Công trình khoa học “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng trồng sâm theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” được xem là cơ sở đề xuất mở rộng và phát triển CDĐL đối với cây sâm Ngọc Linh nằm trong vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển của Quảng Nam.
Mở rộng vùng bảo hộ CDĐL
Công trình khoa học “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng trồng sâm theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” của TS. Lương Đức Toàn và cộng sự được triển khai giai đoạn 2017 - 2020, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Công trình góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất mở rộng vùng bảo hộ CDĐL cho sâm củ Ngọc Linh ra các vùng trồng sâm nằm trong quy hoạch phát triển của tỉnh. Các nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu, phân tích đặc thù về chất lượng đất, khí hậu, thổ nhưỡng, độ ẩm, tập quán canh tác quyết định đến chất lượng và hình thái sâm củ.
Theo TS. Toàn, phạm vi nghiên cứu mở rộng vùng CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và phát triển trồng sâm theo quy hoạch là vùng trồng và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở độ cao 1.200m trở lên nằm ở phía Tây Nam, huyện Nam Trà My, gồm 7 xã: Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng và Trà Tập với phạm vi điều tra, nghiên cứu là 12.494ha. Về khí hậu, vùng sâm Ngọc Linh nằm trong phạm vi yêu cầu đã bảo hộ CDĐL đáp ứng yêu cầu có lượng mưa trung bình 2.500 - 3.400mm, nhiệt độ trung bình 14 - 20,5 độ C...
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN: Đến nay, Sở KH-CN đã đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ có đề án, chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm trí tuệ CDĐL sâm Ngọc Linh đến năm 2020, song vẫn chưa có dự án hỗ trợ đối với 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Cả 2 tỉnh vẫn chưa có sự thống nhất về khâu chọn giống, bảo tồn, quy trình kỹ thuật trồng, quản lý thương hiệu, quản lý và phát triển CDĐL dù quy chế phối hợp đã được 2 tỉnh ký kết. Việc thiếu sự thống nhất trong quản lý và phát triển CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ sẽ ảnh hưởng tới việc bảo vệ danh tiếng, chất lượng sâm Ngọc Linh. Cần tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu mở rộng CDĐL đến từng xã, phân tích yếu tố đặc thù ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển, quyết định chất lượng, hình thái của sâm Ngọc Linh đến từng xã, làm cơ sở, tiền đề để doanh nghiệp và nhà đầu tư căn cứ vào kết quả này tính toán trồng, cũng là cơ sở thẩm định để giao đất giao rừng phát triển cây sâm theo đúng tinh thần.
Về đặc thù về chất lượng đất đai, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ khả năng thích hợp đất đai cho cây sâm Ngọc Linh tỷ lệ 1/25.000. Trong tổng số 12.491ha tại 7 xã, bản đồ đất đai được xây dựng rõ diện tích đất thích hợp cao để phát triển cây sâm là 5.896ha, diện tích đất thích hợp là 5.364,45ha, diện tích đất ít thích hợp là hơn 1.000ha, không thích hợp (203ha). Nhóm nghiên cứu đề xuất diện tích đưa vào phạm vi mở rộng bảo hộ CDĐL là 12.291ha/12.494ha. Như vậy, ngoài 2.855,56ha được bảo hộ trước đó, vùng mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL được các nhà khoa học kiến nghị là 9.435,44ha và vùng được đề xuất bảo hộ 12.491ha.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các yếu tố thích hợp của đất đai, chất lượng đất trong tổng số 12.491ha đề xuất mở rộng CDĐL, qua phân tích, qua chồng ghép bản đồ, TS. Toàn đề xuất phương án ưu tiên phát triển sâm ra 4 mức độ, gồm: vùng ưu tiên phát triển là 5.325,35ha, vùng phát triển chuyển tiếp (hơn 5.000ha), vùng phát triển di thực (hơn 1.600ha) và phát triển tạo vùng đệm (hơn 400ha) tại 7 xã.
Qua nghiên cứu, đánh giá ở vùng sâm di thực của tỉnh tại Tây Giang và Phước Sơn, các nhà khoa học cho biết, nhìn chung về chất lượng, thành phần hợp chất saponin ở vùng sâm di thực ở Phước Sơn và Tây Giang có phần thấp hơn nhưng không có sự khác biệt đáng kể với vùng sâm gốc Nam Trà My trong cùng độ tuổi. Tuy nhiên, so với Phước Sơn, sâm Ngọc Linh di thực ở Tây Giang không có độ đồng đều giữa các mẫu sâm cùng tuổi và phát triển kém hơn vùng Phước Sơn. TS. Toàn đánh giá, hiệu quả sâm Ngọc Linh ở vùng di thực còn thấp nên tỉnh cần cân nhắc, thận trọng trong việc đưa vùng di thực vào vùng mở rộng CDĐL.
Nghiên cứu sâu tạo đà phát triển
TS. Lương Đức Toàn - Viện Thổ nhưỡng Nông Hóa: Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã ban hành Quyết định số 3235/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh chung cho 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh trong thực tế không chỉ giới hạn trong phạm vi bảo hộ CDĐL. Sâm Ngọc Linh tự nhiên được doanh nghiệp và người dân đầu tư trồng với phạm vi rộng hơn, bao gồm xã Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My) và Phước Lộc (Phước Sơn); xã Ch’Ơm (Tây Giang). Trên những xã này, các sản phẩm sâm cũng được người dân khai thác và doanh nghiệp đưa vào thương mại hóa và giới thiệu là sâm Ngọc Linh. Đây là bất cập trong quản lý và phát triển CDĐL “Ngọc Linh”. Việc mở rộng CDĐL cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh tạo cơ sở pháp lý và công cụ quản lý tốt thương hiệu, CDĐL.
Ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cây sâm Ngọc Linh đã trở thành sản phẩm quốc gia, được đưa vào thực vật nguy cấp, nhóm 1A. Việc xác định giống gốc là vô cùng nghiêm ngặt, yêu cầu rất cao. Trong khi ta đang vừa trồng vừa bảo vệ, vừa phát triển kinh tế miền núi cao, nên khẩn trương, bằng mọi giá làm cho được giống gốc.
“Đề tài mang tính khoa học và thực tiễn hỗ trợ công tác quản lý nhà nước. Về tổng quan đánh giá đầy đủ, cần cập nhật một số chi tiết cụ thể đối với vùng cần mở rộng phát triển CDĐL, làm cơ sở mở rộng, phát triển vùng trồng. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh có những cơ chế, chính sách, dựa trên cơ sở, nền tảng CDĐL hỗ trợ người dân trồng sâm, tăng cường công tác bảo vệ rừng để trồng sâm” - ông Trung nói.
Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, đề tài là cơ sở khoa học giúp người dân và doanh nghiệp có cơ sở, kế hoạch trồng sâm hợp lý bởi doanh nghiệp vào đăng ký trồng sâm chỉ tham gia trồng ở vùng có CDĐL bảo hộ.
Hiện nay, huyện Nam Trà My có 1.600ha trồng sâm với 49 nhóm hộ trồng. Giai đoạn 2017 - 2019, huyện hỗ trợ người dân trồng sâm theo cơ chế Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh, mỗi xã 1.400 cây giống và có 7 xã được hỗ trợ giống. Tại xã Trà Tập, Trà Dơn, cây sâm trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống 95%, đã cho hoa bởi môi trường ở đây rất sạch. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn cho thấy cây sâm Ngọc Linh phát triển tốt ở 7 xã thuộc phạm vi mở rộng CDĐL.
“Việc nghiên cứu sâu, xác định thành phần đất từng khu vực rất quan trọng, bởi đất quyết định hình thái của củ sâm. Chỉ xã này đi sang xã kia, hình thái của củ sâm đã khác nhau rồi, nên đất đai đóng vai trò rất quan trọng, cần phải nghiên cứu sâu phục vụ mở rộng CDĐL” - ông Quý đề xuất.