Hôm nay 9.8, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập phường. Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, nhân dân Hòa Hương đã tiếp nối truyền thống trung dũng kiên cường, đưa quê hương vững bước đi lên.
Một góc phố Hòa Hương hiện nay. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Quá khứ hào hùng
Cũng như nhiều cư dân khác trên mảnh đất Hà Đông xưa, trong quá trình xây dựng và phát triển, nhân dân Hòa Hương phải liên tục chống chọi với thiên tai, địch họa. Với truyền thống yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, khi quê hương thanh bình thì cần mẫn với ruộng vườn, nhưng khi đất nước có giặc giã, toàn dân nhất tề đứng dậy chống trả. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Hòa Hương là hậu cứ giúp đỡ đồng bào vùng tạm chiếm vào đây làm ăn sinh sống, là địa bàn hoạt động bí mật của các đồng chí cán bộ Phủ ủy Tam Kỳ và là chỗ dựa cho bộ đội Quân khu 5 đứng chân huấn luyện, chuẩn bị cho các chiến dịch đánh địch ở vùng tạm chiếm phía bắc của tỉnh.
Đảng bộ và nhân dân Hòa Hương đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Chi bộ Đảng phường I Hòa Hương trước đây được công nhận là Chi bộ Đồng, gắn bia lịch sử và là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhân dân phường Hòa Hương còn được tặng 10 Huân chương, Huy chương Kháng chiến chống Pháp, 140 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, 19 Huân chương Độc lập, 137 Huân chương Chiến công các loại, toàn phường có 17 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ phường Hòa Hương đề ra mục tiêu phấn đấu đưa giá trị ngành TMDV - TTCN - nông nghiệp đạt theo cơ cấu 68% - 27% - 5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 2% vào năm 2015. |
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòa Hương tiếp tục là căn cứ du kích ở trong lòng địch, là nơi tiếp cận giữa nông thôn và thành thị để lực lượng vũ trang tỉnh, Quân khu 5, lực lượng an ninh Đội công tác Tam Kỳ trụ bám và giấu quân để xuất kích đánh địch trong nội ô. Tuy là một địa bàn nằm sâu trong vùng địch kiểm soát nhưng từ năm 1957 đến 1975 đã tồn tại Chi bộ Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong phường, xây dựng nơi đây thành căn cứ lõm với 32 gia đình cơ sở nuôi giấu cán bộ, lập được 4 trạm liên lạc hợp pháp, 2 đường giao liên hợp pháp từ Hòa Hương đến TP.Hồ Chí Minh. Là địa bàn nằm trong vùng kiểm soát của địch, có lúc là vùng trọng điểm chiến đấu quyết liệt giáp mặt với kẻ thù, bị địch khủng bố, đàn áp dã man, nhưng nhân dân Hòa Hương vẫn một lòng một dạ trung kiên với Đảng, anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai cho đến ngày toàn thắng.
Xây dựng quê hương
Sau ngày giải phóng, bước vào cuộc chiến đấu mới trên mặt trận lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và nhân dân Hòa Hương tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu, đời sống của người dân từng bước ổn định. Năm 1983, huyện Tam Kỳ được chia tách thành 2 đơn vị hành chính mới là huyện Núi Thành và thị xã Tam Kỳ, Hòa Hương trở thành một trong 5 phường nội thị của Tam Kỳ. Từ đây, Hòa Hương tạo ra sức bật mới trên chặng đường phát triển. Hiện Hòa Hương có 8 khối phố, 2.300 hộ với 10 nghìn dân, trong đó người dân sinh sống dựa vào nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của phường chuyển dịch theo xu thế phát triển chung của thành phố là tăng nhanh tỷ trọng thương mại dịch vụ (TMDV) và tiểu thủ công nghiệp (TTCN), đồng thời tập trung đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp đô thị. Hiện cơ cấu ngành TMDV chiếm gần 60% với tổng giá trị đạt hơn 190 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, ngành TTCN cũng có bước phát triển nhanh chóng, tổng giá trị sản xuất năm 2004 đạt hơn 20 tỷ đồng, đến năm 2012 là hơn 112 tỷ đồng. Trên địa bàn phường, hiện có 154 hộ sản xuất TTCN, tạo việc làm cho hơn 300 lao động tại địa phương. Thời điểm thành lập, hộ đói - nghèo của phường chiếm 35%, đến nay chỉ còn 4,8% hộ nghèo. Các chỉ số khác như thu nhập, lương thực đầu người, hộ được xem truyền hình, dùng internet, điện thoại ngày càng tăng, 100% hộ dùng điện thắp sáng, hơn 70% số hộ dùng nước sạch qua xử lý, các đối tượng chính sách được chăm sóc chu đáo, kịp thời. Thời gian qua phường còn vận động xóa được 120 nhà tạm cho đối tượng chính sách; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 45 nhà tình nghĩa.
“Bên cạnh những thành tựu đạt được trong chặng đường 30 năm qua, Hòa Hương vẫn còn nhiều hạn chế như hạ tầng cơ sở, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường chưa được thực hiện tốt, một số dự án còn kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Hòa Hương cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động xây dựng quê hương; chung tay góp sức với các đơn vị, xã, phường để đưa TP.Tam Kỳ đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015”. (Lê Hồng Tuyến - Chủ tịch UBND phường Hòa Hương) |
Cùng với phát triển kinh tế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, nhất là công tác quy hoạch, đã giúp cho Hòa Hương ra phố hơn (phường nội thị nhưng Hòa Hương có 2/3 diện tích và dân số thuộc khu vực nông thôn). Đến nay, nhiều công trình được đầu tư xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia như Trạm Y tế phường, các trường THCS Nguyễn Huệ, Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, Mẫu giáo Tuổi Thơ. Phường cũng đã hoàn thành công tác phổ cập tiểu học, THCS và THPT. Hệ thống cấp nước sạch, điện chiếu sáng, cảnh quan, môi trường sinh thái đô thị, hệ thống cây xanh vỉa hè, đường kiệt khối phố, thu gom xử lý rác thải được đầu tư nâng cấp khá hoàn chỉnh, góp phần làm cho trật tự đô thị, cảnh quan đô thị trên địa bàn phường văn minh hơn. Trong khi đó, công tác cán bộ cũng có nhiều chuyển biến tích cực với hơn 90% cán bộ phường đạt đủ 3 chuẩn, hầu hết cán bộ chủ chốt có trình độ đại học. Lĩnh vực an ninh quốc phòng có nhiều kết quả nổi bật với việc xây dựng các mô hình như “Khối phố tự quản về an ninh trật tự”, “Khối phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; Hòa Hương là địa phương duy nhất của tỉnh 2 năm liên tiếp (2011 - 2012) được Bộ Công an tặng cờ về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
XUÂN PHÚ