn cho tương lai? Ví như, người cha ôm giùm đống giấy vụn nộp cho con, hẳn lòng lúc đó đâu thể nghĩ đến những việc mang tính to tát về “chiến lược”đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chỉ ngơ ngác trước cổng trường vì không biết ai cân, ai nhận cái thứ vụn vặt đang cầm trên tay.
2. Cái chuyện chăm sửa mồ mả ông bà thì mỗi năm, vài năm đều làm, nhất là trước kỳ giỗ chạp. Có việc rất nhỏ, lòng linh bia ghi tên người đã khuất bị bong tróc nên phải mua lon sơn kẻ lại. Trong lúc thiên hạ nháo nhác chạy đi kiếm chút tiền mua sắm cuối năm, vậy mà có người tỉ mẩn ngồi kẻ suốt tên tuổi ông bà thì cũng lạ. Lạ là vì, người sống đã mấy ai được ghi tên vào biển vàng bia đá, phỏng “có danh gì với núi sông”, vậy thì hàng hàng lớp lớp người đã đi vào cõi u tịch cần phải sáng rõ cái tên làm gì nếu không hiển danh lúc tại thế?
Có người cứ nghĩ những việc chăm sửa mồ mả ông bàn là… chuyện nhỏ (thậm chí lẩn thẩn, vớ vẩn), nên trước khi giỗ chạp cứ a lô dịch vụ đặt cho thợ làm, chỉ khi xong việc về lạy vài lạy rồi… đánh chén. Vậy thì giải thích thế nào câu chuyện tâm linh, là quan niệm, ứng xử “không phải chết là hết”. Hơn nữa, những việc tưởng vụn vặt ấy mấy ai làm được nhất là lúc mà đời sống thực dụng đã lấn át, nói gì chuyện nhớ về nguồn cội, ông bà (!)
3. Trong cõi nhân sinh bé tí, nếu không bắt đầu từ những chuyện vụn vặt, nhặt những mảnh vụn, có khi chẳng làm được việc lớn gì cho cam. Cô học trò nhỏ được dạy phải biết quý mồ hôi công sức con người bỏ ra để sáng chế các vật dùng, nên thường nhắc việc thu gom giấy vụn. Từ giấy vụn, đem tái chế lại cho ra đời những trang vở mới thơm tho. Những việc lặt vặt các bà các chị lo cho cái tết sắp về, từ lon nếp, miếng thịt heo,… là sự chắt chiu của tần tảo, thể hiện một tình thương yêu gần gũi và cụ thể. Có tiền sắm mọi thứ vật chất được, nhưng làm sao sắm được cái tình ấy?
Con người lặt lá để mai đào ra lộc trổ bông kịp mùa tết. Cây cỏ thiên nhiên dường như cũng có cơ chế tự thải lọc theo mùa những chiếc lá sẽ rơi thành rác vụn. Như cây bàng tự trút hết lá già vào cuối đông để rồi đâm lộc, nảy chồi trong mưa xuân phơi phới bay. Những thứ vụn vặt, lặt lá, cứ miết trôi trong vòng chu chuyển nhân gian, trời đất. Kẻ luôn mơ ước làm điều gì lớn lao, đôi khi cũng cần phút giây dọn lòng mình trong những chuyện lặt vặt từ ký ức vụn, mảnh đời vụn.
BẢO TRÂN