Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững

N.ĐOAN 16/11/2022 16:29

(QNO) - Sáng nay 16/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam sáng nay 16/11. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam sáng nay 16/11. Ảnh: N.Đ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương cần cụ thể hóa nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và quan trọng là có nguồn lực cụ thể, cùng đề ra những biện pháp có tính khả thi cao để thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết không đánh trống bỏ dùi, không đầu voi đuôi chuột”.

Nghị quyết đi vào cuộc sống

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ Chính trị đánh giá: Những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được huy động; nhiều điểm nghẽn đối với phát triển được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng từng bước được phát huy, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực.

Kinh tế của vùng tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,9 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo. Một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thu ngân sách tăng khá, một số địa phương đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được cải thiện. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên được chú trọng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được nâng lên rõ rệt…

Cơ cấu kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo. Ảnh: N.Đ
Cơ cấu kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo. Ảnh: N.Đ

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, những kết quả đạt được trong thời gian qua khẳng định Nghị quyết số 39 đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước.

Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá. Hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao, tỷ lệ lấp đầy còn thấp.

Trong khi đó, các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Ngành dịch vụ phát triển chưa đa dạng, chất lượng chưa cao. Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp.

Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững. Doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tỷ suất lợi nhuận thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao, tỷ lệ đường cao tốc thấp. Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động. Tốc độ đô thị hóa và chất lượng đô thị còn thấp…

Đổi mới tư duy phát triển

Với việc ban hành Nghị quyết số 26, Bộ Chính trị xác định tiếp tục tạo ra một bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, có tính đột phá trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đồng thời tiếp tục phát huy kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, tồn tại, vượt qua khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh cần phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy phát triển, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát triển nhanh và bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng. Bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng, các miền, góp phần nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng, sớm bắt kịp với các vùng phát triển khác trong cả nước. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa nhiều mặt của các địa phương trong vùng và cả nước.

Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển bền vững tăng trưởng xanh quốc gia và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam. Phát triển vùng mạnh về biển, giàu lên từ biển, trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là nghề biển.

Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường liên kết phát triển vùng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển.

Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là về giao thông; tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển đảo, rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển. Nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập với khu vực và thế giới, phát triển toàn diện văn hóa, xã hội vùng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nhất là an ninh biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết trong vùng.

Vươn lên cùng cả nước

Để thực hiện bằng được, hiệu quả cụ thể, rõ rệt Nghị quyết 26, theo đồng chí Tổng Bí thư, đầu tiên phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng; nắm thật vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, công việc phải làm để trên cơ sở đó có sự thống nhất về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn vùng, từng địa phương trong vùng cũng như của cả nước. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng.

Đồng thời, phải nhận thức thật đúng, giải quyết thật tốt nhiệm vụ phát triển vùng và phát triển chung của cả nước, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức của tất cả cấp ngành về vai trò, vị trí của liên kết vùng, liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, và cơ chế triển khai có hiệu quả…

“Tôi tha thiết kêu gọi và tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, ngay sau hội nghị này sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm và phẩm chất cao quý rất tốt đẹp của người miền Trung; cùng với các ban, bộ ngành Trung ương và các cấp chính quyền trong cả nước đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi, càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị lần này.

Qua đó, tạo một bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo đúng tinh thần “Cả nước vì Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO