Vững bước dưới cờ Đảng

VĂN SỰ - PHI THÀNH 02/02/2015 09:01

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong kháng chiến, quân và dân xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên) đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trong thời bình, mảnh đất anh hùng ấy đã có những bước đi vững chắc trên hành trình xây dựng cuộc sống mới.

Đường về Duy Phước hôm nay. Ảnh: S.T
Đường về Duy Phước hôm nay. Ảnh: S.T

Quá khứ anh hùng

Theo các tư liệu lịch sử, cách đây 68 năm, vào ngày 23.2.1947, tại xóm Cây Quýt, chợ Gò và đình An Phước, Huyện ủy Duy Xuyên tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập chi bộ đảng ở các xã Phong Hóa, Tân Hưng, Hồng Thái. Tháng 3.1948, thực hiện chủ trương của cấp trên, 3 xã Hồng Thái, Tân Hưng, Phong Hóa sáp nhập thành xã Duy Phước. Các chi bộ đảng nhập lại thành Chi bộ Đảng xã Duy Phước, lấy tên Chi bộ Minh Khai gồm 20 đảng viên, đồng chí Hứa Lân làm Bí thư. Suốt 9 năm chống Pháp, chi bộ tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường… Đồng thời chăm lo xây dựng lực lượng du kích xã vững mạnh, tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao sinh lực địch, tiêu biểu như tại chốt điểm Câu Lâu, Cống Ba, Gò Vàng, Hà Nhuận, làm cho kẻ thù vô cùng khiếp đảm. Khi quân Pháp rút lui về tập trung tại chốt Câu Lâu, quân dân Duy Phước dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng đã tập trung hỏa lực tấn công địch, góp phần cùng với cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, toàn xã Duy Phước có 557 liệt sĩ, 150 thương bệnh binh, 51 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; cán bộ và nhân dân của xã được tặng thưởng 32 Huân chương Độc lập, 27 Huân chương Kháng chiến, 31 Huân chương Giải phóng, 362 huy chương các loại, 143 Bảng vàng Gia đình vẻ vang, 5 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Đặc biệt, Đảng bộ, nhân dân Duy Phước đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6.1.1999.

Bước sang thời kỳ chống Mỹ, Duy Phước bị phân chia thành hai xã Xuyên Quang và Xuyên Thái. Chi bộ đảng ở các xã đã lãnh đạo nhân dân liên tục nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt ác, phá kèm, tấn công địch bằng “hai chân ba mũi giáp công”, từng bước tạo thế và lực mới, tiến hành vây bức cơ quan hội đồng các xã, giải phóng quê hương vào ngày 9.2.1965. Ngay sau đó địch tập trung lực lượng, tăng cường càn quét hòng chiếm lại vùng giải phóng. Bọn chúng tiến hành nhiều cuộc thảm sát tập thể, càng thổi bùng ngọn lửa căm thù trong cán bộ, nhân dân. Các phong trào thi đua “Tòng quân giết giặc”, “Nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh thắng giặc Mỹ cực chừ, sướng sau” đã trở thành khẩu hiệu hành động của mỗi người để cùng với cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy, chính thức giải phóng quê hương Duy Phước vào ngày 28.3.1975. Những địa danh như Câu Lâu, Lang Châu, An Phước, Mỹ Duân, Triều Châu, Hà Nhuận, Cây Quýt, Hầm Hấn, Cồn Sóc... giờ đây mãi mãi khắc sâu vào lịch sử, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân Duy Phước anh hùng.

Tạo thế và lực mới

Từ chi bộ đảng đầu tiên chỉ với vỏn vẹn 20 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã Duy Phước có 14 chi bộ trực thuộc, với tổng cộng 186 đảng viên. Hằng năm có hơn 90% số chi bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh; đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh. Để có được thành tích ấy, công tác quy hoạch, đào tạo và sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ luôn được địa phương chú trọng. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, đảng bộ đã cử 22 lượt cán bộ đi đào tạo văn hóa và chính trị tập trung, qua đó phát huy tốt vai trò trách nhiệm và hiệu quả trong công việc. Hiện nay, Đảng bộ xã có 80% số đảng viên đã học qua lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; về chuyên môn, trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học chiếm 44,4%. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát trong đảng được thực hiện thường xuyên. Ngoài việc thông qua các buổi sinh hoạt, hoạt động để triển khai nghị quyết của Đảng, hàng năm Đảng bộ xã Duy Phước xây dựng kế hoạch cụ thể, kiện toàn ủy ban kiểm tra, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng.

Tập sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Duy Phước giai đoạn 1930 - 1975” gồm 4 chương, 175 trang ghi lại những chặng đường cách mạng với dấu ấn lãnh đạo của đảng bộ địa phương.
Tập sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Duy Phước giai đoạn 1930 - 1975” gồm 4 chương, 175 trang ghi lại những chặng đường cách mạng với dấu ấn lãnh đạo của đảng bộ địa phương.

Ông Lê Trung Bê - Bí thư Đảng ủy xã Duy Phước chia sẻ, sau ngày đất nước thống nhất, trên chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân toàn xã đã chung tay thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, biến vùng đất hoang tàn đổ nát ngày nào giờ khoác lên mình “tấm áo mới”. Từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của địa phương đạt 21,86%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (chiếm 50,2%), thương mại - dịch vụ (35,5%). Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 96%, hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 200 người. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2010 - 2014 đạt hơn 57,7 tỷ đồng. Cạnh đó, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng phát triển, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. “Thời gian tới, Đảng bộ xã Duy Phước sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Di chúc của Người. Địa phương chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ về số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Đặc biệt, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của cấp ủy, lựa chọn những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng, không vì chạy theo số lượng mà xem nhẹ chất lượng” - ông Bê nói.

VĂN SỰ - PHI THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vững bước dưới cờ Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO